Các chiêu trò của thương lái Trung Quốc
Bộ công thương đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành, hiệp hội rà soát lại hoạt động thu mua và xuất khẩu nông, lâm sản của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài. Công văn này được đưa ra sau khi Bộ công thương nhận được phản ánh về hiện tượng hàng loạt thương lái Trung Quốc tận thu các sản phẩm nông sản có nguồn gốc từ Việt Nam.
Hiện tại chưa thể thống kê được chính xác số lượng nông sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc bởi trong đó có rất nhiều mặt hàng đi theo đường tiểu ngạch, khó quản lý. Chỉ trong nửa đầu năm 2012, đã có không ít doanh nghiệp và người nông dân việt Nam phải nếm trái đắng khi làm việc với các thương lái Trung Quốc.
Các thương lái Trung Quốc đến tận cảng để xem mặt hàng cá
Một chuyên gia kinh tế cao cấp khuyến cáo, người dân nên tỉnh táo, thận trọng trong làm ăn, giao dịch với thương nhân nước ngoài đặc biệt qua hình thức biên mậu (giao hàng rồi mới trả tiền) . Vì hình thức thanh toán này chứa đựng nhiều rủi ro. Thực tế cho thấy, không ít thương lái nước ngoài đã tìm cách kiếm lợi cho mình và đẩy phần thiệt thòi về phía người nông dân, doanh nghiệp Việt Nam. Họ mua hàng và sẵn sàng đẩy giá lên cao gây bất lợi cho các doanh nghiệp trong nước.
Tuy nhiên, đó chỉ là một trong các chiêu bài “dụ” nông dân tập trung sản xuất loại nông sản đó dẫn đến tình trạng dư thừa, không thể tiêu thụ. Tiếp đó, các thương lái sẽ ép giá và mua rẻ…Một ví dụ nữa là khi nông sản của ta vào chính vụ, nông dân dồn hàng đưa lên biên giới để xuất sang Trung Quốc. Tại đây, các thương lái sẽ bày ra trò kiểm dịch, nhằm đánh tụt chất lượng cũng như giá cả.
Các chuyên gia cho rằng nếu nông dân cứ tiếp tục buôn bán với người Trung Quốc theo kiểu manh mún nhỏ lẻ như hiện nay, thì sẽ luôn bị dồn vào thế yếu. Còn thương nhân Trung Quốc sẽ giành thế chủ động, thao túng thị trường nông sản Việt Nam. Việc nhiều thương nhân Trung Quốc tìm tới tận vườn của người nông dân để thu mua nông sản, ít nhiều cũng gây bất lợi cho các doanh nghiệp trong nước về lâu về dài. Bởi, doanh nghiệp của chúng ta sẽ không có hàng để xuất khẩu và dần dần sẽ mất bạn hàng.
Trong lúc, doanh nghiệp trong nước đang cần nguyên liệu sản xuất thì các trạm thu gom nông sản xuất đi Trung Quốc lại hút hết nguồn hàng với giá cao. Giá xuất khẩu thành phẩm không tăng, vì thế doanh nghiệp không thể chạy đua, thu mua nguyên liệu đầu vào dẫn đến tình trạng sản xuất luôn ở mức dưới công suất.
Từ trước đến nay, sự phối hợp giữa các bộ ngành còn khá lỏng lẻo dẫn đến không quản lý, thống kê được lượng hàng hóa nói chung và nông sản nói riêng đã xuất sang Trung Quốc. Vì vậy, tình trạng xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch đang rơi vào tình trạng thả nổi, không thể quản lý.
Nhiều ý kiến cho rằng muốn khắc phục được tình trạng trên, chúng ta phải tổ chức buôn bán nông sản một cách bài bản, xuất khẩu phải đi vào chính ngạch, có ký kết hợp đồng rõ ràng. Một số nước có kinh nghiệm về làm ăn buôn bán, người ta rất ngại thị trường Trung Quốc nhưng lại biết tận dụng lợi thế của thị trường này. Đó có lẽ là điều người Việt phải học hỏi. Có như vậy, người nông dân mới không tiếp tục bị lừa và các doanh nghiệp trong nước không phải rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất.
