Từ tuyên bố bộ phim hoạt hình The Simpsons đã đoán trước ông Donald Trump đắc cử Tổng thống từ tập phim năm 2000, đến những câu chuyện vô lý rằng Nữ hoàng Anh đã nói đùa về việc ám sát Tổng thống Mỹ Trump, các phương tiện truyền thông và mạng xã hội giờ đây tràn ngập “fake news” (tin tức giả) gây ra những hệ lụy không thể đo đếm theo cách thông thường.
Tuần trước, Tổng thống Trump đã công bố “Giải thưởng Tin tức giả mạo năm 2017” với các tên CNN, ABC, New York Times, Washington Post, Time và Newsweek. Theo đó, các tờ báo trên bị cho là có những bài viết “bôi nhọ và giả mạo”. Trong đó có những cáo buộc chính quyền Tổng thống Trump gây hại cho nền kinh tế Mỹ, giấu báo cáo về biến đổi khí hậu, hay cáo buộc Nga có dính líu đến đội ngũ thân tín của Tổng thống và can thiệp bầu cử.
Không phải ngẫu nhiên khi ông chủ Nhà Trắng từng nhiều lần chỉ trích báo chí, bao gồm cả những hãng tin lớn có uy tín là “fake news” (tin tức giả). Tin tức giả có thể được định nghĩa là thông tin, hình ảnh hoặc video hoàn toàn sai lệch và được cố tình tạo ra để phát tán, để gây nhầm lẫn. Tin tức giả không chỉ gây ra hậu quả cho nạn nhân, mà còn gây ra những hệ lụy lớn hơn về mặt xã hội và trở thành công cụ bị những kẻ có âm mưu xấu định hướng, dẫn dắt dư luận theo ý mình.
Một trong những ví dụ về tin tức giả là câu trả lời của nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn về vấn đề kết hôn từng nổi đình đám vào năm ngoái. Ở tuổi 60, bà Thái Anh Văn vẫn sống một mình và không có ý định kết hôn.
Khi đó các trang mạng xã hội, thậm chí một số trang tin tức đã đăng tải câu trả lời của bà Thái Anh Văn về lý do không tìm bạn đời được xem là coi thường đàn ông rằng: "Tôi không muốn mua một con lợn chỉ vì cần xúc xích". Đã có rất nhiều người tin đây là câu trả lời thật và cảm thấy nhà lãnh đạo này có vẻ gì đó coi thường đàn ông. Tuy nhiên ngay sau đó nó đã được vạch trần là thông tin giả mạo.
Vài giờ sau vụ tấn công khủng bố ở London (Anh) ngày 22/3/2017 khiến 6 người chết và 50 người bị thương, một bức ảnh ghi lại hình ảnh người phụ nữ đội khăn trùm đầu và nói chuyện điện thoại trên cầu Westminster - nơi diễn ra cuộc tấn công với vẻ mặt thờ ơ với thảm kịch đã được lưu hành rộng rãi trên các phương tiện truyền thông.
Hàng ngàn lượt chia sẻ hình ảnh trên đã chỉ trích người phụ nữ này là người Hồi giáo lãnh cảm, thậm chí là hả hê trước sự đau khổ của các nạn nhân xung quanh cô. Người phụ nữ sau đó phải đón nhận làn sóng lăng mạ đến suy sụp tinh thần khi có người còn gọi cô là “con quái vật”. Chỉ đến khi người chụp bức ảnh lên tiếng đính chính, xóa tan nghi ngờ bằng một bức ảnh chụp ngay sau đó, cô gái này mới được cư dân mạng buông tha.
Khi siêu bão Harvey tàn phá Texas, Mỹ hồi tháng 8, một lãnh tụ Hồi giáo người Canada đã trở thành nạn nhân của tin tức giả khi bị chỉ trích là đóng cửa nhà thờ Hồi giáo không cho người dân theo đạo Thiên Chúa được vào trú ẩn. Trong khi thực tế vị giáo sĩ Canada trong lời cáo buộc còn chưa từng đến Texas bao giờ. Câu chuyện này đã được chia sẻ hơn 126.000 lần trên mạng xã hội.
Vì sao chúng ta dễ tin vào fake news?
