Vì sao tòa trả hồ sơ vụ chiếm đoạt tài sản của 6 tiểu thương ở cảng Cầu Quan?

Vì sao tòa trả hồ sơ vụ chiếm đoạt tài sản của 6 tiểu thương ở cảng Cầu Quan?

Thứ 4, 09/04/2025 19:43

Phiên tòa xét xử Võ Văn Hải, người bị cáo buộc cưỡng đoạt 425 triệu đồng của 6 tiểu thương tại cảng Cầu Quan (Tp.Vũng Tàu) đã khép lại với quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung do còn nhiều vấn đề chưa rõ.

Từ cải tạo mặt bằng đến cáo buộc chiếm đoạt

Ngày 9/4, TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã quyết định trả hồ sơ vụ án Võ Văn Hải (SN 1981, ngụ Tp.Vũng Tàu) tự áp đặt giá thuê mặt bằng với mức cao để chiếm đoạt 425 triệu đồng của 6 tiểu thương. Quá trình xét xử, Hải chỉ thừa nhận việc thu tiền sai chứ không phạm tội cưỡng đoạt tài sản và nhiều tình tiết trong vụ án cần được làm rõ nên HĐXX trả hồ sơ cho VKSND cùng cấp để điều tra bổ sung.

Theo cáo trạng, Xí nghiệp bến tàu khách Cầu Quan (cảng Cầu Quan, Tp.Vũng Tàu) là đơn vị hạch toán độc lập thuộc Công ty CP Công trình giao thông tỉnh, có lĩnh vực hoạt động dịch vụ cảng, vận tải, du lịch… Xí nghiệp do ông Lê Trường Giang (SN 1974, ngụ Tp.Vũng Tàu) làm Giám đốc từ tháng 10/2021.

Từ tháng 2/2022, ông Giang phân công kế toán xí nghiệp thu tiền phương tiện ra vào cảng và thu tiền cho thuê mặt bằng đối với các hộ tiểu thương trong khu vực cảng Cầu Quan với giá từ 300-500 ngàn đồng/tháng/hộ. Số tiền thu được, xí nghiệp sử dụng trả lương, chi phí điện nước, sửa chữa hạ tầng cảng.

Tháng 8/2022, kế toán nghỉ việc, ông Giang thuê Võ Văn Hải (SN 1981, ngụ Tp.Vũng Tàu) và B.M.N. (SN 1985, ngụ Tp.Vũng Tàu) sửa chữa, lợp mái tôn, phân ô trong cảng để cho các hộ tiểu thương thuê mặt bằng. Do Hải bỏ tiền ra sửa chữa nên ông Giang cho Hải thu tiền các hộ tiểu thương thuê mặt bằng để thu hồi vốn đầu tư. 

Lợi dụng việc này, từ tháng 9/2022, Hải tự áp đặt giá cho thuê mặt bằng với mức từ 2,5-8 triệu đồng/tháng/hộ, cao hơn nhiều lần so với mức xí nghiệp thu trước đây. Đồng thời, Hải thuê Nguyễn Văn Hoàng (SN 1959, ngụ Tp.Vũng Tàu, là nhân viên bảo vệ xí nghiệp) thu tiền từ các hộ tiểu thương giao nộp cho Hải.

Cáo trạng cáo buộc, bị cáo Hải áp đặt giá thuê mặt bằng với mức cao nên tiểu thương phản ứng, không đồng ý. Lúc này, Hải tự xưng là dân giang hồ có tiền án, tiền sự để uy hiếp tinh thần, đe dọa các hộ tiểu thương nếu không nộp tiền thì sẽ đuổi đi, không cho buôn bán tại cảng. Vì vậy, các tiểu thương phải miễn cưỡng nộp tiền hàng tháng cho Hải. Hoàng biết rõ hành vi đe dọa, uy hiếp tinh thần đối với các hộ tiểu thương nhằm chiếm đoạt tiền của Hải nhưng vẫn giúp sức cho Hải thu tiền để được Hải trả tiền công từ 2,5-3 triệu đồng/tháng.

