Liên minh châu Âu (EU) đã thể hiện sự chia rẽ trên mặt trận ngoại giao trong vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal. Trong khi một số quốc gia cả trong và ngoài châu Âu ủng hộ việc trục xuất thì nhiều quốc gia tại lục địa già lại có thái độ thận trọng hơn.
Các quốc gia châu Âu phản ứng trước lời kêu gọi trục xuất các nhà ngoại giao Nga được chia thành 3 nhóm.
Nhóm chiếm đa số ủng hộ lời đề nghị của London về việc trục xuất các nhà ngoại giao Nga nhằm đáp trả việc Moscow bị nghi ngờ đứng sau vụ đầu độc cựu gián điệp Sergei Skripal ở Salisbury.
Nhóm thứ hai có 4 quốc gia không đồng ý với quan điểm này và nhóm thứ ba có 6 quốc gia muốn dành thời gian để xem xét thêm về cáo buộc.
Trong số những nước phản đối đề nghị có Bulgaria, Slovenia, Áo và Síp. Trong khi Slovakia, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Luxemburg và Malta lại là các quốc gia thể hiện sự do dự trong việc tham gia vào chiến dịch trục xuất ngoại giao của Anh mặc dù có quan hệ thân thiết lâu năm.
Trong quan điểm của mình, các quốc gia trên giải thích rằng cuộc điều tra nhằm chứng minh sự tham gia của Nga vào vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal “vẫn chưa kết thúc”.
Sự trung lập vẫn hiển hiện
Theo nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Học viện Khoa học Nga Petr Iskanderov, vụ trục xuất các nhà ngoại giao Nga là quá nghiêm trọng để có thể gây ra một phản ứng đồng loạt trong khi vẫn còn thiếu những bằng chứng thỏa đáng.
"Mặc dù Vương quốc Anh có vận động hành lang ở Scandinavia, các quốc gia vùng Baltic và Ba Lan, nhưng Bulgaria và một số nước không làm theo”, Iskanderov cho biết.
“Trong bối cảnh địa chính trị mới, Sofia muốn giữ vị trí trung lập. Các nhà chức trách Áo cũng đi theo cách tiếp cận tương tự, vì họ muốn duy trì cầu nối Đông-Tây. Từ lập trường này, trục xuất ngoại giao là điều không có ý nghĩa", ông nói thêm.
Thủ tướng Bulgaria Boyko Borissov so sánh các vụ đầu độc cựu điệp viên hiện tại với chiến dịch chống lại Iraq năm xưa để lưu ý về vấn đề cần phải có bằng chứng xác thực.
"Tôi đã nói với bà Theresa May rằng Saddam Hussein bị buộc tội tạo ra vũ khí hóa học. Sau đó Thủ tướng Tony Blair đã phải thừa nhận không tìm được bằng chứng nào và phải xin lỗi, nhưng hậu quả của nó vẫn còn khủng khiếp", ông Borissov nói.
Thành viên khác của EU là Áo cũng là một trong số những nước không tham gia vào cuộc chiến ngoại giao, mặc dù Thủ tướng Sebastian Kurz tuyên bố rằng các thành viên khối đã bày tỏ sự đoàn kết với Vương quốc Anh về cáo buộc Skripal và lên án vụ việc.
Ông Kurz nhấn mạnh “Áo là một quốc gia trung lập và tự coi mình là một nhà thiết lập cầu nối giữa Đông và Tây”. Trong khi đó, Ngoại trưởng Áo Karin Kneissl cho rằng tình hình vẫn chưa rõ ràng.
"Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) đã làm việc tại London trong bảy ngày và cuộc điều tra chưa cho thấy kết quả 100% có sự tham gia của Nga", bà nói.
Slovenia cũng từ chối trục xuất các nhà ngoại giao Nga, nhưng kêu gọi điều tra kỹ lưỡng về việc vụ đầu độc Sergei Skripal với sự tham gia của Moscow và lên án mạnh mẽ việc sử dụng vũ khí hóa học.
Nước láng giềng Slovakia đã đưa ra một lập trường mạnh mẽ khi Chính phủ nước này khẳng định sẽ không chịu khuất phục trước bất kỳ áp lực nào, chỉ ra rằng cuộc điều tra đã không chứng tỏ được Nga có tội.
Tính đến lúc này các đồng minh NATO của Anh đã nhất trí bằng một phản ứng liên hoàn, trục xuất 66 nhà ngoại giao Nga.
Mỹ không chỉ trục xuất 60 nhà ngoại giao mà còn đóng cửa lãnh sự quán Nga ở Seattle. Các thành viên trong và ngoài EU trục xuất từ 1-4 nhân viên ngoại giao. Trong khi Ukraine trục xuất 13 nhân viên.
Người đứng đầu trung tâm Nghiên cứu châu Âu từ trường Kinh tế Cao cấp Moscow Timophei Borodachev cho rằng, chỉ có một vài quốc gia vùng Baltic, Mỹ và Ba Lan là chủ đích muốn gây tổn hại cho Nga trong vụ việc này.
"Các nước EU khác đều cho thấy họ hành động một phần vì áp lực phải đoàn kết cùng tập thể. Pháp và Đức không hẳn muốn làm điều gì đó ảnh hưởng đến quan hệ với Moscow, nhưng họ cần phải thống nhất với các nhà lãnh đạo EU và ủng hộ đa số quan điểm của châu Âu.
Các nước này phải chứng minh với các quốc gia nhỏ hơn, như các quốc gia Baltic rằng Paris và Berlin sẽ đứng về phía họ”, ông Borodachev nêu quan điểm.
“Nhìn chung, các thành viên của EU không nhiệt tình lắm về điều đó”, nhà phân tích này đánh giá.