Thực tế thì xăng E5 được lưu hành trên thị trường trong nước từ năm 2010, cũng như đã có Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg ngày 22/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc từ ngày 1/12/2015, xăng E5 sẽ được sử dụng bắt buộc trên phạm vi toàn quốc. Thế nhưng cho mãi đến nay, diễn biến thay xăng RON 92 bằng xăng sinh học E5 cứ “lình xình”, nếu không muốn nói khá trầm lắng.
Mặc dù người dân còn chưa yên tâm về chất lượng xăng E5 nhưng phải thừa nhận việc khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học là xu thế chung của thế giới, nhằm giúp giảm thiểu đáng kể các loại khí thải độc hại có trong nguồn nhiên liệu truyền thống như CO, CO2, SO2... Nhờ đó mới hạn chế được hiệu ứng nhà kính, tạo môi trường sống an toàn, trong sạch hơn.
Tuy tiến độ triển khai đưa vào sử dụng đại trà nguồn nhiên liệu thân thiện với môi trường còn nhiều bất cập, nhưng đáng chú ý là chưa có bất kỳ khiếu nại nào của khách hàng đã dùng xăng E5 trong suốt thời gian qua. Điều này cho thấy xăng sinh học E5 có các chỉ tiêu chất lượng gần như không khác so với xăng quen dùng. Kết quả kiểm tra chất lượng của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (bộ Khoa học và Công nghệ) cũng kết luận chất lượng xăng E5 bảo đảm theo quy định.
Vậy tại sao người tiêu dùng cứ mãi “lấn cấn” không mặn mà với “nhiên liệu của tương lai”?
Điều dễ hiểu đó là do thói quen có tính bám rễ sâu bền rất khó thay đổi; khi người ta đang sử dụng xăng truyền thống “ngon lành” từ bấy lâu nay thì chẳng mắc mớ gì phải chuyển sang dùng xăng pha cồn, trong khi rất nhiều người còn chưa biết đến... mùi, màu của loại nhiên liệu mới này như thế nào.
Từ những lời đồn thổi thiếu cơ sở khoa học rằng xăng E5 (xăng pha cồn) sử dụng lâu ngày sẽ tồn đọng nước lã khiến động cơ không thể vận hành, hoặc máy nổ “lực khực” như... ho gà đã tác động rất lớn đến tâm lý lo ngại tiêu cực trong cộng đồng.
Đành rằng báo chí đã đăng tải nhiều những ý kiến nhận định, đánh giá của các chuyên gia về chất lượng xăng E5 bảo đảm, tuy nhiên không phải người dân nào cũng có điều kiện tiếp cận với thông tin chính thống.
Hơn nữa, “trăm nghe không bằng một thấy”, tổng thể cơ chế thị trường rất khắc nghiệt. Vì sao bộ nọ mạnh dạn đề xuất ý tưởng lắp đặt cả mô hình khỉ Kong bên bờ Hồ Gươm (Hà Nội) sát với khu vực Tượng đài Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh (!) để thúc đẩy, thu hút khách du lịch. Còn bộ này thì chưa có động thái thiết thực nhằm quảng bá hình ảnh “xăng E5 đạt chuẩn” cùng những lợi ích xã hội của cá nhân người tiêu dùng? Trong khi đó, việc sử dụng nhiên liệu sinh học có tầm quan trọng đối với bảo vệ môi trường và sự phát triển bền vững của đất nước.
Tại một số các “chợ ruồi”, chúng ta vẫn thường thấy, để tạo dựng lòng tin cho khách hàng, người bán chậu, thau nhựa luôn quảng cáo sản phẩm bằng cách đập, đạp mạnh vào đồ vật nhằm chứng tỏ đây là mặt hàng nhựa dẻo tốt, “siêu bền”. Hoặc giả có anh rao bán “dao bén” thì biểu diễn dùng dao xắt thanh gỗ ra lát ngọt xớt v.v...
Thiết nghĩ, để thị trường “thanh thoát” đón nhận việc chuyển đổi dùng xăng E5 thay thế xăng khoáng thông thường thì cần phải có hành động đối chứng. Cụ thể nên mở các “sàn” kỹ thuật cho người dân mục sở thị tổng quát tính năng vận hành của nhiều dòng động cơ đốt trong. Nhất thiết họ sẽ hài lòng một khi chứng kiến cùng lúc 2 động cơ đều hoạt động tốt với 2 loại nhiên liệu cũ và mới.
Điều quan trọng nữa là phải “cho” người dùng lẫn các doanh nghiệp được hưởng lợi từ việc xăng E5 đi vào cuộc sống. Ví như giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu sinh học nhằm hạ giá thành sản phẩm. Chứ mức chênh lệch giá xăng E5 ngay tại thời điểm này chỉ rẻ hơn xăng A92 chính xác là 215 đồng/lít thì không thể kích cầu có hiệu quả.
Những ngày này dư luận đang râm ran cho rằng việc “ép dùng” xăng E5 chỉ là giải pháp “cứu thua” các nhà máy sản xuất ethanol hiện đang nằm đắp chiếu. Song, nếu Nhà nước bảo đảm xăng đạt chuẩn thì người tiêu dùng sẽ yên tâm.
Xem ra tư tưởng ảnh hưởng đến sự kiện không kém. Thật vậy, dân gian có câu “Tư tưởng không thông thì xách bịch nylon cũng nặng”!
Lệ Hoa