Vụ cháy quán karaoke trên đường Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội) khiến 13 người tử nạn ngày 1/11 vừa qua đã đặt ra rất nhiều vấn đề về an toàn PCCC trong các quán karaoke. PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với Đại tá, PGS.TS NGND Ngô Văn Xiêm - nguyên Phó hiệu trưởng trường ĐH Phòng cháy chữa cháy để làm rõ thêm vấn đề.
Thưa PGS, vụ cháy quán karaoke trên đường Trần Thái Tông từ lúc xảy ra đến giờ đã được báo chí và người dân thông tin rất nhiều, ông có nhận định ban đầu gì về vụ việc?
Hiện, cơ quan điều tra đang xác định nguyên nhân vụ cháy. Chắc chắn họ sẽ đưa ra các giả thuyết rồi dựa trên cơ sở những bằng chứng có được, bằng phương pháp loại trừ sẽ đưa ra kết luận sau cùng là do đâu. Trong lúc này, chúng ta vẫn phải chờ đợi.
Về hậu quả của vụ cháy, số lượng người thương vong, thiệt hại về tài sản thì quá rõ rồi. Cũng may là vụ cháy đã được khống chế để không tiếp tục lây lan sang những căn hộ bên cạnh. Tôi rất lấy làm đau lòng và chia sẻ với gia đình những nạn nhân trong vụ cháy.
Đây không phải lần đầu tiên xảy ra các vụ cháy quán karaoke gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Theo PGS, nguyên nhân nào có thể dẫn đến cháy trong các trường hợp này?
Theo tôi, các quán karaoke hiện nay ẩn chứa nhiều nguy hiểm về cháy nổ, với nhiều mức độ khác nhau.
Với những quán mới xây dựng, rất hoành tráng, rất đẹp, tôi đã khảo sát, thậm chí đến các phòng hát này rồi. Tuy nhiên, vì đặc thù riêng, các phòng hát này có rất nhiều vật liệu có thể gây cháy như vải, da, nỉ, thảm nilon, lớp cách âm bằng vật liệu dễ bắt cháy…
Bên cạnh đó, nguồn nhiệt có thể gây cháy như ngọn lửa trần từ bật lửa, diêm, mẩu thuốc lá rất nhiều. Các quán hát cho phép hút thuốc vô tội vạ. Kiểm soát cái này cũng khó.
Thứ nữa là nguồn nhiệt điện. Hệ thống điện ở các quán này sử dụng công suất rất lớn nhưng không biết hệ thống dây dẫn có chọn đúng không. Đặc biệt là ở những mối nối đấu điện, nhiệt rất lớn do điện trở cao, nhiệt lớn sẽ làm nóng chảy lớp bảo vệ ra bên ngoài, dẫn đến chập, nổ. Nếu ở vị trí kín thì khó phát hiện, khi cháy lớn rồi thì khó dập, cộng thêm các vật liệu dễ bắt cháy nữa thì…
Còn đối với những quán karaoke cũ được xây dựng cách đây chừng 10 năm, sử dụng liên tục, ngày nào cũng tối đa công suất như vậy thì việc lão hóa của hệ thống điện sẽ diễn ra rất nhanh, làm mất đi khả năng cách điện, cách nhiệt, dẫn đến nguy cơ cháy hỏng cao.
Tôi ví dụ chiếc bảng quảng cáo phía trước quán. Lúc mới làm thì an toàn, chất lượng cao, nhưng 10 năm sau, hệ thống dây điện vì gió, mưa và những yếu tố khác khiến khả năng cách điện mất đi.
Đây là những nguyên nhân có thể dẫn đến cháy, nổ trong các quán xá, nhà hàng. Tôi cũng đã nói rất nhiều trên báo chí nhưng dường như lại ít người quan tâm. Sao kỳ lạ vậy?
Vụ cháy vừa qua thương vong rất lớn. Một số người thoát nạn còn thừa nhận, lúc vụ cháy mới xảy ra, họ còn không biết lối thoát hiểm ở đâu. PGS nhận định gì về điều này?
Vấn đề thoát nạn khi có sự cố xảy ra, đặc biệt trong những trường hợp cháy nổ cũng là vấn đề rất nan giải. Tôi nhớ vụ cháy trung tâm thương mại ITC ở TP.HCM năm 2002 khiến 60 người chết và 70 người bị thương chỉ trong vài chục phút. Những người thoát nạn sau vụ cháy cũng phải thừa nhận, trước đấy, họ đến làm việc hàng ngày nhưng chỉ biết bấm thang máy, thang bộ thoát nạn, đường đi lối lại ở đâu hoàn toàn không biết. Ở đây cũng thế, với các cơ sở karaoke nhiều tầng, người ta cứ đi vào, bấm thang máy là xong chứ không nghĩ đến việc nếu có sự cố thì chạy theo hướng nào.
Tôi phải nói thêm về khả năng sử dụng bình chữa cháy của người dân. Đọc báo, thấy có chi tiết người bảo vệ lấy bình chữa cháy để dập lửa nhưng không biết phải sử dụng như thế nào. Vậy thì làm sao mà dập lửa được?
Người dân không biết thì cơ quan chức năng, cơ quan quản lý, cơ quan phụ trách về PCCC phải chỉ, phải có những hướng dẫn cho người dân khi đến các cơ sở này phải như thế nào.
Tôi nói như vụ cháy chung cư vừa qua ở Linh Đàm, khói như thế, người ta còn biết cách chạy sang ngách bên cạnh để xuống kịp. Cái quan trọng là người dân có quan tâm tới vấn đề PCCC không. Nếu quan tâm sẽ ứng xử đúng và kịp thời, hậu quả chắc chắn sẽ ít hơn rất nhiều lần.
Như PGS có đề cập ở trên, người dân hiện nay đang thiếu khả năng ứng xử với các sự cố nguy hiểm, vậy, theo ông cần có những đổi thay gì để cải thiện tình trạng trên?
Tôi nhấn mạnh ở đây là kỹ năng sống chứ không chỉ là khả năng thoát hiểm. Phải dạy như thế nào để người ta có thể sống được trong mọi hoàn cảnh.
Tôi lấy ví dụ vụ cháy quán karaoke ở Giảng Võ năm 2014 khiến 5 người chết. Sau vụ cháy, tìm hiểu thêm thì có những trường hợp khiến giới chuyên môn khá “choáng” như việc các nhân viên thấy cháy thì chạy vào nhà tắm, xả nước ra, nghĩ như thế là an toàn rồi. Thế nhưng, họ có nghĩ đến khói độc vẫn sẽ xộc vào? Mà nguyên nhân dẫn đến tử vong trong các vụ cháy, đa phần là do khói độc chứ không hoàn toàn là do lửa.
Như ở trường tôi (ĐH PCCC- PV), cũng đang triển khai chương trình đến các trường học để phổ biến các kỹ năng này. Cần phải dạy từ độ tuổi các cháu còn nhỏ các kỹ năng sống cần thiết. Còn người lớn thì cũng phải quan tâm chứ không thể có chuyện cứ nghĩ cháy là ở đâu đâu, không thể xảy ra với khu nhà mình, với nơi mình làm việc.
Tôi rất mong, sau những vụ việc thương tâm kể trên, người dân và cơ quan chức năng sẽ có những suy nghĩ và hành động thay đổi đối với việc đảm bảo an toàn PCCC để không còn diễn ra những vụ việc như vậy nữa.
Xin cảm ơn PGS!
Đỗ Huệ (thực hiện)