Ngày 27/7 của 64 năm trước, Chiến tranh Triều Tiên chính thức kết thúc. Chỉ trong ba năm, cuộc chiến này đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người và đã thay đổi bán đảo Triều Tiên.
"Chúng tôi mang cuộc chiến tới đó và cuối cùng thiêu rụi tất cả ở Triều Tiên", cựu tư lệnh Không quân Mỹ, tướng Curtis LeMay nói trong cuộc phỏng vấn vào năm 1988.
CHDCND Triều Tiên bắt đầu cuộc chiến với dân số 9,6 triệu nhưng sau đó phải chịu tổn thất ước tính lên tới 1,3 triệu thương vong cả về dân sự và quân sự, theo số liệu của Không quân Mỹ.
Tướng Douglas MacArthur, một nhân vật huyền thoại trong quân đội Mỹ và là Tổng Tư lệnh lực lượng Liên quân Liên Hiệp Quốc khi đó kể lại rằng, ông chưa bao giờ nhìn thấy sự tàn phá lớn như vậy trong đời.
MacArthur mô tả trong một buổi điều trần của Quốc hội năm 1951 rằng ông đã “run sợ trước nỗi kinh hoàng không thể nói thành lời”.
Hơn 33.000 người Mỹ đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh, trong khi 600.000 lính từ quân đội Trung Quốc tham gia hỗ trợ Triều Tiên cũng không tránh khỏi bi kịch.
Người Trung Quốc và người Mỹ trở về nhà sau cuộc chiến, nhưng Triều Tiên ở lại giữa những đống đổ nát khi toàn bộ cơ sở hạ tầng của họ hoàn toàn bị xóa sạch.
Cuộc xung đột năm đó được coi là chiến dịch không quân quy mô lớn đầu tiên được thực hiện bởi không quân Mỹ.
Theo nhà sử học Charles Armstrong, máy bay Mỹ đã rải 635.000 tấn thuốc nổ xuống CHDCND Triều Tiên, trong đó có 32.000 tấn bom napalm. Số lượng này còn nhiều hơn cả lượng bom mà Mỹ sử dụng trong ba năm ở chiến trường Thái Bình Dương trong giai đoạn Thế chiến II.
Kể từ đó đến nay, tội ác hủy diệt của Mỹ là điều mà người Triều Tiên chưa bao giờ quên, dù mọi thứ đã trôi qua hơn nửa thế kỷ.
Cơn ác mộng từ những vụ ném bom tàn bạo đã in hằn sâu sắc trong tâm trí người Triều Tiên rằng, Mỹ đã san bằng đất nước của họ và điều này chuẩn bị xảy ra một lần nữa.
"Chiến dịch ném bom được coi là tội ác nguyên bản của Mỹ", Giáo sư Robert E. Kelly, từ Đại học Quốc gia Pusan, Hàn Quốc nói với CNN. "Nó trở thành lý do để Bình Nhưỡng luôn đặt mình trong tình trạng khẩn cấp dù thời thế đã đổi khác”.
Trải qua nhiều thế hệ, sự thù ghét Mỹ càng được nung nấu bằng các nội dung trong giáo dục, trên các phương tiện truyền thông và trở thành ý chí chung của người dân Triều Tiên.
Hiến pháp Triều Tiên nói rằng "bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ tối thượng và là nghĩa vụ của công dân". Trong đó tối ưu hóa các lực lượng vũ trang được đặt lên hàng đầu để thực hiện nhiệm vụ này.
Khi nói đến chương trình hạt nhân và tên lửa của mình, giới lãnh đạo ở Bình Nhưỡng đang nhìn vào tấm gương nhà độc tài Libya Moammar Gaddhafi - người đã từ bỏ việc theo đuổi vũ khí hạt nhân để đổi lại nới lỏng trừng phạt, nhưng cuối cùng vẫn bị lật đổ và giết chết.
Chính quyền Kim Jong-un tin rằng vũ khí chính là chìa khóa để bảo vệ sự tồn tại của đất nước. Sẽ không có chuyện Mỹ giữ lời hứa nếu như Triều Tiên chịu nhượng bộ trước.
Vì vậy, quốc gia này tập trung toàn bộ nguồn lực cho ngân sách về quốc phòng và cho rằng chi phí này là rất quan trọng để ngăn chặn một cuộc xâm lược của Mỹ.
“Với thử nghiệm thành công một tên lửa liên lục địa vào đầu tháng này, họ có thể sớm đạt được mục tiêu của mình trong nhiều năm qua”, cây bút James Griffiths của tờ CNN nhận định.
"CHDCND Triều Tiên hiện tại có thể tấn công nước Mỹ bất kỳ lúc nào. Mỹ sẽ phải cảm thấy dè chừng hơn trong việc phát động tấn công với CHDCND Triều Tiên", tuyên bố của bộ Ngoại giao Triều Tiên đưa ra ngay sau vụ phóng tên lửa.
Quốc gia này cũng cho rằng, "đó là cách duy nhất để bảo vệ bản thân và bảo vệ phẩm giá của dân tộc trong một thế giới đầy rẫy thù địch".
Đọc thêm>>> Ngoại trưởng Mỹ muốn từ chức vì con rể ông Trump lấn át quyền lực?
Quốc Vinh