Vì sao nhiều cầu thủ Việt kiều khó trụ lại được ở đội tuyển?

Vì sao nhiều cầu thủ Việt kiều khó trụ lại được ở đội tuyển?

Thứ 6, 07/06/2013 09:52

Michel Lê không phải là cầu thủ Việt kiều đầu tiên phải chia tay tuyển Việt Nam trong lặng lẽ. Có một thực tế khá cay đắng trong quá khứ, khi rất nhiều trường hợp cầu thủ Việt kiều phải về nước sớm, vì những lý do cả chủ quan lẫn khách quan.

Việc Michel Lê phải nói lời chia tay với U23 Việt Nam chỉ sau 5 ngày thử việc khiến nhiều người bất ngờ, nhưng cũng không ít người đã lường được trước kết quả này. Đơn giản bởi trong quá khứ, có rất nhiều cầu thủ Việt kiều về nước thử việc, nhưng đến thời điểm này mới chỉ có trường hợp của Mạc Hồng Quân là trụ lại được. Cùng về với Hồng Quân còn có Michel Nguyễn (Séc), nhưng khả năng trung vệ này được gọi lại tuyển Việt Nam cũng không cao, khi anh chỉ thi đấu tròn vai tại vòng loại Asian Cup 2015 vừa rồi.
 
Bóng đá Quốc tế -  Vì sao nhiều cầu thủ Việt kiều khó trụ lại được ở đội tuyển?
Mạc Hồng Quân
 
Trở lại câu chuyện của Michel Lê, cầu thủ này lấy lý do CLB Metz ở giải hạng hai của Pháp gọi về khẩn cấp, nghe có vẻ hợp lý nhưng nhiều khả năng đó chỉ là cái cớ. Còn nhớ trong ngày đầu thử việc ở U23 Việt Nam, cầu thủ này cho biết anh đã được Metz đồng ý về Việt Nam thử việc và thậm chí còn định ngày về nước vào ngày 24/6 tới.

Michel Lê cho biết trong khoảng hơn 2 tuần ở Việt Nam, anh sẽ tập luyện tích cực để ghi điểm với ban huấn luyện. Trung vệ này cũng phát biểu đầy tự tin sẽ được HLV Hoàng Văn Phúc giữ lại, thậm chí còn có khả năng tham dự SEA Games 27 cuối năm nay.

Thế nhưng, chỉ sau một trận đấu thử sức, mọi thứ đã thay đổi. Michel rõ ràng đã mất điểm, khi mắc lỗi lớn trong 2 bàn thua của U23 trước Than Quảng Ninh. Cũng chỉ sau trận đấu này, Michel Lê hiểu hơn về cơ hội của mình nếu tiếp tục ở Việt Nam, hiểu hơn về sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt trên tuyển. Ở đó, rất có thể Michel Lê đã không nhận được sự ủng hộ của các cầu thủ. Tất cả đều có thể xảy ra.

Nhìn lại những trường hợp cầu thủ Việt kiều về nước trong quá khứ, đa phần các cầu thủ trở về Việt Nam với những bản lý lịch bắt mắt, được chào đón nồng nhiệt, nhưng hầu hết đã sớm phải nói lời chia tay.

Năm 2004, trong quá trình chuẩn bị cho mục tiêu cúp vàng Tiger trên sân nhà, tuyển Việt Nam chào đón cầu thủ Việt kiều Pháp Ludovic Casset- trung vệ có bố là người Pháp và mẹ là người Việt. Có thể hiểu được cảm giác hồ hởi của HLV  Tavares và người hâm mộ khi đó, bởi ngoài cái mác “Tây”, Ludovic Casset còn được giới thiệu là trung vệ đẳng cấp, chơi cho nhiều CLB tại Pháp. Thế nhưng, sự hào hứng nhanh chóng được thay bằng cảm giác thất vọng, khi Ludovic Casset không thể hiện được gì ngay cả trong các buổi tập nên đã bị HLV Tavares loại khỏi đội tuyển.

Một năm sau, đến lượt cái tên Toni Lê Hoàng – một tài năng trẻ của bóng đá Ba Lan cũng được giới thiệu thử việc trong ĐT U23 Việt Nam của HLV Alfred Reidl. Một lần nữa VFF đã bị chinh phục bởi một bản lý lịch “hoành tráng”- Toni Lê Hoàng là cầu thủ U19 hay nhất Ba Lan. Song, cũng như lần trước, HLV Alfred Reidl đã phải lắc đầu, khi Toni Lê Hoàng thậm chí còn tệ hơn cả Ludovic Casset. Sau lời từ chối đó, Toni Lê Hoàng đã bị “sốc” nặng, trước khi bỏ hẳn bóng đá.

Những năm sau này, có thể kể đến hàng loạt những cái tên như: Nguyễn Thanh Giang, Patrick, Emil Lê Giang...Tuy nhiên tất cả số này, hầu hết cũng đều phải về nước trong lặng lẽ.

Duy nhất chỉ có Hồng Quân là trụ lại được. Hồng Quân đã có những tiến bộ vượt bậc thời gian qua và chỉ cần có một môi trường cạnh tranh tốt, được sự ủng hộ của Liên đoàn cũng như HLV trưởng, tiền đạo này thực sự là một trong những hy vọng lớn nhất của U23 tại SEA Game năm nay.

Thực tế thì đa số các cầu thủ Việt kiều đều được đào tạo cơ bản ở những nền bóng đá khác nhau trên thế giới. Tuy nhiên, từ việc được khoác áo đội này, đội nọ nhưng không có nghĩa là đủ khả năng khoác áo tuyển Việt Nam hay U23.

Tổng thư ký VFF Ngô Lê Bằng thừa nhận, nhiều cầu thủ Việt kiều không vượt trội so với cầu thủ Việt Nam. Nói cách khác, cầu thủ Việt Nam khi lên tuyển cũng đều là những gương mặt xuất sắc nhất ở CLB, chứ không phải cầu thủ bình thường. Vì thế, những cầu thủ Việt kiều phải có tài năng thật sự đặc biệt mới trụ lại được ở môi trường Việt Nam.

Tuy nhiên, còn một lý do nữa là với môi trường bóng đá chưa thật sự chuyên nghiệp như ở Việt Nam, việc các cầu thủ Việt kiều bị từ chối, đôi khi không hẳn là vì chuyên môn không đạt.

Trường hợp để lại cảm giác tiếc nuối và xót xa nhất, chính là Lee Nguyễn. Thành công của Lee Nguyễn ở giải Nhà nghề Mỹ cho thấy, Việt Nam đã bỏ sót nhân tài. Chất lượng một số cầu thủ Việt kiều khi đã được kiểm chứng thực sự, sẽ có đất diễn ở những môi trường bóng đá chuyên nghiệp, biết trọng dụng tài năng.

Với nhiều yếu tố quyết định đến thành công của một cầu thủ Việt kiều như trên, cũng dễ hiểu khi những cầu thủ này thường khó trụ lại được với môi trường bóng đá Việt Nam.

Theo Dân trí

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.