Mới đây, căn nhà của NSƯT Chiều Xuân và nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân bỗng nhiên bị cháy khiến nhiều người hoảng hốt. Theo đó, cùng với việc “thị trường hoá” căn nhà chung, thì nguy cơ mất an toàn lao động luôn hiển hiện tại ngôi nhà mang các chứng tích lịch sử văn hoá của nền mỹ thuật Việt Nam. NSƯT cho biết, hiện tại, chị và các gia đình xung quanh đang “cầu cứu” các cơ quan chức năng để bảo tồn và gìn giữ ngôi nhà đầy ắp kỷ niệm này.
Nhiều người thờ ơ với ngôi nhà mang nhiều nét văn hoá…
NSƯT Chiều Xuân vẫn chưa hết vẻ bàng hoàng khi nói về vụ cháy vào ngày 23/10 vừa qua tại số nhà 65 Nguyễn Thái Học, Hà Nội – nơi gia đình chị đang sinh sống. Chị cho biết, đây là biệt thự cổ kiểu Pháp được xây dựng từ năm 1930, là nơi sinh sống của nhiều gia đình nghệ sĩ, trí thức Hà Nội như nhạc sĩ Đỗ Nhuận (bố chồng NSƯT Chiều Xuân), họa sĩ Phan Chánh, Nguyễn Sáng, cố họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, Trần Đông Lương, Mai Văn Hiếu, nhà văn Vũ Tú Nam, Văn Thanh Hương… họ đều là những nhân vật có nhiều đóng góp cho nền nghệ thuật Việt Nam. Gia đình NSƯT Chiều Xuân – Đỗ Hồng Quân sống tại tầng 2 của căn biệt thự này.
Diễn viên phim Mẹ chồng tôi chia sẻ: “Hơn 7 năm nay, 20 hộ dân cư, sống tại căn nhà này đều lo sợ cháy nổ, sập nhà do sự lấn chiếm “vô lối” của… người ngoài. Do tầng 1 được cho thuê làm cửa hàng kinh doanh nên thường xuyên bị đập phá tường, người ta tự ý sơn cái này, đục cái kia, thậm chí, hạ nền móng của toàn bộ khu nhà, đấu nối điện không an toàn và đặc biệt là chiếm dụng toàn bộ khu vực đường đi, không gian chung để làm nơi chứa khung tranh như gỗ và nhựa nhập từ Trung Quốc của cửa hàng kinh doanh Huy Hoàng, Hiếu Quang.
Ngoài ra, nhiều người thiếu thiện chí dưới tầng 1 còn đổ thuốc sâu làm chết cây phi lào hàng trăm tuổi, chặt cây bằng lăng hàng chục tuổi trước nhà và đổ bê tông để không có bất cứ bóng cây nào được mọc trên khu đất này, khiến cho toàn bộ ngôi nhà trơ trọi toàn bê tông, dây điện chằng chịt…”.
NSƯT Chiều Xuân kể tiếp: “Căn nhà của chúng tôi còn có một khoảng trống nơi đặt một tấm bảng ghi tên những nghệ sỹ có đóng góp cho nên văn hoá Việt Nam như: nhạc sĩ Đỗ Nhuận, các nhà văn Vũ Tú Nam, Văn Thanh Hương, hoạ sĩ Phan Chánh, Nguyễn Sáng… Tuy nhiên, nhiều năm nay đã bị nhiều người thờ ơ, treo tranh giả, để đồ bán tranh lên đấy…”.
Bà xã của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho hay, trước kia ngôi nhà 65 Nguyễn Thái Học là một biệt thự đẹp theo kiến trúc kiểu Pháp, thoáng rộng với những hàng cây phi lao, cây bằng lăng, cây bàng xanh mát, tuy nhiên do sự lấn chiếm của các hộ kinh doanh, cộng với thiệt hại sau đám cháy nên khung cảnh trở nên tan hoang, bụi bặm.
