Vì sao nhiều phi công thích lái máy bay đêm?

Vì sao nhiều phi công thích lái máy bay đêm?

Ngạc Kim Giang

Ngạc Kim Giang

Chủ nhật, 07/01/2024 16:15

Nếu như người bình thường đều muốn làm việc vào ban ngày để được nghỉ ngơi vào ban đêm thì nhiều phi công lại thích bay vào ban đêm. Vì sao lại như vậy?

Tại sao phi công thường thích bay đêm?

Bị bó buộc thời gian trong những chuyến bay triền miên; ít có thời gian dành cho gia đình hay cuộc sống riêng tư; sức khỏe bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi về áp suất, múi giờ... là đặc thù của công việc phi công và tiếp viên hàng không.

Tuy nhiên, thay vì mong muốn làm việc ban ngày và về nhà nghỉ ngơi vào ban đêm, nhiều phi công lại thích bay đêm hơn.

Nhiều người cho rằng phi công khó quan sát hơn khi bay vào ban đêm bởi để nhìn rõ mọi vật, mắt chúng ta cần ánh sáng và những vật để phản chiếu ánh sáng. Tuy nhiên, với phi công, việc quan sát vào ban đêm “không thành vấn đề” vì họ sẽ điều hướng bằng các thiết bị.

Đối với phi công, việc điều hướng vào ban đêm dễ hơn so với ban ngày, khi mà bằng mắt thường, họ khó có thể phát hiện ra máy bay trong lớp mây trắng. Vào ban đêm, đèn tín hiệu liên tục nhấp nháy giúp phi công dễ dàng nhận ra máy bay ở các phía khác nhau. Đèn đường và đèn chỉ dẫn ở các sân bay cũng dễ dàng được nhìn thấy từ xa, giúp phi công dễ dàng xác định phương hướng.

Ngoài ánh đèn ở bên dưới, các phi công còn dễ nhận thấy nhiều hiện tượng thời tiết - từ mây bão và sấm chớp cho đến cực quang trên bầu trời - khi bay, giúp nhận biết thời tiết xấu và đề phòng các tình huống có thể phát sinh.

Thêm vào đó, bay vào ban đêm cũng là trải nghiệm tuyệt vời, đem lại cảm giác thư giãn hơn khi có thể ngắm nhìn thành phố sáng đèn bên dưới.

Ngoài ra, các phi công thích bay đêm cũng vì họ không còn bị khó chịu bởi ánh nắng chói chang của ban ngày chiếu thẳng vào cửa kính buồng lái, đặc biệt là lúc chạng vạng tối. Bầu trời vào ban đêm cũng giúp tinh thần họ thoải mái hơn.

Về phía các tiếp viên hàng không, ban đêm là thời gian hành khách nghỉ ngơi, vì vậy công việc của họ cũng sẽ nhẹ nhàng hơn so với ban ngày.

Phi công ngủ như thế nào trên những chuyến bay dài xuyên đêm?

Phi công có được ngủ trên các chuyến bay xuyên đêm hay không, câu trả lời là có. Tuy nhiên, có nhiều quy định nghiêm ngặt để kiểm soát giấc ngủ của phi công.

Việc ngủ nghỉ của phi công có thể được phân thành hai loại như sau: nghỉ ngơi có kiểm soát (controlled rest) và ngủ trên giường.

Đối với nghỉ ngơi có kiểm soát, phi công được ngủ trong buồng lái; còn ngủ trên giường, họ được phép rời buồng lái đến khoang hành khách (ghế dành riêng cho phi công ở khoang hạng nhất hay thương gia) hoặc nơi ngủ "bí mật" chuyên dụng của phi hành đoàn.

Đây là thông lệ và là tiêu chuẩn trong toàn ngành hàng không vì ngủ nghỉ đã được chứng minh cải thiện an toàn bay. 

Nghỉ ngơi có kiểm soát hoặc ngủ trên giường của phi công thường diễn ra trên các chặng bay đường dài qua đêm, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 4h sáng. Trên các máy bay thân rộng đường dài đều có giường ngủ bí mật dành cho phi hành đoàn mà hành khách không hề hay biết.

Một trong hai phi công trên chuyến bay luôn phải thức và xử lý các tình huống, máy móc, thiết bị. Tuy nhiên, trong một số chuyến bay đường dài, có khoảng 3 hoặc 4 phi công để có thể phân chia cơ hội ngủ nghỉ phù hợp và điều đó giúp mỗi người đều được nghỉ ngơi đầy đủ trong chuyến bay.

Sau khi cất cánh xong một lúc, phi công thứ nhất (người vừa thực hiện việc cất cánh) sẽ nghỉ ngơi hoặc ngủ trong khoảng thời gian nhất định, sau đó sẽ luân phiên cho phi công khác. Thời gian công việc còn lại được phân bổ đều cho các thành viên cho đến khi trước giờ hạ cánh khoảng một tiếng, tất cả phải tập trung tại buồng lái.

Chế độ nghỉ ngơi có kiểm soát cho phép một phi công có thể ngủ tới 45 phút bất cứ khi nào khối lượng xử lý công việc trong hành trình thấp. Điều này giúp phi công luôn tỉnh táo trong những thời điểm quan trọng hơn của chuyến bay, theo Flightdeckfriend.com. Tuy nhiên, nghỉ ngơi có kiểm soát lý tưởng nhất là khoảng 10 - 20 phút, còn nếu ngủ 30 - 60 phút có thể dẫn tới tình trạng chệnh choạng, nôn nao khi thức giấc.

Có những nguyên tắc được đặt ra khi phi công nghỉ ngơi trên chuyến bay, chẳng hạn: Nghỉ ngơi có kiểm soát phải được hai phi công cùng thảo luận và chỉ một người được ngủ, người kia phải thức; phải ngủ ở trên ghế của phi công đó; ghế phải kéo lùi xa bộ điều khiển.

Có một rủi ro là phi công nhận nhiệm vụ phải thức lại có khả năng ngủ gật. Để tránh điều này, các thành viên phi hành đoàn khác phải thường xuyên giữ liên lạc với phi công. Đối với một số loại máy bay, sẽ có nút cảnh báo nếu một vài bộ phận điều khiển không được chạm vào trong một quãng thời gian.

Nhưng cũng có lúc cả hai phi công đều ngủ gật. BBC News trích dẫn một khảo sát của nghiệp đoàn phi công cho biết, 29% thừa nhận khi thức dậy thấy phi công còn lại cũng đang ngủ. Nghĩa là cả hai trong chốc lát đã cùng nhau ngủ gật.

Một báo cáo của CNN cho biết, vào năm 2008, trường hợp hi hữu đã xảy ra khi cả cơ trưởng chính và phụ đều ngủ gật dẫn tới hạ cánh nhầm xuống Hawaii. Hãy tưởng tượng hành khách bực tức như thế nào khi chuyến bay bất ngờ đáp xuống thiên đường nghỉ dưỡng Hawaii trong khi đang muốn ngắm hoa anh đào ở Nhật Bản. Ngay lập tức, bằng lái của cả hai phi công đều bị "treo".

Còn lần khác, vào năm 2017, phi công đã quá mệt mỏi sau chặng bay dài và sém đáp trúng một chiếc máy bay khác ở sân bay quốc tế San Francisco, Mỹ.

Minh Hoa (t/h)

 

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.