Chị Nguyễn Thị L. (Sinh năm 1994, quê Đắk Lắk) đã kiện chủ một thẩm mỹ viện ra tòa án quận 6, TP. HCM. Được biết, sau khi được chủ thẩm mỹ viện tiêm nửa mũi filler thì chị L. than đau, mặt mày choáng váng, ói liên tục. Dù được đưa đi cấp cứu nhưng chị này vẫn bị mù mắt.
Bác sĩ Nguyễn Chí Lân, chuyên gia thẩm mỹ nội khoa, Trung tâm chăm sóc sức khỏe Maple Healthcare cho biết trên tờ Vnexpress, phương pháp tiêm filler (còn gọi là chất làm đầy) nhằm mục đích giúp cơ thể trẻ hóa da, xóa nhăn, tạo hình thẩm mỹ. Phương pháp này ngày càng được sử dụng rộng rãi toàn thế giới. Filler ngày nay được dùng để độn cằm, nâng mũi, xóa nếp nhăn bằng cách tiêm trực tiếp vào các bộ phận này.
Ưu điểm của tiêm filler là hiệu quả nhanh, không cần phẫu thuật, không mất thời gian nghỉ dưỡng. Tuy vậy, bác sĩ Lân khuyến cáo không có phương pháp làm đẹp nào là an toàn tuyệt đối. Mọi người nên tìm hiểu kỹ trước khi quyết định làm đẹp bằng filler để tránh biến chứng.
Cũng theo bác sỹ Nguyễn Chí Lân, các trường hợp tiêm filler hỏng hoặc không may gặp phải biến chứng, có thể cứu vãn nhờ chất giải hyaluronic axit là hyaluronidase.
Đây là một enzym phân giải protein có tác dụng giảm độ nhớt mô liên kết và làm phân giải, tiêu biến axit hyaluronic, sau đó đào thải theo cơ chế tự nhiên của cơ thể. Tuy nhiên chất này chỉ hiệu quả với các ca biến chứng, nhiễm trùng nhẹ, được phát hiện sớm.
Trường hợp người thực hiện thủ thuật sai cách mà tiêm nhầm vào mạch máu, filler sẽ theo mạch máu di chuyển và xâm nhập đến các bộ phận khác rất nhanh. Không có đủ thời gian để chờ chúng tiêu biến, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Ngoài ra, chất giải hyaluronic axit không sử dụng cho các trường hợp tiêm chất làm đầy sculptra hay radiesse.
Theo bác sĩ Lân, khi có biến chứng không thể đổ lỗi hoàn toàn do filler mà còn có rất nhiều yếu tố khác như tay nghề của kỹ thuật viên kém.
T.Huế (tổng hợp)