“Nóng” ngoài thị trường, “nguội” trên sàn đấu thầu
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thực hiện giải pháp đấu thầu vàng nhưng trái với kỳ vọng, diễn biến trên sàn đấu thầu trái ngược hoàn toàn với diễn biến của thị trường vàng bên ngoài- "bên nóng, bên lạnh".
Thực tế cho thấy, thị trường khi vàng miếng liên tục tăng giá và thiết lập các kỷ lục mới 87,5 triệu đồng/ lượng trong khi các đơn vị tham gia đấu thầu vẫn có thái độ khá dửng dưng.
Cụ thể, trong lần đấu thầu đầu tiên, các doanh nghiệp không kịp chuyển tiền đặt cọc vì thông báo mời thầu được gửi sát giờ đóng cửa của các ngân hàng nên phiên đấu thầu bị hủy.
Phiên đấu thầu thứ hai được tổ chức thành công nhưng chỉ có 2/11 đơn vị trả giá với khối lượng trúng thầu 3.400/16.800 lượng vàng miếng gọi thầu.
Trong phiên đấu thầu lần thứ ba, Ngân hàng Nhà nước chào thầu 16.800 lượng vàng miếng nhưng lại tiếp tục bị hủy do chỉ có một đơn vị nộp phiếu dự thầu. Tương tự, phiên đấu thầu thứ tư cũng bị hủy do chỉ có duy nhất một đơn vị tham gia.
Trong phiên đấu giá mới nhất sáng 8/5, Ngân hàng Nhà nước đã thông báo, có 3 đơn vị trúng thầu với tổng khối lượng là 34 lô, tương đương 3.400 lượng vàng. Giá trúng thầu cao nhất trong buổi đấu thầu là 86.050.000 đồng/lượng và giá trúng thầu thấp nhất là 86.050.000 đồng/lượng.
Như vậy, sau 5 phiên đấu thầu, chỉ có 2 phiên tổ chức thành công với tổng lượng vàng bán qua kênh đấu thầu là 6.800 lượng vàng.
Dù được đặt nhiều kỳ vọng và đã từng có tiền lệ nhưng vì sao các phiên đấu thầu vàng lại liên tiếp bị hoãn hoặc nếu có diễn ra thì kết quả cũng không như mong đợi? Theo ý kiến của một số chuyên gia, nguyên nhân chính là do giá tham chiếu mà Ngân hàng Nhà nước công bố không thấp hơn giá giao dịch trên thị trường. Điều này đã khiến doanh nghiệp phải rất thận trọng vì phải tính toán, bảo đảm lợi nhuận sau khi trúng thầu.
Các chuyên gia cũng nhìn nhận, việc tăng cung vàng miếng ra thị trường thông qua đấu thầu để kéo giảm giá là giải pháp cần thiết và hữu hiệu trong trước mắt. Tuy nhiên, để các phiên đấu thầu tiếp theo không bị hủy, vấn đề đặt ra là cần điều chỉnh lại mức giá tham chiếu. Bởi như ý kiến của một chuyên gia thì muốn hạ mức giá chênh lệch nhưng lại đưa giá tham chiếu cao thì mâu thuẫn với mục đích. Phải đưa giá tham chiếu thấp hơn giá thị trường mới có thể kéo giá vàng xuống. Trường hợp Ngân hàng Nhà nước vẫn đấu thầu như một đơn vị kinh doanh thay vì vai trò cơ quan quản lý can thiệp thị trường thì mục tiêu kéo gần với thế giới là rất khó.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), nguyên nhân dẫn tới việc đấu thầu chưa thành công là do giá khởi điểm để đặt cọc đấu thầu đã bị thay đổi sát giờ. Nghĩa là nguyên tắc đấu thầu đã bị thay đổi, chính lẽ đó, những người tham gia đấu thầu có tâm lí hụt hẫng. Đến cuối có ít đơn vị tham gia đấu thầu. Lý do thứ hai là do giá vàng khởi điểm đấu thầu cao hơn giá vàng trên thị trường. Như vậy, sau khi đấu thầu, giá vàng chắc chắn sẽ tăng cao hơn nữa, đi ngược lại với mục đích kéo giá vàng đi xuống. Thêm nữa, 2 ngày sau khi đấu thầu thành công Ngân hàng Nhà nước mới giao vàng cho doanh nghiệp. Vậy nghĩa là, Ngân hàng Nhà nước không lấy vàng từ kho bạc mà phải mua vàng tài khoản, chuyển thành vàng vật chất để giao vàng. Trong khi đó, những doanh nghiệp vàng thường kinh doanh theo kiểu thiếu bao nhiêu mua bấy nhiêu, mua bao nhiêu bán ra bấy nhiêu, chứ không đầu cơ, tích trữ.
