Thời gian gần đây, dư luận xã hội đang rất lo ngại với chất lượng đầu vào của sinh viên các trường sư phạm trên cả nước. Đã có rất nhiều ý kiến cho rằng cần gấp rút có những giải phương án nhằm nâng cao chất lượng của giáo viên, đặc biệt trong bối cảnh Chương trình Giáo dục Phổ thông tổng thể sắp đi vào triển khai.
Trong dự thảo quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng đang được bộ GD&ĐT lấy ý kiến dư luận. Vấn đề đang được quan tâm là bắt đầu từ năm 2018, sẽ siết chặt đầu vào đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên.
Theo đó, học sinh có học lực loại giỏi mới được xét tuyển vào các trường đại học sư phạm; đối với các ngành khác, các trường tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Rõ ràng, việc siết điều kiện đảm bảo chất lượng đầu vào để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên tương lai là hết sức cần thiết, song điều này cũng sẽ rất khó khả thi nếu như chế độ đãi ngộ và bài toán đầu ra đối với sinh viên sư phạm vẫn còn bỏ ngỏ.
Nói về “nút thắt” của việc thu hút sinh viên vào ngành sư phạm, ông Bùi Văn Hưng Hiệu trưởng trường THPT Phan Đăng Lưu (Nghệ An) cho biết: “Không phải người ta chê ngành sư phạm, mà là do học xong không xin được việc nên không ai muốn vào nữa. Đó là cái quan trọng nhất hiện tay, cho nên chính sách giảm/miễn học phí cho sinh viên cũng không phải điều mà người học quan tâm nhất”.
Còn GS Đinh Quang Báo – nguyên Hiệu trưởng trường đại học Sư phạm Hà Nội nêu quan điểm: “Muốn chất lượng đầu vào đại học cao thì phải chú trọng ngay từ cấp học phổ thông. Theo tôi cần có một cuộc cách mạng để khôi phục lại việc thu hút người tài vào ngành Sư phạm. Muốn thu hút sinh viên giỏi thì đầu tiên phải có quy hoạch đào tạo chặt chẽ để sinh viên ra trường có việc làm; thứ hai là tiếp tục miễn học phí; cuối cùng là việc nâng lương cho giáo viên”.
Nguyên lãnh đạo trường đại học Sư phạm Hà Nội cũng khẳng định: “Miễn học phí vẫn là một trong những yếu tố để thu hút người tài vào ngành Sư phạm, không thể bỏ chính sách này được. Hoặc chúng ta có thể thu tiền học phí, đến khi ra trường xin việc thì trả lại cho phụ huynh. Nhưng quan trọng nhất vẫn là đầu ra, sinh viên ra trường phải có việc”.
Đồng ý với quan điểm trên, ông Trần Đức Liên – Hiệu phó trường THPT Phan Đăng Lưu nêu quan điểm: “Muốn trò giỏi chắc chắn thầy phải giỏi, tôi thấy một thực tại hiện nay là thầy giỏi ít quá. Thực tế ngay tại trường chúng tôi những em giỏi không đi sư phạm. Vì đi ra không có việc làm, không xin được nơi dạy. Trường của tôi nói riêng cũng như toàn quốc nói chung càng ngày càng hiếm đi những người thầy giỏi. Người thầy phải biết phát huy tích cực tính sáng tạo và định hướng cho học trò, Thầy không có tư duy tốt, hệ thống kiến thức vững chắc thì không thể giúp học trò tốt nhất”.
“Theo tôi, muốn có thầy giỏi cần có biện pháp kích thích các em vào sư phạm. Muốn như thế để học xong có việc, nâng cao thu nhập. Nghiên cứu giải quyết được khâu đó, thì chắc chắn điểm đầu vào sẽ nâng cao”, ông Liên nói.