Chiều 24/3, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 và phục hồi kinh tế Tp.HCM tổ chức buổi họp báo nhằm cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh và trả lời những vấn đề mà dư luận, người dân quan tâm.
Buổi họp báo diễn ra trong thời điểm Thành phố này vừa ban hành quyết định về việc cho phép F1 đi làm, đi học trực tiếp nếu đáp ứng một số điều kiện.
Trước vấn đề vì sao Tp.HCM chưa cho F0 đi làm trở lại như một số tỉnh, thành khác, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế Tp.HCM cho biết, hiện nay, việc tham mưu phương án ứng phó với dịch Covid-19 do Sở Y tế thực hiện.
Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế là cơ quan đưa ra quyết định cuối cùng. Sau khi đánh giá tình hình số ca mắc Covid-19 mới, số ca nặng, ca tử vong, Sở Y tế đã tham mưu UBND Tp.HCM cho phép F1 đi làm nếu đáp ứng một số điều kiện.
Đại diện Sở Y tế Tp.HCM cũng khẳng định, hiện tại, các F0 vẫn là người bệnh và cần điều trị tại nhà hoặc bệnh viện.
Lý giải việc Tp.HCM chưa cho F0 đi làm, bà Mai nói: “Thời gian qua, Tp.HCM có số ca tử vong đang giảm ở mức rất thấp nhưng số ca nặng chưa giảm bền vững mà lên xuống liên tục. Nếu số ca mắc Covid-19 lại tăng, chắc chắn ca nặng, ca tử vong sẽ tăng, đó là kinh nghiệm của thành phố rút ra từ các đợt dịch trước đây”.
Đối với câu hỏi về việc xem Covid-19 là bệnh lưu hành, bà Huỳnh Mai thông tin: “Các tổ chức, chuyên gia đã đưa ra 4 đặc điểm về tình hình dịch Covid-19 tại nước ta. Cụ thể, SARS-CoV-2 đã được ghi nhận ở tất cả tỉnh, thành nhưng vẫn đang trong giai đoạn chuyển tiếp giữa đại dịch và bệnh lưu hành”.
Bên cạnh đó, tỉ lệ ca mắc Covid-19 chưa ổn định và có sự khác biệt rất lớn giữa các địa phương, đặc biệt giữa các tỉnh, thành phố từng có tỉ lệ mắc cao và những tỉnh, thành phố mới có sự gia tăng mạnh trong thời gian gần đây.
Ngoài ra, số trường hợp tử vong theo ngày do Covid-19 vẫn còn rất cao so với những bệnh truyền nhiễm có tỉ lệ tử vong hàng đầu trước đây.
Các chuyên gia cũng cho rằng, SARS-CoV-2 liên tục biến đổi và ghi nhận các biến thể mới như Alpha, Delta, Omicron, kể cả trong các biến thể cũng liên tục xuất hiện các biến thể phụ. Các biến chủng này có thể né được miễn dịch, gây tái nhiễm, tỉ lệ mắc rất khó xác định và chưa có tính ổn định.
"Do vậy, thời gian này, chúng ta chưa nên coi Covid-19 là bệnh lưu hành và cần tiếp tục phối hợp chặt với các tổ chức y tế trên thế giới, các quốc gia khác nhằm theo dõi tình hình dịch, cập nhật sự biến đổi của SARS-CoV-2. Sau đó, ngành y tế sẽ tham mưu Thủ tướng quyết định coi Covid-19 là bệnh lưu hành ở thời điểm thích hợp", Chánh Văn phòng Sở Y tế Tp.HCM cho hay.
Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Tp.HCM (HCDC) phân tích thêm, hiện nay, UBND Tp.HCM nói rõ, F1 được đi làm khi đã tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh trong vòng 3 tháng.
“Ngoài ra, thành phố cũng đưa ra những điều kiện bắt buộc mà F1 phải tuân thủ khi đi làm trực tiếp lại, để tránh nguy cơ lây nhiễm. Và theo đề xuất trước đó của Bộ Y tế, không phải F0 nào cũng có thể đi làm.
Cụ thể, các F0 đáp ứng điều kiện có thể làm việc trực tuyến tại nhà hoặc khu cách ly, làm việc ở cơ sở chăm sóc F0 khác kèm theo nhiều điều kiện ràng buộc”, ông Tâm nhấn mạnh
Còn tại trường học, cơ sở giáo dục, các trường hợp F1 sẽ được xác định dựa trên hướng dẫn xác định F0, F1 của Bộ Y tế. Nhà trường và cơ sở y tế sẽ xác định F1 dựa trên chỗ ngồi trong lớp cùng các hoạt động khác trong quá trình học tập trực tiếp.
Sáng 24/3, UBND Tp.HCM ban hành văn bản khẩn điều chỉnh quy định với F1. Cụ thể, trường hợp F1 đã tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19 hoặc từng mắc Covid-19 trong vòng 3 tháng được tiếp tục đi làm, đi học trực tiếp với điều kiện chấp hành nghiêm các quy định chống dịch cụ thể.
Trước đó, ngày 10/3, tỉnh Long An là địa phương đầu tiên ban hành quy định tạm thời về các trường hợp F0, F1 đang trong thời gian cách ly được tham gia làm việc để thực hiện nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Ngày 18/3, tỉnh Cà Mau là tỉnh tiếp theo cho phép người lao động là F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ hoặc F1 được đi làm nhưng trên cơ sở tự nguyện và đảm bảo nguyên tắc phòng chống dịch Covid-19.
Trong 24 giờ qua, Tp.HCM ghi nhận thêm 1.582 bệnh nhân mắc Covid-19. Ngành y thành phố tiếp tục điều trị cho 4.274 bệnh nhân, trong đó có 275 trẻ em dưới 16 tuổi, 84 bệnh nhân nặng đang thở máy, 5 bệnh nhân can thiệp ECMO.
Trong ngày, Thành phố này có 566 bệnh nhân nhập viện và 697 người được điều trị khỏi, xuất viện và ghi nhận thêm 2 trường hợp tử vong do Covid-19.