Như báo Người Đưa Tin đã đưa, theo dự kiến sáng nay (22/3), phiên tòa xử cựu Phó phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Thái Bình cùng 3 đồng phạm sẽ diễn ra tại TAND TP.Thái Bình.
Tuy nhiên, khi đang trong quá trình làm thủ tục trước phiên xử thì bất ngờ phiên tòa bị hoãn. Đến 8h20 cùng ngày, 4 xe chuyên dụng rời tòa, chở các 4 bị cáo trở về nơi tạm giam.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, bà Nguyễn Thị Hân – Phó Chánh án TAND TP.Thái Bình, tỉnh Thái Bình cho biết, nguyên nhân cụ thể của việc hoãn tòa sáng nay là do yêu cầu của luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Đức Việt.
“Phiên tòa dự tính đúng theo các quy trình, tuy nhiên, luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Đức Việt thuộc đoàn Luật sư TP.Hà Nội đang tham gia bào chữa tại một phiên tòa trong Đà Nẵng nên đã có đơn xin hoãn xét xử.
Để đảm bảo phiên tòa đúng theo trình tự, đảm bảo quyền lợi cho bị hại, bị cáo, chúng tôi quyết định hoãn phiên xét xử. Phiên tòa được dự kiến mở lại trong tháng 4/2019”, bà Hân thông tin.
Trả lời PV về lý do phiên tòa xử kín, không cho phóng viên và các thành phần khác tham dự, bà Hân nói, vì bị hại là trẻ em đang là độ tuổi vụ thành niên, là đối tượng được pháp luật bảo vệ. Việc này cũng đã được TAND Tối cao ban hành thông tư số 02/2018 quy định chi tiết việc xét xử vụ án hình sự có người dưới 18 tuổi tham gia.
Theo thông tư 02, đối với những vụ án có người bị hại là người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục, bị bạo hành hoặc bị mua bán thì tòa án phải xét xử kín; đối với những vụ án khác có yêu cầu của người dưới 18 tuổi, người đại diện của họ hoặc để giữ bí mật đời tư, bảo vệ người dưới 18 tuổi thì tòa án cũng có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai theo quy định tại Điều 327 của bộ Luật Tố tụng Hình sự.
Bà Hân cho biết thêm: “Mặt khác, gia đình bị hại và người đại diện hợp pháp của bị hại trong vụ án này cũng có đơn xin xử kín. Căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành và trên điều kiện thực tế, chúng tôi quyết định xử kín, chỉ thông báo bản án công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng sau khi bản án đối với các bị cáo được tuyên”.
Khi được hỏi về thành phần tham gia phiên tòa xử kín, bà Hân trả lời, các thành phần trong phiên xử kín bao gồm: Hội đồng xét xử, các thành phần tham gia tố tụng như: bị hại, bị cáo, người làm chứng và luật sư bào chữa cho bị hại, bị cáo, Cảnh sát Hỗ trợ tư pháp. Bị hại đang ở độ tuổi vị thành niên có thể ủy quyền cho người đại diện quyền lợi hợp pháp để tham gia tố tụng.
Trước đó, 9/2018, dư luận cả nước xôn xao trước vụ việc Phó phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Thái Bình cùng nhiều đồng phạm đã có hành vi xâm hại tình dục nữ sinh T.M. (SN 2014) nhiều ngày tại một khách sạn, trên địa bàn TP.Thái Bình.
Vụ việc chỉ bị phát giác khi gia đình nữ sinh nhiều ngày không thấy con họ về nhà và phải nhập viện điều trị sau khi bị xâm hại.
Các đối tượng trong vụ án này bao gồm: Phạm Như Hiển (tên gọi khác là Phạm Như Kiểm, SN 1974, đăng ký hộ khẩu thường trú tại tổ 36 phường Trần Lãm, TP.Thái Bình; chỗ ở hiện nay: số nhà 322, tổ 50 khu đô thị Kỳ Bá, TP.Thái Bình.
Phạm Đức Việt (SN 1974, đăng ký hộ khẩu thường trú tại số nhà 276, đường Trần Thái Tông, tổ 20, phường Tiền Phong, TP.Thái Bình; chỗ ở hiện nay: số nhà 9, L08, khu đô thị Petro Thăng Long, phường Quang Trung, TP.Thái Bình).
Phạm Văn Lam (SN 1972, nơi cư trú số nhà 12, ngõ 16, đường Trần Khánh Dư, tổ 22, phường Tiền Phong, TP.Thái Bình) và Từ Minh Tuyên (SN 1971, trú tại số nhà 1/482, đường Trần Hưng Đạo, tố 10, phường Trần Hưng Đạo, TP.Thái Bình).
Trước khi “nhúng chàm”, bị cáo Lam nguyên là Phó phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Thái Bình, mang hàm Trung tá.
4 đối tượng đều bị Cơ quan CSĐT Công an TP.Thái Bình khởi tố về các tội danh: Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi và Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi.