Chuyển hướng làm phim sitcom vì… rẻ?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, phim sitcom là thể loại phim ngắn, có tình huống nhiều tập, những chủ đề thường xoay quanh cuộc sống hằng ngày, đặt con người trong mối quan hệ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp… và lồng vào đó những tình huống để nhân vật ứng xử và tạo tiếng cười cho khán giả. Nếu để ý một chút, có thể thấy rằng, phim sitcom Việt Nam đang có xu hướng khai thác những yếu tố giới tính, nhạy cảm để tạo nên tiếng cười hài hước trong phim.
Đạo diễn Việt Dũng chia sẻ: “Một vài năm về trước, phim sitcom Việt Nam thường tập trung khai thác những câu chuyện trong giới trẻ và đối tượng hướng đến cũng là giới trẻ. Nhật ký Vàng Anh được coi là bộ phim đầu tiên thuộc thể loại sitcom của Việt Nam và một thời gây “sốt” trong cộng đồng tuổi teen. Do vừa sản xuất, vừa phát sóng nên những tập phim của Nhật ký Vàng Anh khá cập nhật, phản ánh kịp thời tâm tư, suy nghĩ, trào lưu của giới trẻ. Sau khi có sự cố và phim Nhật ký Vàng Anh bị dừng lại, thì có phim Bộ tứ 10A8. Nếu Nhật ký Vàng Anh hướng đến câu chuyện mang tính giáo dục cao thì Bộ tứ 10A8 lại thiên về sự hài hước và giải trí. Tuy nhiên, phim này cũng không gây được ấn tượng gì nhiều nên nhanh chóng bị lãng quên…”.
Đạo diễn Việt Dũng “bật mí” thêm: “Nhiều nhà làm phim hiện nay “chuyền hướng” sang làm phim sitcom vì… rẻ, chi phí bỏ ra thấp. Phim dài tập hay phim 45 phút có chi phí cao, nếu phim không “hot” thì số tiền thu được từ quảng cáo cho thương hiệu không cao. Đây là lý do những năm gần đây, nhiều phim sitcom ra đời. Tuy nhiên, vẫn là tình trạng “nhiều người nhưng cười không to”, phim ra đời “ồ ạt” nhưng bị đánh giá là “nhạt”, nhiều bộ phim xem xong khán giả không nhớ tên là gì…”.
Theo đó, có thể đến một số bộ phim xuất hiện trong thời gian qua như: Những phóng viên vui nhộn, Cửa sổ thủy tinh, 5S online, Tiệm bánh hoàng tử bé, Phụ nữ là số 1… đã khai thác được mảng xã hội mà giới trẻ quan tâm.
Bên cạnh đó, những bộ phim sitcom về đề tài gia đình như: Lẵng hoa tình yêu, Gia đình là số 1 cũng tạo được những tiếng cười thoải mái. Tuy nhiên, càng về sau, bộ phim càng nhạt và kém duyên, vì mảng đề tài bị trùng lặp, tình huống phim không có gì mới lạ, hấp dẫn.
Bên cạnh đó, diễn viên chủ yếu của dòng phim này là những diễn viên không chuyên nên diễn xuất còn gượng gạo, khô cứng lại xuất hiện ở quá nhiều phim khiến dòng phim sitcom Việt dành cho giới trẻ thiếu sự đa dạng.
Diễn viên Hoa Quỳnh chia sẻ: “Có thể thấy rằng, để tăng lượng rating (lượng người xem – pv) và doanh thu quảng cáo, nhiều bộ phim sitcom đã mời nhưng hotgirl, hotboy đóng phim nên nhiều bộ phim sitcom không được đầu tư chất lượng diễn viên. Một số phim sitcom được “làm quá” lên nên xem như… phim hoạt hình, rối mắt, nhiều màu sắc. Tuy nhiên cũng không phủ nhận được rằng, những bộ phim như: Sắc màu phái đẹp, Camera công sở, Đàn ông sau 5h, Gái ngoan truyền kỳ… cũng có những nét riêng, nhiều khán giả quan tâm…”.
Cạnh tranh với phim sitcom trên… mạng xã hội?
