Không ai đăng ký đấu giá
Công ty Cổ phần Đấu giá Lam Sơn cho biết, buổi đấu giá nói trên thất bại do đã quá hạn đăng ký và nộp tiền đặt cọc (ngày 23/8) nhưng vẫn không có cá nhân, đơn vị nào đăng ký tham gia.
Trước đó, công ty Quản lý nợ và Khai thác tài sản (VAMC) và ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Phú Tài, thông qua công ty CP Đấu giá Lam Sơn đã rao bán đấu giá tài sản là toàn bộ khoản nợ của công ty CP Thuận Thảo Nam Sài Gòn và 95 khách hàng cá nhân.
Tổng dư nợ của nhóm khách hàng trên là 2.378 tỷ đồng, trong đó tại VAMC là 1.905 tỷ đồng (gốc 939 tỷ đồng, lãi 966 tỷ đồng) và BIDV Phú Tài là 473 tỷ đồng (gốc 269 tỷ đồng, lãi 204 tỷ đồng).
Tài sản đảm bảo cho khoản vay là trụ sở của công ty Thuận Thảo Nam Sài Gòn ở 100B Bùi Thị Xuân, quận 1, TP.HCM, hai mảnh đất rộng 22 ha ở thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh và 5,2 triệu cổ phiếu Thuận Thảo (GTT) mang tên bà Võ Thị Thanh - Giám đốc công ty.
Giá khởi điểm cho phiên đấu giá đầu tiên là 1.208 tỷ đồng, đúng bằng dư nợ gốc của nhóm khách hàng Thuận Thảo.
Trước đó, hồi tháng 5/2018, khoản nợ này từng được mang ra rao bán một lần với giá khởi điểm là 845 tỷ đồng và ngày cuối nhận hồ sơ là 18/5.
Tuy nhiên đến ngày 18/5, BIDV quyết định gia hạn thời gian nhận hồ sơ đến ngày 29/5 và thay đổi giá khởi điểm là 1.208 tỷ đồng, tăng thêm 363 tỷ đồng so với quyết định trước đó. Nguyên nhân đưa ra là do đến hạn 18/5 nhưng có ít tổ chức đăng ký đấu giá và BIDV đã xác định lại giá của tài sản thu hồi từ công ty Thuận Thảo.
Việc giảm giá khởi điểm cho thấy khối tài sản thế chấp chưa hấp dẫn so với mức giá, dù cả BIDV lẫn VAMC đã chấp nhận mất toàn bộ lãi lẫn một phần gốc.
Vì sao nhà đầu tư thờ ơ?
Nếu mang khối tài sản của Thuận Thảo được mang ra đấu giá lần này để định giá, sẽ hiểu vì sao nhà đầu tư e ngại, không dám đầu tư vào thương vụ này.
Trước hết, như báo Người Đưa Tin đã phân tích, lô 5,2 triệu cổ phiếu GTT của bà Võ Thị Thanh vốn là một “miếng bánh khó nuốt” bởi vì nó có thị giá chỉ 400 đồng/cổ phiếu (chốt phiên 24/8), trọn lô có giá khoảng 2,1 tỷ đồng. Hơn nữa, cổ phiếu GTT gần như không có thanh khoản trong thời gian gần đây.
Khu đất 100B Bùi Thị Xuân rộng 275,04m2 từng nhiều lần được rao bán trên các trang mạng với giá trên dưới 100 tỷ đồng. Như vậy, so với khoản nợ hơn 2.000 tỷ thì cổ phiếu và khu đất trụ sở này không giá trị là bao.
Do đó, giá trị tài sản của Thuận Thảo chủ yếu còn dựa vào hai lô đất tại thị trấn Tân Túc, gồm lô thứ nhất tại khu phố 2 rộng 165.902,5 m2 và lô thứ hai rộng 54.142,5 m2 ở khu phố 4.
Theo tìm hiểu của PV dựa trên bảng giá hiện nay, đất dọc đường Nguyễn Hữu Trí về phía Long An (cạnh lô thứ nhất của Thuận Thảo) có giá 2,4 triệu đồng/m2. Giá đất đến nay đã sụt giảm nhiều và trên địa bàn gần như rất ít dự án bất động sản được triển khai. Một số dự án cạnh lô đất của Thuận Thảo được rao bán với giá trên dưới 5 triệu đồng/m2. Với mức này, lô đất của Thuận Thảo có giá khoảng 830 tỷ đồng.
Trong khi đó, lô đất thứ hai ở khu phố 4 nằm xuôi theo đường Nguyễn Hữu Trí về phía Quốc lộ 1. Lô đất này nằm trong quy hoạch khu dân cư thị trấn Tân Túc - phần còn lại phía Bắc.
Các lô đất diện tích lớn ở khu vực này hiện được rao bán với giá từ 1,5-2 triệu đồng/m2. Quy đổi mức giá này, lô đất rộng hơn 5,4ha của Thuận Thảo có giá khoảng 108 tỷ đồng.
Như vậy, với mức giá khởi điểm đấu giá được đưa ra, cộng với nhận định của một số chuyên gia thì thị trường bất động sản ở Tân Túc rất khó sôi động trong ngắn hạn, thì có thể hiểu được phần nào nguyên nhân ế ẩm của khối tài sản này. Và rất có thể, lý do này tiếp tục trở thành trở ngại lớn nhất của phiên đấu giá vào tháng 9 tới.
Thuận Thảo cũng là chủ đầu tư nhiều công trình biểu tượng tại mảnh đất này như Resort&Spa Golden Beach, khu vui chơi giải trí Thuận Thảo Land, Khách sạn 5 sao Cendeluxe – khách sạn 5 sao đầu tiên và duy nhất của Phú Yên hiện nay, nhà hát Sao Mai...
Nhờ những thành công trên, từ năm 2006 - 2011, bà Võ Thị Thanh liên tục nhận được giải thưởng Nữ doanh nhân Việt Nam tiêu biểu - cúp Bông hồng Vàng. Đây là giải thưởng do phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trao nhằm ghi nhận, tôn vinh phụ nữ Việt Nam nói chung, doanh nhân nữ Việt Nam nói riêng đã có những thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh và đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội.
Nhưng cũng chính vì đầu tư dàn trải vào bất động sản, Thuận Thảo Nam Sài Gòn ráo riết vay mượn vốn ngân hàng, đối tác, đổ tiền vào các dự án bất động sản, dẫn đến tình trạng không còn vốn lưu động để sản xuất và tình hình tài chính mất cân đối.
Hậu quả là công ty vẫn đối mặt với hàng loạt khó khăn như tài sản xuống cấp trầm trọng nhưng không tiếp cận được nguồn vốn đầu tư nâng cấp, một số dự án như khu du lịch sinh thái, khách sạn 5 sao… có tiêu chuẩn quá tầm so với thị trường địa phương nên doanh thu bèo bọt. Ngoài ra, việc tái cấu trúc cũng chưa được như kỳ vọng khi các khoản chi phí bất biến như tiền lương, khấu hao, quản lý doanh nghiệp còn quá cao.
Cuối cùng, hệ quả tất yếu là công ty của "bông hồng vàng" Phú Yên Võ Thị Thanh bị ngân hàng BIDV xiết nợ hàng loạt bất động sản tại TP.HCM để đấu giá cùng với lô cổ phiếu của bà chủ nằm trong tay ngân hàng.