Mối nguy hại tiềm ẩn
Một trong những phi vụ làm ăn gây bức xúc gần đây là việc các thương lái Trung Quốc tìm cách chi phối các sản phẩm từ dừa, khiến nhiều hộ sản xuất ở Bến Tre rơi vào cảnh khốn đốn, ngưng hoạt động hàng loạt. Ông Nguyễn Văn Đắc, Phó chủ tịch Hiệp hội Dừa Bến Tre cho biết: 90% thạch dừa trong tỉnh do thương lái Trung Quốc bao tiêu nên họ quyết định giá cả, sản lượng, thậm chí chất lượng mặt hàng.
Theo tìm hiểu của PV thì ban đầu các thương lái Trung Quốc đến từng hộ sản xuất gom thạch dừa thô với giá cao. Thấy có lời, nhiều hộ dân bắt đầu học hỏi quy trình để làm thạch dừa xuất khẩu khiến nhiều cơ sở sản xuất thạch dừa thành phẩm ở Bến Tre phải điêu đứng vì không có thạch thô để chế biến.
Khi đã thống lĩnh được thị trường, thương lái Trung Quốc tìm cách hạ giá thạch dừa xuống tận đáy, từ thu gần 4 ngàn đồng/kg, đến nay chỉ còn hơn 1 ngàn đông/kg. Hàng loạt người sản xuất rơi vào cảnh khốn đốn, nợ nần do đã lỡ đầu tư sản xuất.
Mặt khác, các sản phẩm thương lái Trung Quốc sản xuất, thu gom ở đây đều không có nhãn mác trong khi quy trình làm thạch dừa đã được cơ quan chức năng quy định rất chặt chẽ. Thậm chí các cơ sở sản xuất thạch dừa thô còn sử dụng phân DAP, SA - loại dùng cho cây trồng để làm chất phụ gia. Qua kiểm tra của Đội Công tác liên ngành tỉnh Bến Tre, hầu hết các cơ sở sản xuất thạch dừa thô đều vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm. Điều này không chỉ khiến thương hiệu thạch dừa Bến Tre bị ảnh hưởng mà hàng loạt doanh nghiệp sản xuất thạch dừa trong nước cũng bị vạ lây.
Còn đối với mặt hàng gạo, không chỉ ép giá thông thường, thương nhân Trung quốc còn yêu cầu người nông dân trộn gạo trắng với gạo thơm để họ có thể gian lận, tăng lợi nhuận. Việc làm này chỉ mang lại một chút lợi nhuận cho người nông dân nhưng lại gây ra thiệt hại lớn cho uy tín gạo xuất khẩu của Việt Nam.
Đây không phải là lần đầu tiên, các sản phẩm nông sản của Việt Nam “dính đòn” với thương lái Trung Quốc mà vài năm về trước, câu chuyện này cũng đã được báo chí đề cập đến. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc người nông dân Việt Nam bị lợi dụng. Nhưng một nguyên nhân phải kể đến là hiện chúng ta hầu như không quản lý được hoạt động của thương nhân Trung Quốc. Chính vì thế, họ mới tự do, thoải mái thao túng thị trường nông sản của Việt Nam. Doanh nghiệp và người nông dân thì thường “ tham bát bỏ mâm”, chạy theo các nhu cầu ảo mà thương nhân Trung Quốc tạo ra, khiến cho thị trường nông sản càng thêm bất ổn.
Giở trò lũng đoạn thị trường Theo Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), từ tháng 4 đến nay, thương nhân Trung Quốc đổ xô đến khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tìm mua một số loại nông sản với giá cao. Tuy nhiên việc kinh doanh của họ có nhiều dấu hiệu bất thường. Việc thu mua theo kiểu vơ vét của thương lái Trung Quốc khiến thị trường một số loại nông sản ở đây trở nên lũng loạn. Các chuyên gia khuyến cáo người dân nên cẩn thận với chiêu bài này của thương lái Trung Quốc. |
Ly Na - Bảo Hằng