Vì sao Thừa Thiên-Huế gặp khó trong sử dụng tiền trồng rừng thay thế?

Vì sao Thừa Thiên-Huế gặp khó trong sử dụng tiền trồng rừng thay thế?

Thứ 6, 20/09/2024 20:40

Những vướng mắc, khó khăn trong việc tiếp nhận, quản lý, phân bổ và sử dụng tiền trồng rừng thay thế trong thời gian qua ở Thừa Thiên-Huế.

Ngày 20/9, thông tin từ HĐND tỉnh Thừa Thiên-Huế, Đoàn giám sát Ban pháp chế HĐND tỉnh vừa có buổi làm việc với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh về việc chấp hành pháp luật trong triển khai thực hiện trồng rừng thay thế trên địa bàn tỉnh từ năm 01/01/2020 - 30/6/2024.

Vì sao Thừa Thiên-Huế gặp khó trong sử dụng tiền trồng rừng thay thế?- Ảnh 1.

Lãnh đạo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên-Huế báo cáo với Đoàn giám sát Ban pháp chế HĐND tỉnh.

Tại buổi làm việc, đại diện Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có báo cáo về những vướng mắc và khó khăn trong việc tiếp nhận, quản lý, phân bổ và sử dụng tiền trồng rừng thay thế trong thời gian qua.

Cụ thể, về khó khăn vướng mắc trong chậm nộp tiền trồng rừng thay thế, theo lãnh đạo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên-Huế, tổng dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng trên địa bàn tỉnh phải nộp tiền trồng rừng thay thế vào quỹ là 188 dự án với tổng diện tích phải nộp tiền là 2.587,159ha, tổng số tiền phải nộp 221.288.121.080 đồng.

Tại thời điểm hiện tại đã có 180 dự án đã nộp tiền vào Quỹ với tổng diện tích đã nộp tiền trồng rừng thay thế là 2.51,666ha. 

Còn lại có 8 dự án chưa nộp tiền vào Quỹ với số tiền phải nộp là 10.093.144.000 đồng, diện tích tương ứng phải nộp tiền là 69.493ha (trong đó có 05 dự án chưa nộp tiền vì UBND tỉnh phê duyệt từ tháng 06/2024 và có 03 dự án chậm nộp tiền).

Theo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên-Huế, việc quy định về nộp tiền trồng rừng thay thế được quy định lần đầu tại Thông tư số 204/2013/TT-BNNPTNT ngày 06/5/20213 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, nhưng từ đó đến nay pháp luật không quy định chế tài xử lý vi phạm chậm nộp hoặc không nộp tiền trồng rừng thay thế nên đã ảnh hưởng đến hiệu lực hiệu quả của quy định này trong thực tiễn.

Cũng theo báo cáo từ Quỹ này, tổng kinh phí chưa bố trí thực hiện trồng rừng thay thế đến thời điểm hiện tại là 60,322 tỷ đồng. Trong đó số tiền UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có văn bản thống nhất chủ trương điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư là 5,405 tỷ đồng; số tiền UBND tỉnh đã có văn bản thống nhất chủ trương bố trí kinh phí trồng rừng thay thế nhưng chưa có quyết định phê duyệt thực hiện là 41.884 tỷ đồng (số tiền này đã bao gồm số tiền 28,319 tỷ đồng Đoàn kiểm toán nhà nước kiến nghị chuyển nộp Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam theo quy định).

Đại diện Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, quy định của pháp luật về nguồn kinh phí trồng rừng thay thế đã thu quá 12 tháng mà không có kế hoạch sử dụng thì phải chuyển về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam để chuyển đến địa phương khác có nhu cầu trồng rừng thay thế. 

Đây là số tiền lớn, tuy nhiên, đã mấy lần Quỹ ban hành văn bản đề nghị nhưng vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam về cách thức nộp trả. Vì vậy, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh gặp khó khăn trong việc tham mưu xử lý số tiền 28,319 tỷ mà Đoàn kiểm toán nhà nước khu vực 2 đã nêu tại Thông báo số 57/TB-KVII ngày 18/12/2023.

Tại buổi làm việc, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên-Huế đã đề nghị Đoàn giám sát Ban pháp chế HĐND tỉnh có những kiến nghị đối với cơ quan có thẩm quyền để tháo gỡ những khó khăn nói trên, góp phần giúp đơn vị hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, phân bổ, sử dụng tiền trồng rừng thay thế trong thời gian đến.

Lê Kông

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.