Vì sao Premier League khô hạn bàn thắng?

Vì sao Premier League khô hạn bàn thắng?

Thứ 7, 21/09/2013 11:22

Ba vòng đấu đầu tiên của Premier League năm nay, chỉ có bình quân chưa đầy 2 bàn thắng được ghi trong mỗi trận. Nói chính xác hơn thì là 1,93 bàn/trận, thấp hơn khoảng 30% so với mức bình quân của 3-4 mùa giải trước. Tính cả loạt trận đấu sớm tối qua thì tình hình vẫn chưa có nhiều thay đổi, vậy điều gì đang diễn ra trên các sân cỏ nước Anh?

Hạn hán bàn thắng

Vài năm trở lại đây, các cuộc đụng độ giữa những “ông lớn” của bóng đá Anh luôn hứa hẹn một cơn mưa bàn thắng. Mùa 2012/13 chúng ta đã được chứng kiến Arsenal đại thắng Tottenham 5-2, M.U thúc thủ 2-3 trước Chelsea, hay trước đó nữa – mùa 2011/12 – là chiến thắng 6-1 của Man City ngay tại Old Trafford, trận hòa 3-3 của M.U và chiến thắng 5-3 của Chelsea tại Stamford Bridge.

Tuy nhiên 3 trận đấu lớn đầu mùa này đã mang lại những gì? Những con số khô khan đến mức nhàm chán: M.U 0-0 Chelsea, Liverpool 1-0 M.U và Arsenal 1-0 Tottenham. Nhìn rộng ra, số bàn thắng trung bình mỗi trận từ đầu mùa đến nay chỉ đạt 1.93, thấp hơn rất đáng kể (khoảng 30%) so với nhiều mùa giải trước.

Từ 2009 đến 2013, mỗi trận đấu tại giải Ngoại hạng Anh luôn có bình quân 2,8 lần lưới rung (chính xác thì là 2,77, 2,8, 2,81 và 2,8 bàn/trận trong 4 mùa bóng gần nhất). Ở vòng đấu thứ 3, thậm chí có tới 9/10 trận đấu của Premier League không vượt qua cột mốc 2 bàn, 9 đội bóng không thể tìm thấy mành lưới đối phương và thất bại 0-1 trước Liverpool cũng là lần đầu tiên sau 6 năm mà M.U tịt ngòi trong 2 trận liên tiếp (trước đó là ngày 9 và 13/5/2007, lần lượt trước Chelsea và West Ham).

Bóng đá Quốc tế - Vì sao Premier League khô hạn bàn thắng?

Nói cách khác, Premier League đang bất thình lình trải qua một đợt “hạn hán” bàn thắng, và sự khô hạn này càng trở nên rõ rệt nếu được đặt vào trong tương quan so sánh với các giải đấu hàng đầu châu Âu khác. Trong số 4 giải VĐQG lớn còn lại thì Ligue 1 là khiêm tốn nhất khi “chỉ” đạt 2,56 bàn/trận, còn con số này ở La Liga là 2,97.

Tuy nhiên so với người Đức hay Italia thì TBN vẫn còn kém rất xa: Bundesliga đang bùng nổ dữ dội với 3,3 bàn thắng/trận, trong khi một cuộc tranh tài vốn có tiếng là chặt chẽ như Serie A cũng đã ghi nhận bình quân 3,25 lần lưới rung sau mỗi trận đối đầu.

Trào lưu thận trọng

Sau khi thống kê số bàn thắng trung bình của các giải đấu khác, có thể thấy rõ rằng xu hướng chiến thuật chung của bóng đá lục địa già không hề thay đổi sau mùa Hè 2013. Các CLB nếu không thi đấu cởi mở hơn thì ít nhất cũng không đột ngột trở nên bảo thủ, và về cơ bản thì những cơn mưa gôn vẫn đều đặn diễn ra trên châu Âu lục địa.

Cũng có nghĩa, vấn đề của người Anh chỉ mang tính cá biệt và những lý do dẫn đến hiện tượng đó đương nhiên cũng phải mang tính cá biệt. Vậy đâu là sự chuyển biến lớn nhất của Premier League so với chính nó cách đây 1 năm? HLV, HLV và HLV.

Lần đầu tiên trong lịch sử, cả 3 ứng cử viên hàng đầu cho ngôi vô địch (M.U, Man City, Chelsea) thay người cầm lái trong cùng một năm. Một mặt thì những Moyes, Mourinho và Pellegrini cần thời gian để lắp ghép đội hình nhưng mặt khác, quan trọng hơn, họ một lần nữa thổi tư duy phòng ngự vào Premier League.

