Moscow đơn giản hóa thủ tục nhập quốc tịch Nga cho công dân Ukraine
Hôm 11/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh về việc đơn giản hóa thủ tục cấp quy chế công dân cho mọi người dân Ukraine. “Công dân Ukraine, Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) hoặc Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) và những người không có quốc tịch thường trú tại DPR, LPR hoặc Ukraine có quyền đề đạt nguyện vọng để được nhập quốc tịch Liên bang Nga thông qua thủ tục đơn giản hóa, phù hợp với luật pháp của Liên bang Nga", sắc lệnh cho biết.
Theo đó, người Ukraine hiện có thể nộp yêu cầu nhập quốc tịch Nga mà không cần phải sống ở Nga trong 5 năm, không cần chứng minh tài chính hoặc vượt qua bài kiểm tra tiếng Nga.
Việc phục vụ trong các lực lượng vũ trang hoặc cơ quan thực thi pháp luật của các nước cộng hòa Donbass sẽ không phải là trở ngại cho việc nhập quốc tịch Nga. "Người tham gia nghĩa vụ quân sự, phục vụ trong cơ quan an ninh quốc gia hoặc thực thi pháp luật của Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk không thuộc diện bị từ chối quốc tịch Nga", sắc lệnh cho biết thêm.
Trước đó, thủ tục đơn giản hóa nhằm xin quốc tịch Nga chỉ áp dụng cho cư dân sinh sống ở 2 vùng lãnh thổ ly khai Donetsk và Luhansk tại miền Đông Ukraine, cũng như các khu vực Kherson và Zaporizhzhia do Nga chiếm quyền kiểm soát. Tính đến tháng 2/2022, 950.000 người đã nộp đơn và 770.000 người trong số đó đã trở thành công dân Nga.
Phản ứng về động thái mới của Moscow, cùng ngày Bộ Ngoại giao Ukraine bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ, đồng thời khẳng định người Ukraine "không cần quyền công dân Nga". Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba gọi sắc lệnh này là "vô giá trị" và "không phù hợp với các chuẩn mực, nguyên tắc luật pháp quốc tế". Kiev cảnh báo, sẽ cân nhắc để khiến thủ tục trên trở nên "vô hiệu" và cho biết điều này sẽ "không gây ra bất kỳ hệ quả pháp lý nào" cho Ukraine. Kiev cũng cáo buộc Moscow đang sử dụng thủ tục này để "buộc" người dân Ukraine sống trong những vùng lãnh thổ do quân đội Nga kiểm soát phải "tham gia vào những hành vi phạm tội của các chính quyền chiếm đóng".
Nga nói Ukraine chịu thiệt hại nặng ở miền Đông
Trong cuộc họp báo sáng 11/7, phát ngôn viên chính thức của Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov thông báo: “Đối phương đang chịu những tổn thất đáng kể trên mọi hướng". Theo ông, “lữ đoàn đổ bộ đường không độc lập số 25 được quân đội Ukraine triển khai ở thành phố Seversk thuộc tỉnh miền Đông Donetsk đang trong tình trạng nguy cấp. 70% binh lực của đơn vị này đã bị tiêu diệt sau các trận giao tranh”.
Về phía mình, Quân đội Ukraine cảnh báo, Nga nhiều khả năng đang lên kế hoạch mở những cuộc tấn công dữ dội chưa từng thấy tại Donetsk. "Có dấu hiệu cho thấy đối phương sắp đẩy mạnh những chiến dịch tấn công ở hướng Kramatorsk và Bakhmut", Bộ Quốc phòng Ukraine cho hay, đề cập tới hai thành phố chủ chốt vẫn do lực lượng này kiểm soát.
Đại diện Quân đoàn Quốc tế, đơn vị tập hợp lính tình nguyện nước ngoài tham chiến cho Kiev, thừa nhận Nga áp đảo Ukraine về pháo binh. "Chiến sự đang bước vào giai đoạn mà chúng tôi có thể cảm nhận rõ bất lợi về pháo binh và vũ khí hạng nặng so với lực lượng Nga. Số lượng pháo của họ nhiều gấp 8 lần quân đội Ukraine", Damien Magrou, phát ngôn viên Quân đoàn Quốc tế, cho hay.
Phát ngôn viên Magrou kêu gọi các nước phương Tây chuyển giao thêm nhiều vũ khí cho quân đội Ukraine nhằm bù đắp chênh lệch giữa hai bên, thêm rằng những hệ thống như pháo phản lực tầm trung HIMARS đang tạo ra tác động trên chiến trường. “Theo tôi, các hệ thống pháo phóng loạt M142 HIMARS được cung cấp bởi Mỹ có tác động với chiến sự. Chúng ta đã có thể chứng kiến những kết quả rõ rệt”, ông Magrou nói.
Cũng trong ngày 11/7, Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba đã yêu cầu các đối tác "khẩn cấp cung cấp cho Kiev vũ khí hạng nặng hơn và đưa ra các biện pháp trừng phạt kinh tế mới đối với Nga”, đồng thời nhấn mạnh: "Giờ đây, điều cực kỳ quan trọng là phải cung cấp nhiều hỗ trợ hơn cho quốc gia của chúng tôi".