Các nhà tâm lý học đã bắt đầu hiểu lý do tại sao nhiều người trong chúng ta sẵn sàng tin vào một điều gì đó mơ hồ, chỉ vì nó phù hợp với quan điểm cá nhân mà bỏ qua những sự kiện thực tế, hoặc cảm thấy không thích nó. Một loạt các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, một thông tin giả mạo có thể dễ dàng được biến tấu để trở nên “giống như thật”, bằng cách che giấu dưới vỏ bọc của một thứ gì đó mang đến sự tin cậy.
Theo BBC, chúng ta thường dễ tin tưởng vào lời nói của một nhân vật nào đó chỉ vì họ nổi tiếng hoặc xuất hiện thường xuyên trên báo chí, truyền hình - ngay cả khi người đó rõ ràng không có chuyên môn về những điều mình đang nói. Do đó, trước khi lựa chọn một thông tin để thẩm thấu vào đầu, chúng ta nên kiểm chứng lại từ nhiều nguồn khác và tránh để những thứ “trình bày trông có vẻ chuyên nghiệp” như vậy lừa gạt.
Với mỗi thông tin truyền tải đến độc giả, hình ảnh là phần quan trọng và làm cho mọi thứ trở nên đáng tin nhất. Nhưng với công nghệ hiện đại như ngày nay, đặc biệt là sự đa năng của phần mềm xử lý ảnh photoshop, mọi hình ảnh bạn thấy hàng ngày không chứng minh được rằng chúng là những khoảnh khắc có thật.
Tờ Slate đã từng thực hiện một thử nghiệm thú vị. Họ đăng tải một số hình ảnh về các sự kiện chính trị trong quá khứ, nhưng chỉ có một vài trong đó là ảnh thật. Khi được hỏi sau đó, gần một nửa độc giả nói rằng họ đã nhớ lại những sự kiện (vốn giả mạo) thực sự xảy ra. Sau thử nghiệm này, tờ Slate khuyên rằng, chúng ta cần tìm những nguồn hình ảnh khác trước khi tin vào bằng chứng đưa ra trước mắt mình.
Cũng theo các nhà nghiên cứu, nhiều người thường quá tự tin vào sự hiểu biết của bản thân và mọi thứ trở nên trầm trọng hơn khi họ quá phụ thuộc vào chiếc điện thoại thông minh có thể truy cập kiến thức một cách vô hạn chỉ bằng vài cái lướt tay. Kết quả là, chúng ta có xu hướng đồng tình với thông tin phù hợp với quan điểm bản thân (dù là thông tin sai), trong khi bác bỏ bất cứ điều gì cảm thấy không phù hợp (dù tin tức đó chính xác).
Mũi giáo và tấm khiên
Trong khi ngay cả Mỹ vẫn đang loay hoay tìm giải pháp cho vấn đề này thì Tổng thống Pháp Emanuel Macron đã có câu trả lời của riêng mình.
Trong cuộc họp báo đầu tháng Một, nhà lãnh đạo 41 tuổi cam kết sẽ giới thiệu một dự luật vào cuối năm nay để trừng trị thẳng tay những kẻ truyền bá thông tin sai lệch. Trên thực tế ông Macron muốn mang đến một dự luật rõ ràng hơn khi Điều 27 trong luật Báo chí năm 1881 của Pháp chưa rõ ràng, khi chỉ phạt các loại thông tin sai lệch có ảnh hưởng đến công cộng.
Pháp không phải là quốc gia đầu tiên ban hành luật chống tin tức giả mạo. Vào đêm trước cuộc bầu cử liên bang Đức tháng Chín năm ngoái, Quốc hội Đức thông qua một đạo luật gọi là “NetzDG,” có hiệu lực từ đầu năm nay - trong đó yêu cầu các mạng xã hội như Facebook, Twitter và YouTube phải loại bỏ tất cả các nội dung bất hợp pháp đăng bởi người dùng, bao gồm các thông tin sai trái - trong vòng 24 giờ, hoặc phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 50 triệu euro.
Chính phủ Italia trước khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử vào tháng Ba cũng đã đề xuất một dự luật để ngăn chặn tin tức giả mạo. Ngay cả hai gã khổng lồ công nghệ là Google và Facebook mới đây cũng tuyên bố họ đang nhờ cậy rất nhiều người dùng trên nền tảng của mình để xem xét và loại bổ nội dung giả mạo, bất hợp pháp.