Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi Jerusalem là Thủ đô của Israel vào ngày 6/12 và bắt đầu tiến trình chuyển Đại sứ quán đến thành phố. Động thái này làm dấy lên sự phản ứng từ các nhà lãnh đạo thế giới.
Israel chiếm Đông Jerusalem vào cuối những năm 1967 sau chiến tranh với Syria, Ai Cập và Jordan; nửa phía Tây của thành phố thánh bị kiểm soát vào năm 1948 sau cuộc chiến tranh Ả Rập-Israel.
Chiếm đóng Đông Jerusalem là một cách hiệu quả để đưa toàn bộ thành phố này thuộc quyền kiểm soát của Israel. Tuy nhiên, quyền sở hữu của Jerusalem không được công nhận bởi cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ .
Tình trạng của Jerusalem vẫn là một trong những điểm bất đồng chính trong nỗ lực giải quyết cuộc xung đột Palestine-Israel.
Quan điểm của quốc tế
Theo Kế hoạch phân vùng 1947 của Liên Hợp Quốc (LHQ) giữa các quốc gia Do Thái và Ả Rập, Jerusalem được cấp quy chế đặc biệt và đặt dưới chủ quyền và kiểm soát quốc tế. Tình trạng đặc biệt được này xuất phát từ ý nghĩa quan trọng của Jerusalem, nơi khởi nguồn của ba tôn giáo lớn trên thế giới.
Trong chiến tranh năm 1948, theo khuyến cáo của LHQ về việc phân chia Palestine, lực lượng phục quốc Do Thái nắm quyền kiểm soát nửa phía Tây của thành phố và tuyên bố là một phần lãnh thổ của mình
Trong cuộc chiến tranh năm 1967, Israel chiếm nửa phía Đông của Jerusalem - vốn nằm dưới sự kiểm soát Jordan vào thời điểm đó - và hợp thức hóa việc sáp nhập bằng đạo luật công nhận nó thuộc về Israel, động thái được cho là vi phạm luật pháp quốc tế.
Theo một số quan điểm lịch sử, Israel khi đó không muốn chiến tranh, nhưng việc Jordan liên kết với Ai Cập và Syria gây hấn đã khiến nước này buộc phải phản công chiếm lại phía Đông Jerusalem.
Phần lãnh thổ này có tàn tích của đền thờ Jerusalem cổ đại. Đây là địa điểm thiêng liêng nhất của Do Thái giáo và người Jordan đã từ chối cho người Do Thái thờ phụng ở đó.
Vui mừng vì có được Jerusalem, Israel bắt đầu tiến trình công nhận đây là Thủ đô hiện đại của mình. Tuy nhiên, Israel khi đó đã sẵn sàng chờ đợi một thỏa thuận hòa bình với các quốc gia Ả Rập trước khi đưa ra quyết định trên. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Moshe Dayan khi ấy từng nói: "Tôi đang chờ điện thoại đổ chuông".
Nhưng thay vì ngồi đàm phán, các quốc gia Ả Rập đã ban hành Tuyên bố Khartoum nổi tiếng với ba điều: “Không đàm phán, không công nhận Israel, không có hòa bình”. Kể từ đó, bất đồng về Jerusalem kéo dài âm ỉ cho đến tận ngày nay.
Năm 1980, Israel thông qua "Luật Jerusalem", trong đó nêu rằng "Jerusalem, đầy đủ và thống nhất là thủ phủ của Israel", qua đó chính thức hóa việc chiếm đóng Đông Jerusalem.
Để đáp lại, Hội đồng Bảo an LHQ thông qua Nghị quyết 478 vào năm 1980, tuyên bố đạo luật trên "vô hiệu". Việc sáp nhập của Israel với Đông Jerusalem là vi phạm một số nguyên tắc theo luật quốc tế và không có chủ quyền hợp pháp. Cộng đồng quốc tế đã chính thức coi Đông Jerusalem là lãnh thổ bị chiếm đóng.
Không một quốc gia nào trên thế giới công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel, ngoại trừ Mỹ và Nga sau đó tuyên bố công nhận Tây Jerusalem là Thủ đô của Israel và Đông Jerusalem là "Thủ đô của Nhà nước Palestine trong tương lai".
Tính đến hiện tại, các Đại sứ quán ở Israel đang có trụ sở tại Thủ đô thương mại Tel Aviv, mặc dù một số quốc gia vẫn có văn phòng lãnh sự ở Jerusalem.
Người Palestine ở Jerusalem
Mặc dù Israel sáp nhập phần phía Đông Jerusalem, nhưng những người Palestine sống ở đó không được trao quyền công dân Israel.
Hiện nay, có khoảng 420.000 người Palestine ở Đông Jerusalem có thẻ thường trú nhân. Họ cũng có hộ chiếu Jordan tạm thời nhưng không có căn cước công dân.
Điều này đồng nghĩa với việc họ không phải là công dân Jordan và phải cần giấy phép lao động làm việc, cũng như không được tiếp cận với các dịch vụ an sinh xã hội của Chính phủ.
Người Palestine ở Jerusalem về cơ bản không quốc tịch, họ bị mắc kẹt trong tình trạng lấp lửng pháp lý - họ không phải công dân Israel, cũng không phải công dân của Jordan hay Palestine.
Israel coi người Palestine ở Đông Jerusalem là người nhập cư nước ngoài và được phép sống ở đây như một đặc ân, nhưng không có đặc quyền như công dân bản địa.
Họ luôn được yêu cầu báo cáo đầy đủ tình trạng cư trú của mình và sống bất an liên tục khi thẻ cư trú có thể bị thu hồi bất cứ lúc nào.
Bất kỳ người Palestine nào sống bên ngoài ranh giới của Jerusalem trong một thời gian nhất định, cho dù là ở nước ngoài hoặc thậm chí ngay trong Bờ Tây, đều có nguy cơ mất quyền cư trú tại đây.
Việc chứng minh đang sinh sống ở Jerusalem cũng rắc rối khi họ phải cung cấp hàng chục tài liệu bao gồm bản kê khai hoạt động, hợp đồng tuyển dụng và bảng lương.
Trong khi đó, bất kỳ Người Do Thái trên toàn thế giới đều được hưởng quyền sống ở Israel và có được quyền công dân Israel theo luật quy định.
Kể từ năm 1967, Israel đã thu hồi thẻ thường trú của 14.000 người Palestine.
Khu định cư
Dự án khu định cư của người Israel tại Đông Jerusalem, nhằm mục đích củng cố sự kiểm soát của Israel đối với thành phố, cũng được coi là bất hợp pháp theo luật quốc tế.
LHQ tuyên bố dự án trên đi ngược với Công ước Geneva IV, trong đó cấm một quốc gia chiếm đóng đưa người dân tới vùng lãnh thổ đang kiểm soát.
Tuy nhiên, kể từ năm 1967, Israel đã xây dựng hơn một chục khu nhà ở cho người Do Thái Israel, một số nằm ở giữa khu dân cư của người Palestine ở Đông Jerusalem.
Khoảng 200.000 công dân Israel sống ở Đông Jerusalem đặt dưới sự bảo vệ của quân đội và cảnh sát.
Với những lý do bất hợp lý ngay từ đầu như Đông Jerusalem phần lớn là người Palestine, cùng với các quyết định đi ngược luật pháp quốc tế, giới phân tích đánh giá việc Israel tự coi toàn bộ Jerusalem là Thủ đô của mình dưới sự ủng hộ của Mỹ sẽ là điều khó trở thành hiện thực.