Thủ tướng Hà Lan cảnh báo chiến sự Ukraine kéo dài
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte hôm 11/7 đã có chuyến thăm tới Thủ đô Kiev và hội đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Đây là chuyến thăm Kiev đầu tiên của Thủ tướng Hà Lan từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine hôm 24/2.
“Cuộc hội đàm được tổ chức ngày hôm nay một lần nữa đã chứng minh việc hai quốc gia Hà Lan và Ukraine cùng hợp tác theo cách hiệu quả nhất có thể, vì những lợi ích của toàn châu Âu. Xét trên góc độ cung cấp khí tài quân sự, Hà Lan là một trong 10 quốc gia đứng đầu trong việc hỗ trợ Ukraine, và chúng tôi rất biết ơn họ về điều này”, ông Zelensky nói.
“Chỉ riêng khoản viện trợ tài chính trị giá 200 triệu Euro (201 triệu USD) gần đây được chính quyền Amsterdam dành cho Kiev, đã giúp đảm bảo việc chi trả lương cho các bác sĩ, giáo viên và người hưu trí của Ukraine”, ông Zelensky nói thêm. Theo vị Tổng thống, Hà Lan và Ukraine đều hiểu được sự cần thiết của việc bảo vệ luật pháp quốc tế cũng như luật lệ của từng quốc gia.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte trong cuộc họp báo tổ chức sau cuộc hội đàm cho biết, nước này sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraine về chính trị, tăng cường quan hệ song phương và hợp tác trên nhiều lĩnh vực, cũng như gia tăng thêm các đòn trừng phạt lên Nga.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine, bao gồm các loại vũ khí và trang thiết bị hiện đại. Một lần nữa, tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Âu và nhiều nơi khác trên toàn thế giới hãy giúp đỡ Ukraine”, ông Rutte nói.
Thủ tướng Mark Rutte cũng nhận định, xung đột Nga - Ukraine có thể "kéo dài hơn mong muốn" sau chuyến thăm Kiev. "Cuộc chiến này có lẽ sẽ kéo dài hơn so với tất cả những gì chúng ta hy vọng hay mong đợi, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi ngồi im một chỗ xem nó diễn ra như thế nào. Chúng ta phải tập trung, tiếp tục hỗ trợ Ukraine bằng mọi cách", ông Rutte nhấn mạnh.
“Thế giới đang mệt mỏi vì cuộc chiến ở Ukraine”
Đó là nhận định của Bộ trưởng Tài chính Ukraine Sergey Marchenko trong cuộc trả lời phỏng vấn ngày 11/7. "Dĩ nhiên, chúng tôi vẫn đang nhận được vũ khí và các gói hỗ trợ quân sự, nhưng như vậy vẫn chưa đủ. Đó là dấu hiệu rõ ràng cho thấy, Liên minh châu Âu (EU) và phần còn lại của thế giới đang có phần mệt mỏi vì cuộc chiến này. Điều đó có thể hiểu được khi họ đang trải qua tình trạng giá dầu mỏ và khí đốt tăng cao", Bộ trưởng Ukraine cho hay.
Theo ông Marchenko, một số thành viên EU bất đồng về việc ủng hộ Ukraine khi có những quốc gia chưa sẵn sàng cung cấp cho Ukraine gói hỗ trợ trị giá 9 tỷ Euro (9,1 tỷ USD). "Một vài Chính phủ không sẵn sàng ủng hộ Ukraine với số lượng tiền như vậy", Bộ trưởng Tài chính Ukraine nói, đồng thời bày tỏ: "Trong những tháng đầu tiên của cuộc chiến, EU rất đoàn kết. Nhưng hiện nay, chúng tôi đã thấy xuất hiện những ý kiến khác nhau về việc ủng hộ cho Ukraine".
Ông Marchenko cũng chỉ trích rằng, trong khi Ukraine cần 5 tỷ USD mỗi tháng thì Kiev đang nhận được con số thấp hơn nhiều so với con số này. "Chúng tôi cần 5 tỷ Euro mỗi tháng nhưng hồi tháng 4 chúng tôi chỉ nhận được 1,6 tỷ Euro. Tháng 5 chúng tôi nhận được 1,5 tỷ Euro. Tháng 6 là 4,4 tỷ Euro. Tháng 7 chúng tôi mong nhận được hơn 4 tỷ Euro, nhưng chúng tôi đang phụ thuộc vào quyết định của châu Âu", ông Marchenko thông báo, đồng thời nói rằng EU muốn biết chính xác kế hoạch Ukraine sử dụng số tiền này. Bộ trưởng Ukraine giải thích, các nguồn hỗ trợ đều được sử dụng cho các chương trình nhân đạo và xã hội.
Bình luận của ông Marchenko được đưa ra sau khi ông thông báo hồi giữa tháng 5 rằng Ukraine phải thực hiện những biện pháp "đau đớn" nhằm cứu vãn nền kinh tế đang sụp đổ, giữa bối cảnh cuộc chiến với Nga vẫn tiếp diễn. Vào thời điểm đó, ông cảnh báo Chính phủ có thể phải tăng thuế, cắt giảm chi tiêu và quốc hữu hóa một số doanh nghiệp.
TÚ ANH (T/h)