Sáng nay, Bộ Công Thương đã có cuộc họp với cấp trên về việc điều chỉnh tăng giá điện vào thời gian tới.
Ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết Bộ này đã lên phương án tăng giá điện với "mức tăng trên 8%" ngay trong tháng 3 này.
Cụ thể, giá điện sẽ tăng 8,36% đưa giá bán lẻ điện bình quân từ 1.720 đồng.kWh lên 1.864 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT). Bộ này cũng khẳng định, phương án giá điện đã được tính toán "để đảm bảo phương án tăng giá không ảnh hưởng tới CPI, GDP...". Thời gian cụ thể chưa được chốt, nhưng theo nhiều nguồn tin thì có thể là ngay trong tuần tới.
Lần tăng giá điện gần nhất là tháng 12/2017, với mức tăng 6,08%, đưa giá bán lẻ điện bình quân lên 1.720,65 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT). Hiện tại, đại diện EVN cho biết đã xây dựng báo cáo đánh giá, tính toán giá chi phí để làm cơ sở tăng giá điện.
Thứ trưởng bộ Công Thương cho biết việc điều chỉnh giá điện là biện pháp để lành mạnh hóa tài chính của ngành điện. Ông Vượng cho rằng theo quy định lẽ ra năm 2018 phải có lần điều chỉnh giá điện nhưng tính tới cân đối kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát… nên chưa điều chỉnh giá bán lẻ điện.
Bộ Công Thương phối hợp với Tổng cục Thống kê tính toán cho thấy việc tăng giá điện 8,36% sẽ làm giảm GDP 0,22%, và làm CPI tăng thêm 0,29%.
Trước đó vào ngày 30/11/2018, bộ Công Thương đã công bố chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2017 của EVN. Cụ thể, giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2017 là 1.667,77 đồng/kWh, tăng 0,15% so với năm 2016.
Tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2017 là 291.278,46 tỷ đồng (thu nhập từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định và vật tư thu hồi, thu nhập từ hoạt động cho thuê cột điện đã được tính giảm trừ trong chi phí sản xuất kinh doanh điện).
Chi phí sản xuất kinh doanh điện tại các huyện, xã đảo khu vực chưa nối lưới điện quốc gia được hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2017. Tổng khoản bù giá cho chi phí sản xuất kinh doanh điện tại các xã, huyện đảo này là 184,33 tỷ đồng.
Doanh thu bán điện năm 2017 là 289.954,78 tỷ đồng; tương ứng giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện là 1.660,19 đồng/kWh.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết chi phí đầu vào cho sản xuất điện, trong đó có than đá, dầu tăng giá, nguồn khí cấp cho phát điện cũng đã đến giới hạn khai thác... Giá điện không được điều chỉnh đã gây khó khăn cho hiệu quả kinh doanh và hoạt động của ngành điện hiện nay và năm 2019.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng An cũng dự báo hiện tượng El Nino vào năm 2019 gây hạn hán, ảnh hưởng tới việc tích nước và hoạt động của các nhà máy thủy điện. Các khoản chênh lệch tỷ giá còn lại chưa phân bổ của EVN vào giá thành sản xuất kinh doanh điện cũng là áp lực đối với EVN.
Để bảo đảm EVN kinh doanh có lãi, tăng cường tiềm lực tài chính đầu tư vào phát điện, bộ Công Thương đã triển khai xây dựng kịch bản điều hành giá bán lẻ điện của năm 2019. Được biết, theo Quyết định 24 của Thủ tướng, phương án tăng giá điện trong khung 5-10% sẽ thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ Công Thương.
Đình Văn