Vì sao Quảng Nam chuyển nhà máy thép về đầu nguồn sông Vu Gia?

Vì sao Quảng Nam chuyển nhà máy thép về đầu nguồn sông Vu Gia?

Thứ 2, 24/10/2016 16:26

Nhà máy thép quá gần khu dân cư, UBND tỉnh Quảng Nam phải tính đến việc di dời ra khu vực xa dân cư cũng như đảm bảo quy hoạch phát triển công nghiệp của tỉnh.

Như Báo Người Đưa Tin đăng tải, UBND TP.Đà Nẵng đã có công văn gửi UBND tỉnh Quảng Nam, đề nghị chia sẻ thông tin về việc di chuyển nhà máy luyện cán thép Việt Pháp lên đầu nguồn sông Vu Gia.

Địa điểm đặt nhà máy thép có quy mô 180.000 tấn, nằm tại thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, thuộc lưu vực sông Vu Gia cung cấp 250.000 m3/ngày đêm cho Nhà máy nước Cầu Đỏ (Đà Nẵng). Đây là nhà máy cung cấp đến 99% nhu cầu sử dụng nước sạch của toàn bộ TP.Đà Nẵng.

Việc di chuyển nhà máy thép Việt Pháp dấy lên lo ngại việc chất thải của nhà máy sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước sông Vu Giang và ảnh hưởng trực tiếp đến nước sinh hoạt của TP.Đà Nẵng về lâu về dài.

Trước những thông tin về việc di dời nhà máy thép, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã có Công văn 4887/UBND-KTN ký ngày 5/10/2016, do Phó chủ tịch tỉnh Huỳnh Khánh Toàn ký, khẳng định "UBND tỉnh đã có chủ trương di dời nhà máy luyện cán thép Việt Pháp tới khu vực xa dân cư phù hợp quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh; đồng thời đảm bảo khắc phục những hạn chế nêu trên".

Và "đây là dự án sẽ giải quyết việc làm cho lao động tại khu vực miền núi có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, dự kiến đóng góp các hoạt động an sinh xã hội tại địa phương", công văn có ghi.

UBND tỉnh Quảng Nam cũng cho biết, sau phản ánh của người dân, công ty đã giảm tải tiếng ồn, khí thải từ ống khói của nhà máy. Công nghệ sản xuất của nhà máy thép Việt Pháp là nấu sắt thép phế liệu ra phôi thép, khác với các nhà máy là tổ hợp luyện cán thép, nhiệt điện, hạt nhựa... tại một số địa phương có nhà máy thép khác.

Tuy nhiên, do nhà máy quá gần khu dân cư vẫn dẫn đến tình trạng khiếu kiện kéo dài, buộc UBND tỉnh phải tính đến việc di dời ra khu vực xa dân cư cũng như đảm bảo quy hoạch phát triển công nghiệp của tỉnh. 

Tin nhanh - Vì sao Quảng Nam chuyển nhà máy thép về đầu nguồn sông Vu Gia?

Địa điểm di dời nhà máy ngay đầu nguồn nước sông Vu Gia vốn là nơi cung cấp 99% nước sinh hoạt cho toàn TP.Đà Nẵng

Trước đó, nhà máy luyện cán thép Việt Pháp được UBND tỉnh Quảng Nam đồng ý cho thuê 2,9 ha đất tại Cụm công nghiệp Thương Tiến (phường Điện Nam Đông, thị xã Điện bàn, tỉnh Quảng Nam) trong thời hạn 15 năm. Thời gian bắt đầu việc cho thuê từ năm 2012 đến năm 2027. Việc thuê đất được trả hằng năm và được lãnh đạo tỉnh miễn phí tiền thuê đất trong 11 năm, theo Giấy chứng nhận đầu tư 40/CN-UBND.

Được biết, nhà máy luyện cán thép Việt Pháp thực hiện công nghệ sản xuất phôi thép theo lò cảm ứng trung tần. Nguyên liệu sản xuất ra phôi thép từ 100% sắt phế liệu và phụ gia (không dùng quặng và than cốc), với công suất 48.000 tấn/năm.

