Đặc biệt là làm sao để kiểm soát được tài sản của không chỉ cán bộ công chức mà cả những người thân của họ để mang lại hiệu quả trong ngăn ngừa tham nhũng. Liên quan đến vấn đề trên, PV báo Người Đưa Tin đã ghi nhận các ý kiến của các chuyên gia để có những ý kiến khách quan.
Trao đổi với PV, PGS.TS Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Phát triển Hỗ trợ Cộng đồng (thuộc VUSTA) cho rằng: “Vụ việc ở Yên Bái không phải là cá biệt. Vợ, anh chị em cán bộ quan chức sở hữu tài sản khủng được nhắc đến nhiều thời gian qua. Thực tế hiện tượng trên xảy ra thời gian qua không phải ở 1 tỉnh mà ở một số tỉnh. Dư luận đặt nhiều nghi vấn cũng là điều dễ hiểu.
Chính vì vậy không chỉ yêu cầu cán bộ, quan chức kê khai tài sản mà cũng cần quy định bắt buộc kê khai tài sản cả người thân của họ. Nhưng theo tôi, đó chỉ là biện pháp tức thời. Kê khai nhưng chúng ta phải có cơ chế xem xét, giám sát hiệu quả.
Tôi băn khoăn tại sao có nhiều vụ việc quan chức, người thân bỗng dưng “sở hữu đất vàng”, đất khủng giá hời nhưng cả hệ thống ở địa phương không ai thấy bất thường? Chỉ khi cơ quan báo chí vào cuộc mới thấy có vấn đề không ổn và cơ quan quản lý vội vã thanh tra. Vai trò của người đứng đầu các cấp này ở đâu?
Việc thanh tra tài sản hay bất cứ vấn đề gì liên quan đến cán bộ, quan chức chủ yếu là cơ quan thanh tra chính quyền thực hiện. Thanh tra chính quyền tiến hành kiểm tra chính quyền thì khó có sự khách quan 100%. Theo tôi nghĩ cần có thanh tra của các đoàn thể khác như Mặt trận Tổ quốc… để đảm bảo sự công tâm”.
TS. Dinh cho rằng: “Việc kê khai tài sản quan chức và kể cả tiến tới kê khai tài sản người thân quan chức đi nữa làm sao phải đảm bảo yếu tố nghiêm minh. Kê khai trung thực và có cơ chế giám sát việc kê khai đó. Ai kê khai sai phải xử lý nghiêm mới có tính răn đe chứ kê khai xong đút ngăn bàn thì kê khai tài sản của cán bộ, quan chức cũng không mang lại hiệu quả chứ đừng nói đến người thân của quan chức".
Đồng quan điểm là tiến tới người thân là anh em, họ hàng thân thích của cán bộ công chức thuộc diện kê khai cũng phải kê khai tài sản, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) cho biết: “Hiện nay, Luật mới chỉ quy định cán bộ, vợ/chồng, con vị thành niên của cán bộ công chức thuộc diện kê khai phải kê khai tài sản. Luật chưa quy định người thân là anh em họ hàng thân thích của cán bộ phải kê khai tài sản. Việc người thân cán bộ công chức đứng tên tài sản hộ là có căn cứ. Từ thực tế đó phải sửa luật, tới đây chúng tôi sẽ tham mưu cho Chính phủ, đưa ra QH thảo luận.
Đối tượng thuộc diện kê khai hiện nay khá nhiều nhưng việc kiểm soát, giám sát biến động tài sản đang còn bất cấp mà người ta nói là hình thức. Chúng ta yêu cầu kê khai nhưng chưa kiểm soát, xác minh được. Đó là vấn đề cần phải đề cập khi sửa luật. Quan trọng nhất, theo tôi là kê khai nhưng phải kiểm soát, xác minh được di biến động của các tài sản thì mới có thể có tác dụng phòng ngừa tham nhũng".
Thơm Lan