Kết quả điều tra xác định Hải và Hoàng nhiều lần đe dọa, uy hiếp tinh thần nhằm chiếm đoạt 425 triệu đồng của 6 tiểu thương. Hải trả công cho Hoàng 20 triệu đồng, số còn lại Hải tiêu xài cá nhân.

Theo cáo trạng, đến cuối tháng 12/2023, các hộ tiểu thương tại cảng Cầu Quan có đơn tố giác Hải và Hoàng về hành vi đe dọa, uy hiếp tinh thần chiếm đoạt tiền. Cơ quan CSĐT (PC02) Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Hải, Hoàng về tội Cưỡng đoạt tài sản.

Yêu cầu điều tra lại, nhiều vấn đề chưa rõ

Tại phiên xét xử chiều 31/3, bị cáo Hải phủ nhận cáo buộc. "Bị cáo thừa nhận việc thu tiền là sai vì không có giấy tờ, hóa đơn, hợp đồng với ông Giang và tiểu thương, nhưng không phạm tội Cưỡng đoạt tài sản. Bị cáo không xưng là "xã hội đen" để đe dọa, ép buộc tiểu thương nộp tiền", Hải trình bày.

Khai với HĐXX, Hải cho biết do ông Giang kêu bị cáo bỏ tiền ra sửa chữa nên Hải đã dọn dẹp rác, làm nền, lợp mái tôn, kéo điện, nước và lắp camera để bảo đảm an ninh cho tiểu thương buôn bán. Sau khi trao đổi "miệng" với ông Giang và được đồng ý, Hải mới thu tiền. Số tiền thu được, Hải có đưa cho ông Giang nhưng người này không nhận và bảo để làm chi phí đầu tư.

Trả lời câu hỏi của HĐXX và các luật sư, các bị hại cho biết Hải đầu tư, làm mặt bằng khang trang hơn, có chỗ che nắng che mưa. Tuy nhiên, việc thu tiền mặt bằng quá cao khiến họ khó khăn. Khi họ phàn nàn, chậm đóng tiền và thậm chí năn nỉ thì Hải nói: "Khó khăn quá thì nghỉ đi!". Do kinh doanh tại cảng lâu năm và không biết đi đâu nên tiểu thương dù bức xúc nhưng đành chấp nhận đóng tiền.

"Hải đầu tư làm mặt bằng nếu thu 1-2 triệu đồng thì chúng tôi chấp nhận được. Nhưng thu 5-7 triệu đồng thì quá cao, trong khi buôn bán đang thua lỗ. Khi ông Giang đưa đơn thì tôi ký để nhằm xem xét giảm giá chứ không phải tố cáo Hải", bị hại Lữ Thanh Dũng nói.

Sau thời gian nghị án kéo dài, chiều 8/4, HĐXX TAND tỉnh quyết định trả hồ sơ cho VKSND cùng cấp để điều tra làm rõ nhiều nội dung. Cụ thể, HĐXX yêu cầu làm rõ mâu thuẫn trong đơn tố cáo và lời khai của các bị hại tại phiên tòa về hành vi của bị cáo Hải trong việc thu tiền có dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác để uy hiếp tinh thần nhằm chiếm đoạt tài sản của bị hại; mục đích của việc bị hại ký đơn tố cáo, nhất là những người không biết chữ là gì; xác định chính xác số tiền bị cáo chiếm đoạt của bị hại, ngoài số tiền thuê mặt bằng các bị cáo được thu theo đúng giá thị trường và thỏa thuận giữa các bên; xác định khoản thu hợp pháp và bất hợp pháp của các bị cáo.

HĐXX cũng yêu cầu xác định trách nhiệm của ông Giang và Ban Giám đốc Xí nghiệp cảng Cầu Quan trong việc kêu gọi, thỏa thuận hợp tác, đồng ý để Hải đầu tư, cải tạo mặt bằng và sau đó thỏa thuận cho tiểu thương thuê; làm rõ yêu cầu của những người bị chiếm đoạt tiền về số tiền mà bị cáo đã chiếm đoạt.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.