Nhà sản xuất phim Trần Ngọc Tuấn cho biết: “Có một thực tế là kịch bản phim sitcom hiện nay rất khan hiếm, tuy mỗi phim chỉ chiếu khoảng 15 phút nhưng làm thế nào để luôn có đề tài hay, làm khán giả cười mỗi ngày là điều rất khó, vì cười mãi một đề tài, sự kiện rồi cũng nhạt. Có một dạo, các nhà làm phim sitcom còn lấy cả những kịch bản của những sinh viên Đại học Sân khấu Điện ảnh vì thiếu người viết kịch bản phim. Tuy nhiên, cũng có khá nhiều kịch bản hay, nhưng nguồn kịch bản không có nhiều, các nhà làm phim vẫn đi đặt hàng kịch bản phim sitcom…”.
Phim sitcom thường hướng đến giới trẻ nên đề tài của những bộ phim này cũng gắn liền với sự vui nhộn, trẻ trung của khán giả. Theo NSƯT Công Lý, các bộ phim sitcom chủ yếu được thực hiện ở trường quay, thời kỳ đầu, phim được quay bằng 1 camera nhưng sau đó được quay bằng nhiều góc máy tạo sự thu hút hơn cho phim. Âm thanh của phim được thu trực tiếp từ trường quay, không có nhắc thoại hay kỹ thuật lồng tiếng, vì thế các diễn viên trong thể loại phim này sử dụng lời thoại thật của mình. Nhiều bộ phim đã lồng thêm kênh cười của khán giả vào phim như 5S online. Tuy nhiên, hiện nay nhiều bộ phim đã bỏ hẳn phần đệm cười để phim được tự nhiên và để khán giả tự cảm nhận được sự hài hước trong đó.
Ngoài việc các bộ phim sitcom Việt Nam được sản xuất tại Việt Nam thì cũng có một vài bộ phim được mua từ format của nước ngoài. Tuy nhiên, nhiều bộ phim được mua về nhưng chưa được “Việt hóa” hoàn toàn nên xem phim còn gượng gạo. Theo đánh giá chung của nhiều khán giả thì phim sitcom Việt Nam vẫn đang ở mức độ “tìm tòi, thử nghiệm, học hỏi” là chính. Nhiều phim sitcom Việt đã “ép” khán giả cười nhưng không thành công vì câu chuyện phim kém logic, đối thoại vô duyên.
NSƯT Công Lý cho hay: “Hiện nay, các nhà sản xuất phim sitcom trên truyền hình đang “đau đầu” để cạnh tranh với các kênh phim trên Internet và mạng xã hội. Với ưu thế nhanh, gọn, lẹ, phim sitcom cũng được đông đảo bạn trẻ tìm trên Internet để xem. Với hàng chục ngàn đến triệu lượt người xem lại các phim sitcom đã khiến nhà sản xuất, nhà đài khấp khởi hướng đến việc khai thác lợi nhuận trên Internet. Hơn nữa, trên mạng xã hội, khả năng tương tác với khác giả cao, doanh thu quảng cáo nhiều nên nhiều đơn vị làm phim đã “nhanh tay, nhanh mắt” đã ký hợp đồng làm phim với Youtube hay trên Facebook để theo kịp trào lưu với nhiều phim sitcom trên thế giới…”.
Đạo diễn Bình Trọng cho biết: “Vào tháng 5/2016, tôi đã ký hợp đồng sản xuất phim sitcom Râu ơi, vểnh ra, để phát trên Youtube. Đây là xu hướng mới mà nhiều nhà làm phim hướng tới. Chiếu phim trên mạng xã hội là cơ hội “mở” cho cả đạo diễn và đơn vị phát hành. Ở truyền hình, khán giả có thể kén chất lượng phim nhưng trên mạng xã hội, yếu tố giải trí được quan tâm đầu tiên, ít người chê bài hơn. Tại Việt Nam hiện nay, chưa có trường quay chuyên nghiệp để diễn, vì thế, cả đạo diễn và ê – kíp vẫn chưa có sự chuyên nghiệp, điều này cũng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng làm phim…”.
Lạc Thành