Lý do nhà hàng thường bày lạc rang trước khi phục vụ đồ ăn
Thực ra có nhiều lý do để các nhà hàng bày lạc rang trước khi phục vụ đồ ăn. Đầu tiên, đây là một chiến lược kinh doanh hiệu quả giúp tăng “hảo cảm” cho nhà hàng.
Lạc rang là món ăn ngon, rẻ. Các nhà hàng có thể chế biến và phục vụ với chi phí thấp nhưng có thể để lại ấn tượng, thiện cảm với thực khách. Khách sẽ thấy nhà hàng hào phóng, chu đáo, họ có thể quay trở lại, thậm chí giới thiệu thêm khách hàng mới cho nhà hàng.
Hơn nữa, lạc rang thường được chế biến thêm nhiều muối và dầu để kích thích vị giác. Tuy nhiên việc này gây khô miệng sau khi ăn, khiến thực khách có xu hướng uống nhiều nước hoặc bia, rượu.
Tận dụng điều này, nhà hàng có thể bán thêm các loại đồ uống kết hợp như bia, rượu hoặc nước trái cây, trà, khiến khách chi tiêu nhiều hơn, từ đó giúp tăng doanh thu. Lợi nhuận của đồ uống và rượu bia mang lại cao hơn nhiều so với lạc rang.
Mục đích quan trọng không kém là phục vụ lạc rang để khách đỡ buồn chán hay mất kiên nhẫn trong lúc chờ phục vụ đồ ăn, từ đó giảm những lời phàn nàn, không hài lòng về chất lượng và tốc độ phục vụ.
Thêm vào đó, ăn lạc rang đỡ đói bụng rồi thì khi lên món, khách sẽ cảm thấy không quá đói nên có thể sẽ không chê nhà hàng làm không đầy đặn, món ăn ít và không chê đắt.
Việc ăn tráng miệng bằng lạc rang cũng giúp chống say rượu bia tốt hơn là không có gì lót bụng. Thông thường nếu không có lạc rang, khi bưng món lên, thường mọi người sẽ uống trước khi gắp đồ ăn. Nếu có lạc rang thì việc lót bụng bằng đồ ăn có chất béo như lạc có thể giúp "tráng" dạ dày, giúp khách lâu say hơn, nhu cầu uống lại tăng và cũng đỡ “nguy hiểm” hơn cho khách.
Bởi vậy khi đi ăn bạn nên chú ý tới thủ thuật này của phía nhà hàng. Nếu bạn thực sự muốn khách của mình hoặc bọn trẻ không khó chịu trong lúc chờ đợi đồ ăn thì bạn có thể gọi thêm lạc rang trước khi vào bữa chính. Còn nếu bạn chú trọng đến trải nghiệm thưởng thức món ăn tại nhà hàng thì không nên ăn vặt những món như lạc rang hoặc dưa chuột chẻ.
Vì sao đồ ăn nhà hàng cao cấp thường rất ít?
-Nguyên liệu đắt tiền: Các nhà hàng cao cấp thường chọn nguyên liệu rất kỹ càng và khó tính. Một pound (tương đương 0,45 kg) thịt bò Wagyu có thể có giá 200 USD (khoảng 4,7 triệu đồng), một kg trứng cá muối có giá 10.000 USD (234 triệu đồng) hay nấm truffle có giá khoảng 7.500 USD (khoảng 175 triệu đồng) một kg, chưa kể chi phí nhập khẩu. Do đó, khẩu phần mỗi suất ăn ở nhà hàng cao cấp thường nhỏ cũng là vì giá cả.
-Nhìn thanh lịch hơn: Những miếng thực phẩm nhỏ, bày biện cầu kỳ, tăng cảm giác thanh lịch, tao nhã, sang chảnh.
-Có thể nếm nhiều món: Thông thường, các nhà hàng thường phục vụ theo set ba phần: món khai vị, món chính và món tráng miệng. Tuy nhiên, những nhà hàng cao cấp hơn có thể phục vụ tới 12 món trong ba phần này. Nếu mỗi món đều được phục vụ theo khẩu phần bình thường, thực khách sẽ không thể ăn hết. Do đó, mỗi món đều được cắt giảm số lượng, để khách có thể ăn hết được các món, thưởng thức trọn vẹn hương vị.
-Ít đồ ăn dễ trang trí: Ở những nhà hàng sang trọng, món ăn không chỉ cần ngon mà còn phải đẹp. Khâu trang trí rất được chú trọng. Mỗi thành phần có ít số lượng thì việc bày biện sẽ dễ dàng và nhìn tinh tế hơn.
-Ăn ít để thưởng thức trọn vẹn: Những miếng đầu tiên thường mang lại cảm giác ngon nhất, lý do là vị giác của bạn sẽ ít nhạy cảm hơn khi ăn nhiều, ăn no. Bởi vậy, các đầu bếp thường tập trung vào chất lượng món ăn hơn là số lượng. Khẩu phần ăn nhỏ giúp thực khách ăn chậm, thưởng thức trọn vẹn từng miếng một, thay vì ăn nhiều tới mức chán ngán.
Minh Hoa (t/h)