Vị chuyên gia này cho rằng, việc không giao vàng ngay sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro với doanh nghiệp. Đó cũng có thể là lý do doanh nghiệp kinh doanh vàng không còn mặn mà với đầu thầu.
Đẩy giá vàng miếng lên cao để bán vàng nhẫn?
Ông Phạm Viết Thuận - Viện trưởng Viện kinh tế Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM cho biết, khi tham đấu thầu thì mục tiêu của các doanh nghiệp là lợi nhuận. Do đó, lợi nhuận đó nếu không đạt theo kỳ vọng thì cũng khó thu hút để họ tham gia. Trong khi đó, TS.Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế cho biết, các doanh nghiệp kinh doanh vàng họ cũng chưa thực sự thiếu vàng SJC như chúng ta tưởng.
Mặc dù vậy, thời gian qua đúng thời điểm NHNN tổ chức các đợt đấu thầu thì thị trường cũng đối diện với một số biến động khác, đặc biệt là dòng tiền đã có xu hướng khan hiếm hơn so với thời điểm đầu năm 2024.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh băn khoăn, thị trường có hơn 15 đầu mối kinh doanh vàng nhưng chỉ có khoảng 3-4 đầu mối lớn đang chi phối thị trường, ai là người quyết định mức giá 86-87 triệu đồng/lượng vàng như hiện nay?
Theo vị chuyên gia này, cơ quan quản lý phải tìm ra nguyên nhân và trả lời cho việc vì sao giá vàng ngoài thị trường cao, đấu thầu lại “ế”.
Ông Ánh nhận định, giá vàng nhẫn Việt Nam đang chênh với giá thế giới khá nhiều. Thời gian gần đây, khi giá vàng miếng SJC tăng cao, xu hướng người dân chuyển qua mua vàng nhẫn, đã dẫn tới thị trường khan hiếm mặt hàng này. Phải chăng người ta đang đẩy giá vàng miếng SJC lên cao để bán vàng nhẫn? Hiện tượng vàng miếng SJC bị "chê" như vừa rồi rất có thể là do người ta đẩy giá vàng SJC lên cao một cách vô lý và không mặn mà với việc đấu thầu vàng để tiêu thụ vàng nhẫn. Và đó mới là mục tiêu kinh doanh của họ.
Trước sự biến động mạnh của giá vàng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.HCM vừa có văn bản gửi các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được phép kinh doanh vàng miếng trên địa bàn Tp.HCM về việc chấp hành quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Theo đó, các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được phép kinh doanh mua bán vàng miếng theo quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường của Chính phủ; chấp hành nghiêm các quy định khác về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Chấp hành nghiêm chế độ hóa đơn, chứng từ theo quy định của Bộ Tài chính; tuân thủ pháp luật về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.
"Thường xuyên nắm bắt thông tin, theo dõi chặt chẽ diễn biến hoạt động mua, bán vàng miếng tại các địa điểm kinh doanh mua bán vàng miếng của đơn vị, để bảo đảm chấp hành đúng quy định. Niêm yết công khai tại địa điểm giao dịch về giá mua và giá bán vàng miếng", ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.HCM nói.
M.Vy (tổng hợp)