Ngay cả cô con gái lớn Hồng Mi của nghệ sĩ Chiều Xuân – Đỗ Hồng Quân có một chiếc xe máy nhưng cũng không có chỗ để vì sân chung đã bị lấn chiếm để vật liệu khung tranh hết, còn vài chỗ thì phải nhường cho xe máy của những người lớn tuổi trong khu nhà. Bởi vậy, con gái nghệ sĩ Chiều Xuân đã phải mang xe đi gửi chứ không được để ở khoảng sân của ngôi nhà chung ấy, điều này cũng làm chị xót xa, bởi ngay tại ngôi nhà của mình, mà gia đình đang sống như “ở trọ”, không có không gian trong lành và luôn mơn nớp lo sợ hoả hoạn xảy ra.
Người mẫu Hà Anh cũng lên tiếng bảo vệ ngôi nhà lịch sử
Song song với việc gia đình nghệ sĩ Chiều Xuân lên tiếng bảo vệ ngôi nhà chung thì mới đây người mẫu Hà Anh cũng đưa ra ý kiến của mình để bảo vệ một địa chỉ văn hoá. Theo đó, người mẫu Vũ Hà Anh là cháu nội của nhà văn Vũ Tú Nam - người đã sống cả đời người trong căn nhà ấy.
Người mẫu Hà Anh cho biết: “Không chỉ thế hệ ông bà tôi, nhà văn Vũ Tú Nam, nhà văn, nhà báo Thanh Hương, cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận, cố họa sĩ Văn Giáo, Phan Chánh, Văn Hiến... sống, sáng tác và xây dựng gia đình nhỏ của mình ở ngôi nhà 65 Nguyễn Thái Học, mà thời ba tôi, họa sỹ Vũ Huy, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, diễn viên Chiều Xuân cũng đã, hoặc đang sinh sống, sáng tác và xây dựng gia đình nhỏ của mình nơi đây. Tôi muốn lên tiếng để bảo vệ địa chỉ văn hoá này”.
Hà Anh kể lại rằng, hồi nhỏ, thứ 7, chủ nhật, ngày nào cô cũng đến nhà ông bà ngủ lại, sau đó, gia đình cô cũng chuyển về sống ở 65 Nguyễn Thái Học, trong căn hộ 40 m2, thời đó, mọi người sống chan hoà với hàng xóm láng giềng xung quanh. Qua nhiều sự kiện lịch sử, ngôi nhà 65 Nguyễn Thái Học hiên ngang trụ vững trước bao bom đạn thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ, là nơi trú bom, đạn, nơi nương tựa của thế hệ ông bà, ba mẹ cô. Ấy thế mà vào thời bình, nhiều hộ dân nơi này lại bị “ghẻ lạnh”, xuống cấp và bị tàn phá hoàn toàn bởi các hộ thuê nhà để “kinh doanh” khung tranh ảnh giả.
Theo đó, Hà Anh cho hay, việc kinh doanh tại tầng 1 ngôi nhà đã làm cho các hộ dân không khó chịu bằng việc lấn chiếm vỉa hè bên ngoài, lối đi bên trong của hộ dân để bày kín gỗ, khung, thiết lập các ổ điện nửa vời, là cái bẫy chết người, nguy cơ tạo nên việc cháy nhà. “Mỗi lần đi xe qua khu nhà này tôi lại chỉ cho chồng của mình khu nhà tuổi thơ của mình, không nén nổi sự xót xa khi căn nhà lụp xụp đi! Còn đâu căn biệt thự Pháp cổ xinh đẹp, thanh lịch và thoáng mát, nơi từ thời ba đến thời chúng tôi chạy chơi, nơi tôi nhặt quả bàng, nói chuyện với cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận – khi ông đang mắc võng ngồi hóng mát? Tôi thấy buồn và mong các cơ quan chức năng vào cuộc để bảo vệ địa chỉ văn hoá này cho Thủ đô” – Hà Anh tâm sự.
Lạc Thành