Theo đó, ngày 17/4/2017, đại diện Tòa án Tối cao và ông Nguyễn Văn Hòa (đại diện pháp luật của ông Trần Văn Thêm) đã ký biên bản thỏa thuận bồi thường cho ông Trần Văn Thêm với số tiền là 6.700.000.000 đồng (sáu tỷ bảy trăm triệu đồng). Tuy nhiên, cho đến ngày 4/8/2017, ông Trần Văn Thêm vẫn chưa được chi trả số tiền đền bù này.
Hiện nay, ông Thêm đã 81 tuổi, bị kẻ “Giết người, cướp của” đập búa vào đầu cùng với 5 năm, 6 tháng, 7 ngày bị cùm trong trại giam và trại cải tạo nên đến nay ông Thêm đã kiệt sức. Hiện nguyện vọng của ông Thêm chỉ là mong Nhà nước sớm chi trả tiền bồi thường để có điều kiện chăm sóc tuổi già.
Đây là những nguyện vọng cuối cùng của ông Thêm cũng như luật sư Vũ Văn Lợi, người bào chữa miễn phí cho ông Trần Văn Thêm.
Thể hiện quan điểm về việc ông Trần Văn Thêm chưa nhận được tiền bồi thường, luật sư Vũ Văn Lợi cho biết: “ Đã hơn 1 năm kể từ ngày tổ chức xin lỗi công khai và đọc quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ bị can đối với ông Trần Văn Thêm, cơ quan chịu trách nhiệm bồi thường là TANDTC vẫn chưa thực hiện xong các thủ tục bồi thường là trái với các quy định của luật Trách nhiệm và bồi thường Nhà nước số 35/QHK12 ngày 18/6/2009 và Nghị định số 16/NĐ – CP ngày 03/3/2010 của Chính phủ; thông tư liên tịch số 05/2012/TTLT – VKSNDTC- TANDTC – BAC- BTP; BNN&PTNT ngày 02/11/2012 lỗi thuộc về TANDTC.
Theo quy định của luật và các Nghị định, thông tư trên thì thời gian xem xét yêu cầu bồi thường được thực hiện cụ thể như sau:
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được đơn và các giấy tờ hợp lệ yêu cầu bồi thường thì cơ quan nhận hồ sơ phải thụ lý (Điều 17, luật TNBTNN; khoản 1, Điều 9, NDD16/NĐCP; khoản 2, Điều 13, thông tư liên tịch 05/TTLT)
Trong thời hạn 20 ngày, có thể kéo dài không quá 40 ngày cơ quan chịu trách nhiệm bồi thường phải hoàn thành việc xác minh thiệt hại theo khoản 1, Điều 18 luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc xác minh thiệt hại, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải tổ chức chủ trì, thương lượng với người bị thiệt hại, trong trường hợp phức tạp thì cũng không được quá 45 ngày (theo khoản 1, Điều 19, luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước).
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày kết thúc thương lượng, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải ra quyết định bồi thường (Theo Điều 20, luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước, khoản 1 Điều 17 thông tư liên tịch số 05/TTLT).
“Như vậy, theo những quy định trên, trong thời hạn từ khi thụ lý yêu cầu bồi thường thì thời gian quy định tổng cộng là 100 ngày. Đến nay đã trải qua hơn 100 ngày nhưng ông Thêm vẫn chưa nhận được tiền bồi thường là trái quy định của pháp luât”, luật sư Lợi khẳng định.
“Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện bồi thường cho ông Thêm, công ty luật Hòa Lợi đã có văn bản kiến nghị lên đến các cơ quan chức năng. Việc chậm trễ trong bồi thường thiệt hại này, trách nhiệm thuộc về người đại diện được giao giải quyết của TANDTC và cơ quan chịu trách nhiệm bồi thường là TANDTC”, luật sư Lợi cho biết thêm.
Nói về mức bồi thường 6,7 tỷ đồng đối với ông Trần Văn Thêm, luật sư Lợi cho rằng: “Đối với trường hợp của ông Thêm, mức thỏa thuận bồi thường 6,7 tỷ đồng là hợp lý, tương ứng với mức bồi thường các quy định của pháp luật và các văn bản pháp luật hiện hành”.
Luật sư Lợi cũng cho rằng việc chậm trễ bồi thường cho ông Thêm đang thể hiện sự lúng túng của các cơ quan chức năng trong quá trình thực hiện luật Trách nhiệm bồi thường.
Theo hồ sơ vụ án, đêm 23/7/1970, ông Thêm và người em họ là Nguyễn Khắc Văn đi xe đạp thồ từ huyện Yên Phụ (Bắc Ninh) đến huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phú (nay là Vĩnh Phúc – PV). Khi cả hai ghé vào ngủ tại một lều cắt tóc cạnh Cầu Diện (xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phú cũ) thì bị cướp tấn công. Hai anh em chống cự, đánh lại khiến tên cướp lao xuống sông tẩu thoát. Khi dân làng nghe tiếng kêu cứu chạy đến thấy trên tay ông Thêm cầm chiếc cọc thồ dính máu. Ông Văn chết trên đường đi cấp cứu. Dù bị cướp đánh gây vết thương nặng trên đầu nhưng ông Thêm vẫn bị cáo buộc giết em họ để cướp của. Năm 1973, TAND tỉnh Vĩnh Phú xét xử sơ thẩm và tuyên ông Trần Văn Thêm tử hình về hai tội Giết người và Cướp tài sản. Năm 1974, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội bác kháng cáo kêu oan của ông và y án tử hình. Năm 1975, ông Thêm từ trại giam Đức Phú đi thực nghiệm hiện trường thì được biết có nghi phạm khác khai nhận đã tấn công ông và ông Văn. Sau đó ông Thêm được trả tự do sau 5 năm, 6 tháng, 7 ngày ngồi tù oan. Tuy nhiên ông Thêm vẫn phải mang thân phận bị can, đến ngày 8/8/2016 mới được Bộ Công an ký quyết định đình chỉ điều tra vụ án. Ngày 17/4/2017, đại diện Tòa án tối cao và ông Nguyễn Văn Hòa (đại diện pháp luật của ông Trần Văn Thêm) đã ký biên bản thỏa thuận bồi thường cho ông Trần Văn Thêm với số tiền là 6.700.000.000 đồng (sáu tỷ bảy trăm triệu đồng). Tuy nhiên đến nay ông Thêm vẫn chưa nhận được tiền bồi thường. |