Đã lâu rồi người ta mới lại thấy M.U chơi thận trọng, hay nói thẳng ra là thụ động, đến thế và nguyên nhân đương nhiên là việc David Moyes vẫn chưa thể thoát ra khỏi “tư duy đội bóng nhỏ” sau một thời gian dài dẫn dắt Everton.

Còn Mourinho, ông dường như chẳng thay đổi gì sau nhiều năm xa cách nước Anh bất chấp việc đã tự đặt cho mình biệt hiệu mới là “Người hạnh phúc”: vẫn là phong cách chặt chẽ đó, vẫn ưu tiên cho việc khắc chế điểm mạnh của đối thủ trước khi phát huy sở trường của mình (Chelsea mới ghi 1 bàn từ bóng sống ở mùa này, tính đến hết vòng 3) và vẫn không có nhiều đất diễn cho các nghệ sĩ (Mata đã không còn đóng vai trò trung tâm trong kế hoạch của Mou).

Tuy nhiên sự ngạc nhiên lớn nhất phải đến từ Pellegrini. Sau vài trận cầm quân, chiến lược gia người Chile đã cho thấy rằng khái niệm “bóng đá đẹp” của ông không đồng nghĩa với bóng đá tấn công, thay vào đó là sự chú trọng vào khả năng kiểm soát bóng và đôi khi điều đó có thể dẫn đến lối đá tiqui-taca… buồn ngủ kiểu TBN.

Không rõ có phải bị ảnh hưởng bởi các CLB lớn hay không, nhưng đa phần các đội bóng nhỏ và tầm trung ở Premier League năm nay đều áp dụng sơ đồ nói dễ nghe là 4-3-3, nhưng thực ra là 4-5-1 với một trung phong cắm duy nhất và hai cầu thủ chạy cánh đều nhanh chóng lùi về hỗ trợ phòng ngự sau khi đội nhà để mất bóng. Ở vòng trước, chỉ có 5 đội (Man City, Newcastle, Hull, West Ham, Southampton) ra sân với 2 tiền đạo thực thụ mà thôi, và sự khan hiếm bàn thắng cũng là điều dễ hiểu.

Chờ đợi tháng 10

Tất nhiên, mọi thứ chỉ có tính tương đối và bàn thắng – dù rất quan trọng – không phải là điều duy nhất mang đến vẻ đẹp cho bóng đá. Một trận hòa 0-0 có thể vẫn diễn ra cực kỳ hấp dẫn, còn một cuộc rượt đuổi tỷ số điên rồ (5-4 hay 6-5 chẳng hạn) có thể chỉ đơn giản xuất phát từ hàng loạt sai lầm của hai bên, và nhiều bàn thắng chưa chắc đã đồng nghĩa với chất lượng chuyên môn tốt.

Khó ai có thể nói rằng Arsenal 1-0 Tottenham là một trận đấu dở, và điều tương tự cũng đúng với trận M.U 0-0 Chelsea. Dù vậy, về cơ bản thì mọi người đều mong muốn được trải qua 90 phút phấn khích với nhiều lần lưới rung, và nếu thế thì quãng thời gian 3 tháng sắp tới sẽ là rất đáng chờ đợi: kể từ năm 2005 đến nay, giai đoạn từ tháng 10 đến tháng 12 luôn là thời điểm mà Premier League có nhiều bàn thắng nhất, dao động từ 2,9 đến 3,5 bàn/trận. Còn nếu bước sang tháng 10 mà tình hình vẫn không có gì thay đổi, thì xem ra Premier League thực sự có vấn đề rồi….

- Sự thận trọng của các CLB Anh ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến mức độ hấp dẫn của Premier League, tuy nhiên trên bình diện châu lục thì đó lại là một tín hiệu rất tốt. Vài ba mùa giải lại đây, Premier League trở nên đầy cởi mở và đó cũng là giai đoạn mà họ không đạt được thành tích như ý ở đấu trường châu Âu (mùa trước không có đại diện nào ở tứ kết Champions League, đang có nguy cơ đánh mất ngôi số 2 trên BXH hệ số giải đấu vào tay Bundesliga).

Ngược lại, quãng thời gian mà bóng đá Anh chơi thành công trên các giải đấu CLB cấp châu lục (từ 2004-2009, có mùa đã đóng góp tới 3/4 đội bóng góp mặt tại bán kết Champions League) cũng trùng với thời điểm mà Premier League có phần “khô hạn” và chặt chẽ, sau sự hiện diện của 2 chuyên gia phòng ngự - phản công Jose Mourinho và Rafa Benitez.

Theo Sao bóng đá

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.