Theo báo Tuổi Trẻ, so với danh sách kèm quyết định về việc thành lập Hội đồng trường Trường ĐH Kinh tế TP.HCM nhiệm kỳ 2016-2021 do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành ngày 8/5/2017 thì danh sách này hiện đăng trên website của trường ít hơn hai thành viên (chỉ còn lại 23 thành viên) và không có tên ông Tề Trí Dũng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, Tiến sĩ Trần Thế Hoàng - Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - cho biết mới đây, Bộ GD&ĐT có văn bản yêu cầu các trường ĐH, trong đó có Trường ĐH Kinh tế TP.HCM thực hiện kiện toàn Hội đồng trường.
Theo đó, Hội đồng trường đã xóa tên ba thành viên, đưa khỏi danh sách ba thành viên nhiệm kỳ 2016-2021, trong đó có ông Tề Trí Dũng - phụ trách hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Phát triển Công nghiệp Tân Thuận.
"Hội đồng trường đã họp, bỏ phiếu có nghị quyết thông qua danh sách kiện toàn này vào tuần trước. Ông Tề Trí Dũng trước đây là thành phần bên ngoài, đại diện doanh nghiệp được mời vào Hội đồng trường, nhưng nay ông Dũng ít có điều kiện tham gia nên rút khỏi Hội đồng trường. Việc này không liên quan đến việc ông Tề Trí Dũng bị khởi tố bắt giam", ông Hoàng cho biết.
Trước đó, Hội đồng nhân dân TP.HCM đã có quyết định tạm định chỉ tư cách đại biểu Hội đồng nhân dân TP.HCM nhiệm kỳ 2016-2021 với ông Tề Trí Dũng - cựu Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC).
Như báo Người Đưa Tin đã phản ánh, tối 14/5, Cơ quan điều tra Công an TP.HCM đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam và khám xét nơi ở đối với ông Tề Trí Dũng.
Ông Dũng bị bắt vì hai tội danh là Tham ô tài sản và Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Tuy nhiên, chỉ trong một thời gian ngắn khi ông Tề Trí Dũng nắm quyền chi phối, hàng loạt sai phạm nghiêm trọng xảy ra tại IPC như xem thường pháp luật, kỷ luật, kỷ cương, có dấu hiệu lợi ích nhóm; sai phạm trong những “phi vụ” ném tiền qua cửa sổ; lũng đoạn tài sản nhà nước thông qua việc chuyển nhượng dự án; "phù phép" tăng vốn điều lệ…
Theo kết luận của Thanh tra Thành phố, IPC đã dùng vốn ngân sách chi cho lãnh đạo IPC đi nước ngoài, lên đến hàng tỷ đồng (trong đó, riêng 2 năm 2016 - 2017, ông Dũng đi nước ngoài 106 ngày) nhưng đến nay vẫn chưa thể hiện kết quả đạt được cho hoạt động của IPC từ các chuyến đi công tác nước ngoài, gây lãng phí tiền của nhà nước.
Ngoài ra, thời điểm ông Dũng làm Tổng Giám đốc, IPC kinh doanh thua lỗ nhiều dự án bất động sản, sai phạm trong thực hiện các dự án giao thông..
Nổi bật hơn cả là vụ chuyển nhượng 9 triệu cổ phần Công ty Sadeco (công ty con của IPC) cho Nguyễn Kim với giá rẻ, gây thất thoát ngân sách Nhà nước 153 tỷ đồng.
Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày 14/5, bà Hồ Thị Thanh Phúc - Tổng giám đốc Công ty phát triển Nam Sài Gòn - Sadeco cũng bị bắt do bị cáo buộc là đồng phạm của nguyên Tổng giám đốc IPC Tề Trí Dũng.
Theo đó, VKSND TP HCM cho biết đã phê chuẩn lệnh bắt tạm giam 4 tháng bà Hồ Thị Thanh Phúc về hành vi Tham ô tài sản và Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí.
Sadeco có trụ sở huyện Bình Chánh, được thành lập vào tháng 6/1994 hoạt động trong lĩnh vực xây dựng công nghiệp, dân dụng, cơ sở hạ tầng, tư vấn lập dự án đầu tư, kinh doanh bất động sản, sàn giao dịch bất động sản, kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch...
Công ty này có một "sứ mệnh đặc biệt" trong chiến lược phát triển của TP HCM vào những năm đầu thập niên 1990 - triển khai quy hoạch Khu đô thị mới Nam thành phố. Khi trở thành công ty cổ phần, năm 2015 Sadeco có vốn điều lệ khoảng 170 tỷ đồng, trong đó riêng IPC có tỷ lệ vốn góp gần 75%.
Tuy nhiên, bà Phúc đã cùng với ông Dũng và đồng phạm tổ chức bán rẻ 9 triệu cổ phần Sadeco cho Điện máy Nguyễn Kim (phớt lờ chỉ đạo không được giảm sở hữu của IPC tại Sadeco của UBND TP.HCM), gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước khoảng 153 tỷ đồng.
H.Y (tổng hợp)