Hôm 8/4, Tổng thống Vladimir Putin đã có bài phát biểu mới nhất về tình hình dịch COVID-19 tại Nga.
Trong một cuộc họp trực tuyến với các thành viên Chính phủ và người đứng đầu các khu vực, Tổng thống Nga đã thảo luận về sự lây lan của virus corona ở Nga và các biện pháp cần thiết để ngăn chặn căn bệnh này.
Bất ngờ, vào cuối bài phát biểu của mình, Tổng thống Putin đã nhắc lại một số câu chuyện lịch sử Nga và đưa ra một sự so sánh thú vị đối với ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 với người dân Nga. Cụ thể, ông Putin đã nói về người Pecheneg và người Polovtsy.
"Các bạn thân mến! Mọi thứ rồi sẽ đi qua và dịch bệnh cũng sẽ như vậy. Đất nước chúng ta đã nhiều lần trải qua những thách thức, khó khăn, như bị người Pecheneg và người Polovtsy đe dọa. Nga đều đã giải quyết tất cả. Và chúng ta cũng sẽ đánh bại tai họa virus corona này. Cùng nhau chúng ta sẽ vượt qua mọi sóng gió”, ông Putin nói.
Ngay cả người Nga - chưa nói gì đến người nước ngoài –cũng không thể trong phút chốc hiểu được người Pecheneg và người Polovtsy mà ông Putin nhắc tới là ai, và họ có liên quan như thế nào đến đại dịch virus corona.
Tờ RBTH ngay sau đó đã đưa ra lời giải thích và lý giải vì sao Tổng thống Putin lại có cách so sánh đặc biệt như vậy.
Người Pecheneg và người Polovtsy là ai?
Người Pecheneg và Polovtsy (còn được gọi là người Cuman) là hai nhóm bộ lạc du mục gốc dân tộc Turk, họ sinh sống và di cư quanh vùng thảo nguyên Biển Đen và xa hơn về phía Đông vào khoảng giữa thế kỷ 8 và 13. Những tộc người này đã có sự tương tác với Nga theo nhiều cách.
Do không phát triển ngôn ngữ và chữ viết, lịch sử về các bộ tộc này không có nhiều thông tin. Tuy nhiên, các nhà sử học - dựa trên kiến thức về Biên niên sử Nga Cổ xưa - nói rằng mối quan hệ giữa các bộ lạc du mục này với người Nga có nhiều trắc trở, thù hận.
“Chiến tranh và hòa bình giữa các lãnh chúa Nga và người Polovtsy thường đan xen nhau trong khoảng thời gian dài”, nhà sử học Fyodor Uspensky nói trong một cuộc phỏng vấn với Meduza.
Theo chuyên gia này, các bộ lạc được Tổng thống Putin nhắc đến thực sự đã gây ra một số vấn đề không nhỏ cho người Nga. Ví dụ, người Pecheneg từng đánh chiếm Kyiv, thủ đô của Kievan Rus, vào năm 1036. Và đây chỉ là một trong nhiều câu chuyện đẫm máu giữa người Nga và những người du mục.
Đồng thời, các lãnh chúa Nga và các bộ lạc du mục này thỉnh thoảng thành lập các liên minh và sắp xếp các cuộc hôn nhân hoàng gia. Theo chuyên gia Uspensky, các lãnh chúa Nga không phải lúc nào cũng tuân thủ nghiêm ngặt những thỏa thuận trong liên minh, bởi những người du mục là những người ngoại đạo.
Các bộ lạc Polovtsy đã không còn tồn tại do hậu quả từ cuộc xâm lược của người Mông Cổ ở Đông Âu vào thế kỷ 13.
Giai thoại nổi tiếng
Sau khi Tổng thống Putin đề cập đến hai bộ lạc du mục và so sánh những thương đau mà họ gây ra cho người dân Nga với đại dịch COVID-19, một số nhà quan sát đã tự hỏi tại sao ông lại chọn những bộ lạc đặc biệt này mà không lấy những ví dụ ảnh hưởng nghiêm trọng đối với người Nga khác, như người Mông Cổ xâm lược hoặc chiến tranh với Đức quốc xã.
Nhà sử học Fyodor Uspensky đã đưa ra quan điểm giải thích cho lý do của Tổng thống Putin: “Tôi nghĩ rằng khi Tổng thống Putin nói về những mâu thuẫn xảy ra trong quá khứ, ông có thể đề cập đến cuộc xâm lược của người Tatar-Mông Cổ. Nhưng, xét tình hình hiện tại và yếu tố chính trị, ông chỉ đơn giản là không muốn xúc phạm người Tatar hay người Ba Lan, nên ông chỉ chọn những tộc người không còn tồn tại”.
Truyền thông Nga cũng chỉ ra rằng, Tổng thống Vladimir Putin đã mượn sự so sánh về người Pecheneg và người Polovtsy từ luật sư nổi tiếng Fyodor Plevako từ thời Đế quốc Nga.
Khi bảo vệ cho một người phụ nữ lớn tuổi bị buộc tội ăn cắp một ấm trà rẻ tiền, xoàng xĩnh và không đáng để làm to chuyện, Plevako được cho là đã giúp thân chủ của mình được tha bổng sau khi ông lập luận với bồi thẩm đoàn như sau:
“Nga đã phải chịu đựng nhiều khó khăn và thách thức trong hơn một nghìn năm tồn tại. Người Pecheneg, Polovtsy, Tatar và Ba Lan đã khiến nước Nga khốn đốn. Mười hai loại ngôn ngữ đã cai trị Moscow. Nga chịu đựng mọi thứ, vượt qua mọi thứ, chỉ trở nên mạnh mẽ hơn nhờ những thách thức đó. Nhưng bây giờ, một người phụ nữ lớn tuổi lấy trộm một ấm trà cũ với giá 30 kopeck. Tất nhiên, nước Nga chắc sẽ chẳng thể vượt qua được thứ bi kịch lớn như vậy và sẽ diệt vong”.
Trước khi gia nhập KGB, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã học luật tại Đại học bang Leningrad, tốt nghiệp năm 1975. Ông có thể đã học được giai thoại tư pháp này hồi đó và đã nhắc đến nó hai lần trong các hoàn cảnh tương tự, đó là vào năm 2010, khi ông nói về vụ cháy rừng và năm 2013, khi ông tranh luận với Bộ trưởng tài chính về việc hỗ trợ cho hãng phim hoạt hình Nga.