Quyết định chấp nhận lời mời gặp mặt nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trở thành đề tài cho hàng loạt bài bình luận của các chuyên gia phân tích, với những quan điểm khác nhau.
Tuy nhiên, rất ít người biết được lý do vì sao Chính phủ Triều Tiên không đưa ra bình luận gì về tuyên bố từ phía Mỹ. Mặc dù hứa hẹn về một cuộc gặp dự kiến vào tháng 5 tới, cho tới thời điểm này, phía Bình Nhưỡng không đưa ra bất kỳ lời xác nhận nào dù là đồng ý hay từ chối.
Theo nhà nghiên cứu Zhiqun Zhu, Giáo sư Khoa học Chính trị và Quan hệ Quốc tế tại đại học Bucknell, Mỹ, động thái của Triều Tiên trong những ngày qua vừa thú vị vừa khó hiểu.
Lý do đằng sau sự im lặng của Bình Nhưỡng được cho là có nhiều khả năng.
Trước hết, rất có thể nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang cảnh giác trước quyết định dứt khoát và gây ngạc nhiên của ông Trump.
Theo đó, lời chấp nhận gặp mặt của ông chủ Nhà Trắng được đưa ra ngay trong cuộc gặp với phái đoàn Hàn Quốc, mà không cần thảo luận gì thêm với đội ngũ cố vấn.
Với cuộc khẩu chiến nảy lửa mà hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều từng có với nhau trong năm 2017, thật khó để ông Kim (hoặc bất kỳ ai) tin rằng ông Trump sẵn sàng đồng ý dễ dàng như vậy mà không cần điều kiện tiên quyết.
Do đó, phía Bình Nhưỡng có thể cần thời gian để nghiền ngẫm lại tình hình và dường như rất thận trọng về diễn biến hiện đang thuận lợi với họ một cách khó tin.
Một quan chức cao cấp của bộ Ngoại giao Nhật Bản, mô tả quyết định của Mỹ như một cơn “sóng thần” gây chấn động cả Tokyo: "Chúng tôi không bao giờ nghĩ rằng quyết định sẽ được đưa ra vào thời điểm này".
Trung Quốc cũng ở trong tình huống tương tự và rõ ràng nước này không hề được Washington hoặc Bình Nhưỡng tham vấn trước.
Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bày tỏ sự ủng hộ cao đối với cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-Triều và giải pháp ngoại giao về vấn đề này.
Nhưng ở sau hậu trường, Trung Quốc được cho là lo ngại đến vai trò có thể giảm dần trên Bán đảo Triều Tiên. Cả Nhật Bản và Trung Quốc lo ngại họ có thể bị bỏ rơi lại đằng sau trong các nỗ lực giải quyết khủng hoảng.
Tuy nhiên, Giáo sư Zhiqun Zhu cho rằng, không chỉ các nước trong khu vực, ngay chính Triều Tiên dường như cũng chưa chuẩn bị cho một sự “bình thường hóa” với Mỹ.
Lý do thứ hai, lời mời của ông Kim tới người đồng nhiệm Trump được chuyển tiếp thông qua các quan chức Hàn Quốc và có thể các nhân vật này đã không truyền tải chính xác (hoặc hoàn toàn) thông điệp của nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Trước khi phái đoàn Hàn Quốc tới Bình Nhưỡng, họ thậm chí không chắc về cuộc gặp với ông Kim Jong-un. Nhưng sau đó đại diện của Seoul đã có bữa tối ấm cúng với lãnh đạo nước chủ nhà.
Dẫu vậy, liệu mọi thứ ông Kim nói trong bữa ăn tối về một cuộc đàm phán với Mỹ có phản ánh suy nghĩ thực sự của ông hay không lại là một câu hỏi khác.
Ví dụ, theo Cố vấn An ninh Quốc gia Hàn Quốc Chung Eui Yong tiết lộ, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã đồng ý chấp nhận các cuộc tập trận Mỹ-Hàn có thể vẫn diễn ra.
Đây là một vấn đề rất đáng nghi ngờ, bởi quan điểm trước đó của Bình Nhưỡng là luôn phản đối gay gắt mọi hoạt động của lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc, bao gồm các cuộc tập trận chung.
Thứ ba, Triều Tiên có lẽ vẫn đang theo dõi các phản ứng của quốc tế, chẳng hạn như chờ đợi các cường quốc khu vực, đặc biệt là Trung Quốc, sẽ phản ứng như thế nào về cuộc gặp Mỹ-Triều.
Việc Mỹ sa thải đột ngột Ngoại trưởng Rex Tillerson, thay thế bằng một nhân vật nổi tiếng cứng rắn hơn là Mike Pompeo, có vẻ không khiến Triều Tiên an tâm.
Mặc dù mối quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên đã trở nên u ám trong những năm gần đây, sự ủng hộ của Bắc Kinh vẫn còn rất quan trọng đối với tương lai của Bình Nhưỡng.
Điều này có thể mang đến lời giải thích rằng, Triều Tiên đang tiếp cận với Trung Quốc để trấn an Bắc Kinh về lợi ích của nước này sẽ không bị loại bỏ hết trong cuộc họp của ông Donald Trump với Kim Jong-un. Có thể những cuộc thảo luận bí mật giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng đang diễn ra.
Trong khi chờ đợi phản ứng chính thức của Triều Tiên, công chúng cũng cần phải nhớ rằng hiện vẫn chưa chắc chắn tuyệt đối liệu cuộc gặp sẽ diễn ra vào tháng 5 hay không.
Hai bên sẽ phải đối mặt với các vấn đề như tìm một địa điểm mà cả hai cảm thấy phù hợp. Ngoài ra, những diễn biến bất ngờ từ nay đến tháng 5 cũng có thể làm trật bánh các cuộc đàm phán dự kiến.
Ví dụ, nếu Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều ở Bàn Môn Điếm giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in không thành công trong tháng 4, người ta cũng không thể mong đợi một cuộc họp trôi chảy giữa Mỹ và Triều Tiên diễn ra một tháng sau đó.
Và ông Kim (hoặc ông Trump) vẫn có thể hủy cuộc họp vào phút chót. Giống như cách em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên hủy cuộc họp dự kiến với Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence trong Thế vận hội mùa đông PyeongChang.
Theo quan điểm của Mỹ, sự thiếu nhất trí trong nội bộ chính quyền Trump sẽ làm suy yếu lập trường hiện tại và ông Trump có thể không sẵn sàng để nói chuyện với người đồng nhiệm ở châu Á.
Lý do cuối cùng, sự im lặng của ông Kim có thể liên quan đến vấn đề uy tín của Triều Tiên. Tổng thống Moon Jae-in nhận xét rằng, "những thay đổi quan trọng" đang diễn ra ở Đông Á.
"Nếu chúng ta thành công, sẽ có những thay đổi lớn trong lịch sử thế giới và Hàn Quốc sẽ đóng vai trò dẫn dắt", ông Moon nói.
Với tuyên bố này, giới phân tích cho rằng, nhà lãnh đạo Kim Jong-un dường như sẽ không hạ thấp Triều Tiên dưới ánh đèn sân khấu để cho Tổng thống Moon Jae-in và Tổng thống Trump tỏa sáng.