Bắt đầu đi vào hoạt động từ đầu năm 2012, nhà máy thép này liên tục bị người dân xung quanh khu vực vực cụm công nghiệp Thương Tín phản đối vì cho rằng gây ô nhiễm môi trường.

Trước lo ngại, phản ánh của người dân, Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Quảng Nam đã nhiều lần tổ chức quan trắc kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của nhà máy trong quá trình sản xuất. Qua 8 lần kiểm tra (3 lần năm 2013, 4 lần năm 2014 và 1 lần năm 2016), nhà máy thép Việt Pháp luôn cho kết quả đạt yêu cầu. Tuy nhiên, người dân xung quanh khu vực nhà máy phản ảnh "Nhà máy thép Việt Pháp gây ô nhiễm môi trường" chủ yếu do mùi của khói khi nấu phôi thép gây ra.

Lo ngại việc này ảnh hưởng đến an ninh trật tự khu vực và hoạt động sản xuất của nhà máy, UBND tỉnh Quảng Nam ra công văn số 297/UBND-KTN ngày 22/1/2015 "Về việc giải quyết một số tồn tại về môi trường của Nhà máy sản xuất thép tại cụm công nghiệp Thương Tín 1, huyện Điện Bàn và kế hoạch di dời Nhà máy sản xuất thép Việt Pháp". 

Phía UBND thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) chỉ đạo Trung tâm phát triển cụm công nghiệp - thương mại & dịch vụ (CCN-TM&DV) phối hợp với Công ty TNHH thép Việt Pháp đi khảo sát lựa chọn địa điểm để di dời nhà máy và tổ chức cuộc họp nghe ban giám đốc Công ty TNHH thép Việt Pháp báo cáo kế hoạch di dời Nhà máy máy thép Việt Pháp, có sự tham dự của Sở Công Thương và các ngành của thị xã vào ngày 4/2/2015.

Tin nhanh - Vì sao Quảng Nam chuyển nhà máy thép về đầu nguồn sông Vu Gia? (Hình 2).

 Người dân phường Điện Nam Đông nhiều lần khiếu kiện về nhà máy luyện cán thép Việt Pháp 

Qua báo cáo, Công ty TNHH thép Việt Pháp phối hợp cùng Trung tâm phát triển CCN-TM& DV huyện Điện Bàn đã tiến hành khảo sát và thống nhất chọn địa điểm tại Cụm công nghiệp Đại Nghĩa 2 (xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) để lập kế hoạch di dời Nhà máy sản xuất thép Việt Pháp.

Thực hiện kế hoạch di dời nhà máy, Công ty TNHH thép Việt Pháp đưa ra có đề nghị nhà nước hỗ trợ nguồn kinh phí hơn 123 tỷ đồng mới có điều kiện tổ chức thực hiện. Với số tiền đề nghị hỗ trợ nêu trên, UBND thị xã Điện Bàn không có khả năng về ngân sách để bồi thường, hỗ trợ di dời Nhà máy Việt Pháp và vượt thẩm quyền.

Để tạo điều kiện Công ty TNHH thép Việt Pháp thực hiện kế hoạch di dời nhà máy đến vị trí phù hợp quy hoạch, định hướng chung của tỉnh (nếu không tổ chức di dời nhà máy, tình hình an ninh trật tự tại khu vực sẽ rất phức tạp), UBND thị xã Điện Bàn đã có công văn đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam chủ trì tổ chức cuộc họp với các sở, ngành có liên quan, nhằm xác định nguồn kinh phí để hỗ trợ cho việc sớm triển khai thực hiện di dời nhà máy.

Trước những vướng mắc về việc di dời nhà máy, Công ty TNHH thép Việt Pháp có buổi làm việc với UBND huyện Nam Giang và Ban Xúc tiến đầu tư & Hỗ trợ doanh nghiệp, về việc di dời nhà máy lên huyện Nam Giang thay vi Cụm công nghiệp tại huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.

Đến ngày 30/8/2016, UBND tỉnh Quảng Nam có Công văn 4209/UBND-KTTH về chủ trương cho phép nghiên cứu đầu tư nhà máy luyện cán thép Việt Pháp tại thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, với quy mô 17,3 ha và chưa thống nhất tổng mức đầu tư dự án 975 tỷ đồng.   

Anh Tuấn 

 

  

 

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.