Ngày 25/5, ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: "Vào cuối tuần sau, cặp rắn hổ mang chúa bắt được dưới chân núi Cấm sẽ được thả trở lại môi trường tự nhiên. Khi nào, thả ở đâu sẽ được đảm bảo bí mật, tránh cặp rắn bị những người săn bắt động vật hoang dã tìm kiếm. Cặp rắn sẽ được thả ở đâu đó, trong các vùng núi của tỉnh An Giang".
Theo lãnh đạo UBND tỉnh, bác sĩ Trại rắn Đồng Tâm (tỉnh Tiền Giang) đã kiểm tra sức khoẻ của cặp rắn, viện Sinh thái và các cơ quan chuyên môn đã khảo sát các địa điểm, khu vực phân bố của loài rắn để thả về lại trong môi trường tự nhiên.
Trước đó, ông Trương Vĩnh Thành, Phó Tổng Giám đốc tập đoàn Sao Mai cho biết: "Nếu cơ quan chức năng kết luận thả thì mình thả. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ nên giữ lại tốt hơn. Tôi sợ thả ra ngoài tự nhiên, chúng dễ bị bắt và giết chết”.
Khoảng 2 tuần trước, trong lúc thi công công trình dưới chân núi Cấm (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang), một nhóm công nhân bất ngờ phát hiện ổ rắn hổ mây ngóc đầu trong hang.
Nhanh trí, một tài xế lái xe cuốc liền chụp lấy mấy bao bố ném vào miệng hang. Thấy vậy, 3 công nhân khác lại phụ ném bao liên tục vào cặp rắn đang nằm, rồi chạy đến vây bắt.
Một số người dân thông tin rằng, khu vực Bảy Núi của tỉnh An Giang còn rất nhiều rắn có trọng lượng "khủng". Rất nhiều huyền tích, câu chuyện nhuốm màu rùng rợn, linh thiêng quanh loài rắn hổ ở vùng đất Thất Sơn còn được lưu truyền.