>> Thâm nhập 'chợ đen' chuyên bán thuốc có chứa chất 'gây nghiện'
Trước thực trạng một số loại thuốc hướng thần, thuốc “gây nghiện” đang bán tràn lan ở “chợ đen” cũng như một số hiệu thuốc, để hiểu rõ hơn về chức năng, công dụng cũng như tác hại của những loại thuốc này, PV báo Người Đưa Tin đã tìm đến chuyên gia về lĩnh vực này để được giải đáp.
Trao đổi với PV, Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Giám đốc bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương cho biết: “Trước kia thuốc hướng tâm thần được xếp vào danh mục thuốc gây nghiện nên chỉ sử dụng vào một số trường hợp bệnh đặc biệt. Hiện tại thuốc hướng tâm thần được sử dụng bình thường cho một số bệnh liên quan.
Các loại thuốc này phải được bác sĩ chuyên khoa kê đơn, sử dụng theo chỉ định và thời gian nhất định. Nếu sử dụng không đúng liều sẽ bị “quen thuốc”, gây ra một một số biểu hiện khác. Thuốc hướng thần không có chất gây nghiện”.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Mạnh Hùng cũng chỉ rõ: "Seduxen thực tế không phải là thuốc gây nghiện. Người bệnh nếu lạm dụng Seduxen, sử dụng không đúng hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa sẽ bị “quen thuốc”. Loại thuốc này chỉ có bác sĩ chuyên khoa mới được kê đơn cho bệnh nhân, còn nếu bán ở hiệu thuốc ngoài là sai quy định. Đối với Seduxen cũng là thuốc hướng tâm thần, tác dụng chính là điều trị lo âu và một số biểu hiện bệnh lý khác. Vì lý do đó, nó được gọi là thuốc giải lo âu".
Bên cạnh tác dụng chính là chống lo âu, Seduxen còn có tác dụng làm giãn cơ, chống co giật và an dịu nên ngoài chuyên khoa tâm thần nó còn được sử dụng ở nhiều chuyên khoa khác.
Ở khoa gây mê hồi sức, Seduxen được coi như một loại thuốc tiền mê; ở khoa cơ xương khớp, Seduxen có thể được sử dụng trong những trường hợp co thắt cơ thứ phát sau chấn thương. Trong sản khoa, Seduxen được chỉ định để cắt cơn sản giật, ngoài ra nó còn dùng để điều trị những cơn dọa sẩy thai, đẻ non...
Thuốc Seduxen có thành phần Diazupam làm thuận lợi tác dụng gây ức chế tác dụng gây ức chế ở GABA, điều trị bổ sung các bệnh liên quan đến chứng lo âu (bệnh thần kinh). Điều trị stress thoáng qua sau chấn thương tâm lý, tình trạng bồn chồn, những triệu chứng thần kinh thực vật (đổ mồ hôi, run, hồi hộp...). Điều trị hỗ trợ các chứng rối loạn tâm thần có nguồn gốc thực thể.
Dùng Diazepam trước khi can thiệp điều trị hoặc can thiệp phẫu thuật (nội soi, khử rung tim, đặt ống thông tim, tiểu phẫu, tái định vị sai khớp và gẫy xương, sinh thiết, thay băng khi bị bỏng...) để giảm kích động hay các phản ứng stress cấp tính, dẫn mê hoặc bổ sung thuốc gây mê.
Trong khoa tâm thần, thuốc để điều trị các trạng thái kích thích, bồn chồn, hoảng sợ có nguồn gốc từ trạng thái kích động; mê sảng rượu cấp.
Điều trị cấp tính cho các hội chứng co giật, như động kinh cơn lớn, động kinh cơn bé, động kinh liên tục và các tình trạng co giật khác (uốn ván, kinh giật).
Chỉ định chung cho cả đường tiêm và đường uống: Trong trường hợp chấn thương tại chỗ (tổn thương, viêm) dùng điều trị hỗ trợ để giảm co thắt cơ phản xạ. Trong những chấn thương nội thần kinh trên gai và cột sống dùng Diazepam để đối kháng tình trạng co thắt như co thắt nguồn gốc não, bệnh bại liệt trẻ em, chứng liệt hai chi dưới, rối loạn vận động có đặc tính tăng vận động, hội chứng Stiff-man.
Với trường hợp cai rượu cấp - đã vượt qua chứng nghiện rượu - việc dùng thuốc phải được quyết định dựa trên từng trường hợp.
Bác sĩ Nguyễn Mạnh Hùng khuyến cáo: "Khi người bệnh sử dụng các loại thuốc hướng tâm thần nên theo chỉ định của bác sĩ, mua theo đơn cũng như uống theo liều kê của bác sĩ. Tránh lạm dụng thuốc sẽ gây ra một số tác dụng phụ, quen thuốc, (dừng lại không dùng thuốc có biểu hiện bồn chồn, lo âu, khó ngủ)".
Cùng quan điểm với Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Mạnh Hùng về thuốc về vấn đề này, Thạc sĩ, bác sĩ Đinh Hữu Uân - Bệnh viên Tâm thần trung ương cho hay, tất cả thuốc hướng thần nói chung làm ru ngủ, êm dịu thần kinh, làm cho con người mất sự tỉnh táo, đưa vào giấc ngủ. Khi nạn nhân đang rơi vào trạng thái nửa thức nửa ngủ không làm chủ được hành động của mình, dễ bị người khác lợi dụng, sai khiến. Có thể hiểu như một hành động “thôi miên”.
Cũng theo Thạc sĩ Đinh Hữu Uân, trong điều trị bệnh nhân tâm thần, tùy vào từng loại thuốc, từng hoạt chất cụ thể mà các bác sĩ sử dụng thuốc theo một “cơ chế” cụ thể. Việc kê đơn thuốc thành phẩm gây nghiện, thuốc thành phẩm hướng tâm thần và thuốc thành phẩm tiền chất cho người bệnh phải thực hiện theo quy định quy chế kê đơn thuốc do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.
Bác sĩ Uân khuyến cáo, hiện trên thị trường (đặc biệt trên mạng - PV) rao bán rất nhiều loại thuốc có tính chất mê, “lừa tình”… Các loại thuốc trôi nổi trên thị trường vô cùng nguy hiểm đến sức khỏe người dùng. Có loại thuốc gây mê bằng hơi, chỉ cần xịt vào khăn mùi xoa là đối tượng có thể bị “hạ gục”.
(Còn nữa...)
Đào Sơn