Ngay sau khi Ấn Độ hạ thủy tàu sân bay tự đóng đầu tiên hàng loạt các tờ báo Trung Quốc đã đồng loạt lên tiếng “chê bai” tàu sân bay của Ấn Độ. Trong đó, báo Hoàn Cầu “mạnh miệng” nhất trong việc dìm hàng tàu sân bay này.
Báo Hoàn Cầu cho rằng, cái gọi là tàu sân bay nội địa của Ấn Độ chỉ là nhập khẩu các sản phẩm của nước ngoài về lắp ráp lại. Trong đó loại thép chịu lực đặc biệt phải nhập khẩu từ Nga, khoảng 1.000 tấn thép loại này đã được nhập khẩu.
Tàu sân bay mới hạ thủy INS-Vikrant của Ấn Độ mới hạ thủy đã khiến Trung Quốc “nóng mặt”
Báo này cho rằng trên thế giới chỉ có Mỹ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc làm chủ được công nghệ chế tạo loại thép chịu lực đặc biệt này. Họ cho rằng, Ấn Độ chỉ có khả năng đóng góp khoảng 30% trong toàn bộ chương trình tàu sân bay . Thậm chí, họ còn cho rằng tàu sân bay của Ấn Độ không bằng một tàu ngầm hạt nhân chiến lược.
Tàu sân bay INS-Vikrant là một sự chắp vá từ nhiều nguồn khác nhau, bản thiết kế từ Italy, hệ thống radar, hệ thống điều khiển hỏa lực từ Pháp và Israel, tiêm kích trên hạm nhập khẩu từ Nga. Một tàu sân bay như vậy khó lòng đáp ứng được khả năng chiến đấu.
Góp phần vào chuỗi các bài báo nhằm “dìm hàng” tàu sân bay Ấn Độ, trang mạng Mil.cnr cho rằng, mặc dù Ấn Độ đã hạ thủy tàu sân bay nội địa đầu tiên nhưng không có khả năng để hình thành nhóm tác chiến tàu sân bay.
Trang mạng này lập luận rằng, để hình thành một nhóm tàu sân bay cần khoảng 2-4 tàu khu trục phòng không, 1-2 tàu ngầm tấn công hạt nhân hoặc tàu ngầm hạt nhân chiến lược, 1-2 tàu khu trục chống ngầm cùng các tàu hậu cần, tàu hỗ trợ khác.
Trong khi đó, Hải quân Ấn Độ chưa có tàu khu trục phòng không nào, tàu ngầm hạt nhân chiến lược còn chưa có, tàu ngầm tấn công hạt nhân phải thuê từ nước ngoài. Trang mạng này ví von rằng, Ấn Độ còn thiếu một thế hệ tàu chiến có khả năng như tàu khu trục Aegis của Mỹ nhằm ám chỉ tàu khu trục Type-052C của Trung Quốc vẫn thường tự hào khoe là “tàu Aegis made in China”.
Ấn Độ là lực lượng hải quân duy nhất tại châu Á ngoài Mỹ vận hành nhóm tàu sân bay chiến đấu.
Dìm hàng để tự an ủi mình
Có thể thấy rằng, hàng loạt bài báo cố tình dìm hàng tàu sân bay của Ấn Độ chỉ là một động thái nhằm tự an ủi mình trước sự lớn mạnh của Ấn Độ. Các tờ báo của Trung Quốc có lẽ đã cố tình quên tàu sân bay Liêu Ninh của họ là một sản phẩm hàng thải từ Ukraine không hơn không kém.
Cái gọi là tàu khu trục “Aegis made in China” cũng là một sản phẩm chắp vá không lấy gì làm khá khẩm. Trung Quốc không được phép nhập khẩu các sản phẩm vũ khí và công nghệ quân sự từ phương Tây đây chính là một sự khác biệt rất lớn giữa họ so với New Delhi.
Cho dù phần lớn trang thiết bị trên tàu sân bay Vikrant phải nhập khẩu từ nước ngoài nhưng đây đều là các nguồn chính thống có chất lượng hàng đầu thế giới mà Trung Quốc có nằm mơ cũng không có được. Bắc Kinh thường phải sao chép lậu các sản phẩm từ Pháp, Nga, Israel để hoàn thiện các sản phẩm vũ khí của mình. Chất lượng các sản phẩm sao chép này khó lòng đạt được như nguyên bản.
Đối với nhóm tàu hộ tống cho tàu sân bay, Ấn Độ đang thực hiện 2 chương trình song song cùng lúc, họ vừa nhập khẩu tàu khu trục từ Nga vừa tự đóng mới trong nước nhằm rút ngắn giai đoạn và đảm bảo sức mạnh chiến đấu.
Bắc Kinh có thể đã quên rằng chương trình tàu khu trục Project 15A Kolkata khi hoàn thành sẽ là một trong những tàu khu trục có sức mạnh tấn công và phòng thủ hàng đầu thế giới, không những thế tàu khu trục này còn có khả năng tàng hình cao gấp nhiều lần so với Type-052C của Trung Quốc.
Mặc dù tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Ấn Độ vẫn chưa đi vào hoạt động nhưng phía Trung Quốc cũng chẳng khá khẩm hơn. Tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type-094 nằm tại cảng nhiều hơn là vận hành do các vấn đề kỹ thuật.
Người Trung Quốc cũng cố tình quên rằng Ấn Độ là lực lượng hải quân duy nhất ở châu Á ngoài Mỹ đang hoạt động một nhóm tàu sân bay chiến đấu đúng nghĩa. Mặc dù INS-Viraat là một tàu sân bay thế hệ cũ nhưng quá trình sử dụng nó đã tạo cho Hải quân Ấn Độ nhiều kinh nghiệm trong quá trình vận hành tàu sân bay cũng như nhóm tàu hỗ trợ đi kèm.
Về cơ bản, Hải quân Ấn Độ đã hình thành được bộ khung cho nhóm tàu sân bay chiến đấu trong tương lai và chắc chắn họ sẽ vận hành nó trước Trung Quốc. Từ tàu sân bay, tiêm kích trên hạm, nhóm tàu hộ tống cho tàu sân bay INS Vikramaditya đã sẳn sàng để đi vào hoạt động từ cuối năm 2013.
Trong khi đó kinh nghiệm hoạt động nhóm tàu sân bay là điều mà Hải quân Trung Quốc gần như không có. Tàu sân bay Liêu Ninh đã được bàn giao cho hải quân nhưng vẫn phải “đậu chơi” tại cảng vì không có tiêm kích trên hạm nên Bắc Kinh không thể không “nóng mặt” khi Ấn Độ hạ thủy tàu sân bay nội địa đầu tiên và chuẩn bị vận hành nhóm tàu sân bay chiến đấu mới.
Cho dù Ấn Độ chỉ đóng góp khoảng 30% trong toàn bộ chương trình tàu sân bay INS-Vikrant thì cũng không thể phủ nhận sự lớn mạnh của công nghiệp quốc phòng Ấn Độ nói chung và công nghiệp đóng tàu chiến nói riêng. Với Trung Quốc mặc dù họ đã tự đóng mới được khá nhiều tàu chiến hiện đại nhưng vẫn chưa tự đóng được tàu sân bay nào.
So với Bắc Kinh, New Delhi thuộc hàng “sinh sau đẻ muộn” trong việc phát triển công nghiệp quốc phòng thì việc Ấn Độ hạ thủy được tàu sân bay nội địa đầu tiên trước đối với họ có thể ví như một sự “qua mặt” nên sự ganh tị là điều khó tránh khỏi.
Minh Tâm (tổng hợp)