Ba yếu tố quan trọng
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hoàng Minh Sơn nêu thực trạng: Tính quy mô trung bình 6.000 - 7.000 sinh viên/trường là khá thấp; mặc dù cơ sở giáo dục đại học nhiều.
Cụ thể, có 3 yếu tố quan trọng tác động vào tỷ lệ trên:
Thứ nhất, giáo dục đại học cũng là một ngành dịch vụ. Nhu cầu của thị trường kinh tế xã hội với nguồn nhân lực trình độ cao đại học, sau đại học không được như các nước khác. Yêu cầu về số lượng, chất lượng trình độ, cơ cấu trình độ cho thấy số lượng quy mô đào tạo đại học, sau đại học, đặc biệt tỉ lệ đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ thấp gấp nhiều lần.
Thứ hai là nguồn cung của các cơ sở giáo dục đại học. Cụ thể là về năng lực đào tạo và chất lượng đào tạo. Năng lực ở đây hạn chế bởi nguồn lực của con người, cơ sở vật chất và nguồn lực tài chính bó hẹp khiến không tăng nhanh số lượng. Yếu tố quan trọng nữa là chất lượng đào tạo. Chất lượng cơ sở giáo dục đại học chưa đồng đều. Mặc dù, chất lượng các cơ sở giáo dục đại học đã có nhiều chuyển biến trong thời gian qua nhưng thực tế lại chưa đáp ứng được.
Thứ ba là người học luôn cân nhắc chi phí và lợi ích đạt được. Lựa chọn học trường này trường kia, đi học trong nước hay ngoài nước, chọn trường đại học hay học trường nghề… Đặc biệt, quay lại chất lượng, người học chưa tin tưởng chất lượng thì số lượng không tăng được.
Trong khi đó, GS.TSKH Đặng Ứng Vận, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Văn phòng Chính phủ cũng chỉ ra nguyên nhân tỉ lệ sinh viên so với toàn dân ở Việt Nam thấp. Trong đó ông nhấn mạnh đến sức hấp dẫn của giáo dục đại học với thế hệ trẻ giảm sút. Trước đây, nhiều người thi đại học nhưng một người đỗ, được vào đại học là vinh hạnh rất lớn. Còn hiện nay sinh viên vào trường không thấy háo hức như trước, học thế nào cũng vào được đại học, không trường top đầu thì sẽ vào các trường top trung hoặc thấp hơn. Điều này làm giảm động lực học tập của các em học sinh.
"Đáng lo ngại hơn là khi các em vào trường mà không có động lực học tập, không mặn mà với việc học thì sẽ rất khó khăn. Cùng với đó, mức lương sinh viên tốt nghiệp ra trường được trả quá thấp, như ngành giáo dục mầm non vẫn chỉ trả lương trung cấp, vậy thì làm sao có thể có cơ cấu giáo dục mầm non tốt?", chuyên gia nói.
Bên cạnh đó, sức tiêu thụ các sản phẩm giáo dục đại học hiện nay không cao, vì chúng ta vẫn tăng trưởng dựa trên lao động giá rẻ, đồng thời là các ngành công nghiệp phụ thuộc như gia công, lắp ráp.
Còn với những ngành công nghiệp cao cấp hơn, chúng ta chưa có các doanh nghiệp mang tính quyết định nền kinh tế như Samsung, Apple... mà chủ yếu vẫn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nếu đã là doanh nghiệp nhỏ và vừa thì mỗi doanh nghiệp có một nhu cầu nhân lực riêng, trường đại học khó có thể đáp ứng được.
Tỉ lệ học đại học ở Việt Nam vẫn còn thấp so với khu vực
Theo số liệu 2021 tỉ lệ tiếp cận đại học của Việt Nam còn rất thấp so với khu vực. Tại Hàn Quốc là 300-600 sinh viên nhập học/ vạn dân. Trong khi Việt Nam đến nay nếu chỉ tính sinh viên đại học là 185 sinh viên/vạn dân, tính cả cao đẳng thì 200 sinh viên nhập học/ vạn dân.
Báo cáo vừa được các chuyên gia của World Bank (Ngân hàng Thế giới) thực hiện và công bố trong tháng 8/2022 chỉ ra nhiều hạn chế của giáo dục sau phổ thông, đặc biệt là giáo dục đại học ở Việt Nam.
Sau khi tính đến sự khác biệt về thời lượng học tập giữa các quốc gia, nhóm nghiên cứu nhận thấy số năm đi học bình quân của Việt Nam là 10,2 năm, chỉ đứng sau Singapore trong khối ASEAN.
Tuy nhiên, tỉ lệ nhập học giáo dục sau phổ thông của Việt Nam năm 2019 chỉ đạt 28,6%, thấp hơn so với các quốc gia trong khu vực. Trong khi đó, ở các quốc gia thu nhập trung bình cao, tỉ lệ nhập học giáo dục sau phổ thông đạt bình quân 55,1%.
Theo các chuyên gia World Bank, điều này cho thấy trong số khoảng 6,9 triệu người thuộc độ tuổi đi học các chương trình sau phổ thông, chỉ có hơn 2 triệu người nhập học.
Tuyển sinh đại học 2022 có hơn 100.000 thí sinh không nhập học
Thông tin từ Bộ GD&ĐT cũng cho thấy toàn hệ thống có hơn 300 cơ sở đào tạo (bao gồm cả phân hiệu trường đại học và trường cao đẳng), 18.000 mã xét tuyển (theo ngành đào tạo và phương thức tuyển sinh), 620.000 thí sinh đăng ký xét tuyển và 3,1 triệu nguyện vọng. Bộ GD&ĐT cũng cho rằng có những thời điểm có tới hàng trăm nghìn lượt truy cập trong cùng khoảng thời gian, việc xuất hiện một số vấn đề phát sinh hay sai sót là không thể tránh khỏi.
Từ số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, hiện vẫn còn trên 100.000 thí sinh trúng tuyển nhưng chưa xác nhận nhập học. Vì vậy, nguồn tuyển vẫn còn dồi dào cho các trường. Bộ lưu ý, những thí sinh đã xác nhận nhập học sẽ không được tham gia xét tuyển bổ sung, trừ một số trường hợp được lãnh đạo trường đại học cho phép. Thí sinh không trúng tuyển có thể tham gia xét tuyển bổ sung (từ tháng 10 đến 12) theo hướng dẫn của các trường đại học.
Trong hơn 620.400 thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung, số trúng tuyển chính thức sau đợt 1 là trên 567.000. Trong đó, hơn 3.500 thí sinh trúng tuyển cao đẳng sư phạm, đạt tỉ lệ 91,4% số với số thí sinh đăng ký xét tuyển. Các năm trước, hệ thống chỉ xử lý chung nguyện vọng theo phương thức dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT, lượng thí sinh ảo rất lớn, do thí sinh còn chọn các phương thức khác, mà hệ thống không kiểm soát được. Tỉ lệ xác nhận nhập học tối đa là 63%, riêng năm 2021 chỉ đạt 55,3% thí sinh trúng tuyển nhập học theo phương thức xét điểm tốt nghiệp THPT.
Trúc Chi (theo Tin Tức, VTC News, Tuổi Trẻ)