Quanh các ý kiến tranh luận chuyện Nick đến Việt Nam, tôi thấy thấp thoáng có nhắc đến thầy Ký (Nguyễn Ngọc Ký) và một số gương vượt khó trong người Việt.
Tôi là người biết thầy Ký ngoài đời thật. Tôi thấy đây là một người thầy đúng nghĩa, một người có tri thức cao và tinh thần vượt khó. Thầy cũng có tài diễn thuyết, tức là không kém Nick (theo nhận xét của tôi, thầy Ký còn có phần nhỉnh hơn về tài năng), nhưng sức lan tỏa của thầy thì không bằng Nick.
Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký viết thơ tặng hội nhà văn TPHCM trong một buổi đấu giá từ thiện. Ảnh: A.V |
Tôi có thể biết đến thầy nhưng nhiều người ở rất gần nhà thầy thôi, cũng không biết thầy là ai. Lâu lâu mới thấy một mẩu báo nhỏ tí viết về thầy (mà thường là báo nội bộ về giáo dục). Như vậy, sức lan tỏa trong cộng đồng rất ít.
Tại sao thầy Ký không nổi tiếng như Nick? Tôi cho lý do chính là sự quan tâm của xã hội.
Chúng ta cũng thấy người tàn tật chưa được quan tâm đúng nghĩa. Với khoản trợ cấp ít ỏi thì những người như thầy Ký vẫn phải chật vật mưu sinh, không còn thời gian để đầu tư cho "sự nổi tiếng".
Còn xã hội, liệu mọi người đã quan tâm đúng mức chưa, hay chỉ dừng ở mức cảm phục hoặc tệ hơn: thương hại?
Với Nick chẳng hạn, anh có trợ cấp lớn của chính phủ. Đi học hay đi làm đều được ưu đãi. Người chăm sóc anh còn có tiền phụ cấp. Nhà hàng siêu thị ở nước ngoài đều có nhiều tiện nghi hỗ trợ cho những người tàn tật.
Xã hội quan tâm đúng mức thì tôi tin, chúng ta sẽ có những Nick chính hiệu Việt Nam thôi.
Bàn về 36 tỷ đồng chi phí đưa Nick Vujicic sang Việt Nam? Tôi cho là quá rẻ. Với 36 tỷ, những người bất hạnh, nghèo có thể sẽ có thêm một bữa ăn ngon, hay thậm chí một ngày ăn ngon, nhưng sau những ngày đó là gì? Vẫn là sự thiếu quan tâm của xã hội, vẫn cố sống với tâm trạng nặng nề.
Nick đến đem cho họ 2 thứ: niềm tin vào cuộc sống và sự quan tâm của xã hội. Niềm tin vào cuộc sống thì ai cũng thấy, Nick có thể thì mọi người cũng có thể. Niềm tin đó sẽ tồn tại trong họ không chỉ 1, 2 ngày mà sẽ là động lực để họ tiến lên phía trước. Theo tôi nó có ý nghĩa hơn 1, 2 bữa ăn rất nhiều.
Sự quan tâm của xã hội thì ai cũng rõ, ngay những tranh cãi ở đây cũng cho thấy xã hội đã quan tâm hơn. Sức lan tỏa của Nick đã rõ ràng có ảnh hưởng.
Người nước ngoài hay người Việt Nam cũng được, miễn là họ góp sức cho xã hội, làm cho cuộc sống mọi người tốt đẹp hơn thì đáng được trận trọng. Và tôi cho là Nick xứng đáng có được sự tôn trọng của mọi người vì những đóng góp cho xã hội (đóng góp của anh cho Việt Nam sau buổi diễn thuyết này tôi nghĩ còn hơn rất nhiều người bình thường như chúng ta dù đang sống ở đất nước này).
Hãy suy nghĩ thoáng hơn, đừng đếm cua trong lỗ và hãy tôn trọng những gì Nick (hay bất kỳ ai khác) làm được cho Việt Nam, cho xã hội.
Lên 4 tuổi, Nguyễn Ngọc Ký bị liệt 2 tay, 7 tuổi tập viết bằng chân. Cả chặng đường tuổi thơ của ông chỉ có một ước mơ duy nhất là quyết chí đi học để được như những người bình thường. Và ông đã vượt lên sự run rủi của số phận, trở thành một nhà giáo ưu tú viết bằng chân. Ông được mời đi giao lưu, giáo dục lẽ sống và bồi dưỡng lòng ham học cho nhiều thế hệ trẻ trong cả nước. 1.500 buổi nói chuyện tại các THCS, THPT, THCN, cao đẳng, đại học trong cả nước là một con số mà nhiều người thày "nằm mơ" cũng không thấy. Hiện ông đã ngoài 60 tuổi, đang sống ở quận Gò Vấp, TP HCM. |
Theo Vnexpress.net