Vì sao Tổng thống Trump "loay hoay" trong việc rút quân khỏi Syria?

Vì sao Tổng thống Trump "loay hoay" trong việc rút quân khỏi Syria?

Trương Mạnh Kiên

Trương Mạnh Kiên

Chủ nhật, 04/10/2020 08:00

Tổng thống Trump đã nhiều lần nói rằng ông muốn rút quân đội Mỹ ra khỏi Syria, nhưng cho đến nay ý muốn của ông vẫn liên tục bị cản trở.

Tiêu điểm - Vì sao Tổng thống Trump 'loay hoay' trong việc rút quân khỏi Syria?

Tổng thống Trump đang bận rộn với cuộc đua tái tranh cử.

Mũi tên trúng hai đích

Ngày 18/9, bộ Tư lệnh Mỹ đặc trách miền Trung thông báo đã thực hiện một loạt biện pháp nhằm đảm bảo an toàn và an ninh cho các lực lượng liên quân do Mỹ lãnh đạo ở đông bắc Syria.

"Mỹ đã triển khai radar Sentinel, tăng tần suất hoạt động tuần tra và triển khai xe chiến đấu bộ binh Bradley để tăng cường cho lực lượng ở Syria", tuyên bố của bộ Quốc phòng Mỹ cho biết.

Vào ngày 21/9, Đặc phái viên Syria của Mỹ James Jeffrey đã đến đông bắc Syria để tổ chức các cuộc gặp riêng với các nhà lãnh đạo của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) để cam kết cung cấp cho người Kurd sự hỗ trợ và bảo vệ.

Các động thái này được đưa ra sau các cuộc va chạm gần đây giữa lực lượng Mỹ và Nga, cũng như việc Mỹ và người Kurd bị các bộ lạc khu vực tấn công.

Đánh giá về những động thái gần đây của Lầu Năm Góc, chuyên gia phân tích an ninh Mark Sleboda tin rằng đây là những thông điệp mang hai mục đích của Mỹ, không chỉ phục vụ mục đích trong nước mà còn gửi đến các đối thủ của mình.

“Việc Mỹ triển khai thêm binh sĩ sau vụ va chạm giữa các đội tuần tra Nga và Mỹ trước tiên là để phục vụ mục đích chính trị trong nước”, chuyên gia Sleboda nêu quan điểm. “Chính quyền Trump đang thực hiện một nỗ lực chính trị thông minh trong cuộc đua tái tranh cử. Ông đang thực hiện một số hành động chống lại Nga để làm yên lòng dư luận”.

Điều này xuất phát bởi lý do trong giai đoạn vận động tranh cử nước rút như hiện nay, đảng Dân chủ đã sử dụng những chiến thuật khiêu khích và hạ thấp uy tín đối thủ, khi cáo buộc ông Trump quá mềm mỏng với Nga, gọi ông là “con rối” của Điện Kremlin, cũng như chỉ trích việc ông không bảo vệ quân đội Mỹ ở Syria khi va chạm với Nga.

Thứ hai, động thái này là thông điệp dành cho Chính phủ Nga, Chính phủ Syria và các lực lượng đồng minh do Iran hậu thuẫn ở Đông Syria, với nội dung cảnh báo không nên thách thức người Mỹ tại đây. Bên cạnh đó, cảnh báo này cũng có thể gửi cho cả Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia vẫn luôn đe dọa lực lượng người Kurd mà Mỹ đang hợp tác.

Mặc dù sau đợt tăng cường này, lực lượng chiếm đóng của Mỹ ở Đông Syria vẫn khá mỏng manh - được cho là chỉ khoảng 600 quân nằm rải rác ở một số mỏ dầu của Syria - nhưng thông điệp được gửi đến là rất rõ ràng: Nếu bị dồn ép quá mức, Lầu Năm Góc luôn sẵn sàng đưa thêm quân vào Syria, bất chấp tuyên bố của ông Trump về việc rút quân.

Vì sao Mỹ chưa rút quân?

Tiêu điểm - Vì sao Tổng thống Trump 'loay hoay' trong việc rút quân khỏi Syria? (Hình 2).

Mỹ vẫn tăng cường thêm quân bất chấp tuyên bố rút lui của Tổng thống Trump.

Về những thay đổi trên thực địa khi Mỹ đưa thêm quân tới Syria, chuyên gia Sleboda cho rằng điều này không mang đến những tác động to lớn. “Chỉ có gần một trăm lính Mỹ bổ sung với một số ít xe chiến đấu được triển khai tới một khu vực rộng lớn chắc chắn sẽ không thay đổi được động lực quân sự trên thực địa”, chuyên gia người Mỹ nói với Sputnik.

“Điều đó sẽ không cung cấp cho lực lượng Mỹ bất kỳ sự tăng cường hoặc ngăn chặn đáng kể nào so với quy mô của những đối thủ tiềm tàng như Nga, Chính phủ Syria và Thổ Nhĩ Kỳ trên đấu trường Syria. Đó là một động thái tượng trưng, ​​một thông điệp và một lời cảnh báo, và một hành động không có gì nổi bật”.

Mối nguy hại lớn nhất mà Mỹ đang gặp phải chính là sự phản ứng ngày càng gia tăng của các bộ lạc Ả Rập ở đông bắc Syria. Tiềm năng về một cuộc nổi dậy của các bộ lạc Ả Rập địa phương chống lại Mỹ và lực lượng người Kurd là hoàn toàn hiện hữu và là mối đe dọa an ninh thực sự lớn hơn cả so với việc đụng độ với liên quân Nga-Syria.

Sự tăng cường lực lượng của Mỹ được đánh giá là quá nhỏ, không có nhiều tác động đe dọa hoặc răn đe đối với các bộ lạc Ả Rập địa phương. Chính vì vậy, Mỹ rõ ràng vẫn đang trông chờ vào việc có thể bắt tay giảng hòa với các bộ lạc này để giảm thiểu bất ổn.

Tổng thống Trump đã nhiều lần nói ông muốn rút quân đội Mỹ ra khỏi Syria, nhưng cho đến nay lực lượng này vẫn tiếp tục duy trì sự hiện diện, thậm chí Lầu Năm Góc còn cử lực lượng bổ sung. Đây được coi là sự mâu thuẫn chiến lược của Washington.

“Sự mâu thuẫn giữa tuyên bố của ông Trump về việc rút khỏi Syria nhưng quân đội vẫn ở lại hoàn toàn là do áp lực chính trị từ Lầu Năm Góc, các cơ quan an ninh, lập trường của đại đa số thành viên Quốc hội và những đối thủ chính trị của ông Trump”, chuyên gia Sleboda giải thích.

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.