Trung Quốc kiên trì với "thời cơ chưa chín muồi"
Và nỗ lực của ông và các đồng nghiệp kết thúc ở đó?
Không. Chúng tôi lại kiên trì tìm cách khác. Cuối cùng, chúng tôi cũng tìm cách phối hợp về mặt kỹ thuật để tìm ra một phương cách hợp tác nào đó mà không ảnh hưởng đến nước nào.
Chúng tôi đã chọn một hòn đảo ở Tây Nam Indonesia và tiến hành khảo sát trong vòng 2 tuần, vào khoảng 2000-2001 gì đó. Năm tiếp theo, chúng tôi quyết định làm ở khu vực dọc theo một hòn đảo khác, Palawan, phía Đông Nam của Indonesia.
Sau khi hợp tác ở Tây Nam và Đông Nam Biển Đông đã có kết quả, chúng tôi bàn đến việc hợp tác ở Tây Bắc, vùng tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc, và Đông Bắc , vùng tranh chấp giữa Việt Nam, Philippines và Trung Quốc, kể cả Đài Loan.
Câu chuyện tưởng như ổn thỏa, vì chỉ là hợp tác về nghiên cứu môi trường biển, nhưng đến phút chót Trung Quốc đã tuyên bố "thời cơ chưa chín muồi" để hợp tác.
Thế họ giải thích "thời cơ chưa chín muồi" ra sao?
Đó cũng là câu hỏi của tôi và nhiều đại biểu khác. Nhưng không hề có câu trả lời. Họ im lặng, hay tìm cách nói quanh co.
Sau đó, bốn nước Việt Nam, Philippines, Đài Loan và Trung Quốc cũng đồng ý làm khảo sát chung, nhưng lại không xác định được thời gian tiến hành. Hàng năm, tôi đều hỏi thời gian đã chín muồi chưa, và không nhận được câu trả lời.
GS Hasjim Djalal (ảnh trái)
Câu trả lời từ ai? Trung Quốc, hay cả 4 pháp nhân?
Chủ yếu là Trung Quốc, sau đó là Việt Nam. Còn Philippines và Đài Loan hầu như không nói.
Tôi hiểu. Giữa Trung Quốc và Việt Nam còn có những mối quan hệ khác, không giống như Philippines với Trung Quốc.
Tôi cũng e là như vậy. Hơn nữa, Trung Quốc luôn sợ rằng việc chúng tôi làm như vậy có thể biến vùng biển mà họ tự cho là của họ biến thành vùng tranh chấp.
Ông có mất kiên nhẫn khi chờ đợi từ năm này qua năm khác không?
Không. Vì tôi biết có những người chỉ mong chúng tôi mất kiên nhẫn, và từ bỏ khả năng đối thoại. Chắc anh hiểu ai chứ?
Vâng, dĩ nhiên.
Tôi biết rằng xây dựng lòng tin, xây dựng hợp tác giữa những quốc gia đã có một tư duy định sẵn về chủ quyền quốc gia là một việc không hề đơn giản, và rất mất thời gian.
Và với quan điểm xuất hiện một cách chính thức, khi Trung Quốc đưa vấn đề ra Liên Hợp Quốc về "đường lưỡi bò", sự việc ngày càng trở nên rắm rối và dường như không có lối thoát?
Tất nhiên. Nhưng với sự việc càng rắm rối, chúng ta lại càng phải bình tĩnh, để tìm ra cách giải quyết. Như anh thấy đấy, trong hai hội thảo Biển Đông gần đây, bản thân các học giả Trung Quốc cũng không mấy tự tin về khi giải thích quan điểm "đường lưỡi bò" của họ.
Tại sao Trung Quốc sợ ra toà án quốc tế?
Trong tư duy của tôi, tại sao chúng ta không thử giải quyết việc này dựa vào bên thứ ba?
Tức là sao?
Có thể là một bên thứ ba giữ vai trò hòa giải, trung gian, hoặc sử dụng tòa án quốc tế.
Như Philippines đã làm?
À, ra vậy. Thì chính tôi đã từng nói với phía Trung Quốc rằng "tại sao các ông ngại không sử dụng tòa án, bởi các ông có người trong tòa án quốc tế biển"? Trong khi các bên tranh chấp ở ASEAN thì không có người nào trong tòa án cả.
"Các ông (Trung Quốc) thấy đấy, Indonesia và Malaysia đã mang nhau ra tòa, và tòa xử chúng tôi thua, chúng tôi chịu. Malaysia và Singapore cũng vậy, hay Thái Lan và Căm-pu-chia cũng vậy, liên quan đến Đền Preah Vihear. Phán quyết của tòa án mà."
Ông nói với quan chức Trung Quốc, hay với học giả của họ trong các hội thảo khoa học?
Cả hai. Và câu trả lời của họ vẫn thế: Thời cơ chưa chín muồi. Tôi cũng không hiểu chữ "chín muồi" ở đây có ý nghĩa gì nữa.
Ông giải thích chuyện đó thế nào?
Tôi nghĩ có hai khả năng. Thứ nhất họ chưa được lệnh ở trên. Thứ hai, khả năng này cao hơn, họ sợ bị thua tại tòa. Anh đã chứng kiến học giả Trung Quốc trả lời quanh co, không đi vào câu hỏi, tại các hội thảo quốc tế tại Việt Nam rồi đấy.
Thế rồi quan điểm của họ về việc giải quyết mọi tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở song phương. Chẳng hạn, chuyện Vịnh Bắc Bộ thì đã giải quyết song phương rất tốt. Hoàng Sa cũng là câu chuyện song phương, mặc dù Trung Quốc không chịu. Còn chuyện Trường Sa là chuyện tranh chấp đa phương thì phải giải quyết đa phương chứ.
Họ trả lời sao?
Họ cứ loanh quanh không trả lời vào câu hỏi chính, cho đến khi người nghe chán thì thôi.
Thế còn vấn đề trung gian hòa giải, ông nghĩ rằng quốc gia nào sẽ giữ vị trí trung gian hòa giải tốt nhất?
Tôi nghĩ Indonesia, với tư cách một cường quốc bậc trung và là nước không có tranh chấp, đứng ra khuyến khích 4 nước ASEAN có tranh chấp và 2 pháp nhân ngoài ASEAN là Trung Quốc và Đài Loan đứng ra đàm phán là tốt nhất.
Một dạng kiểu như đàm phán 6 bên ở bán đảo Triều Tiên, theo một cách khác?
Ừ, một dạng như vậy. Tôi nghĩ như vậy sẽ nâng cao vai trò của ASEAN lên.
Nhưng ở đây có một chi tiết kỹ thuật mà ta cần để ý là việc Đài Loan không được công nhận về mặt ngoại giao, và Trung Quốc sẽ bám vào điều này để từ chối đàm phán.
Thế nhưng, xét về khía cạnh khác, như ở APEC, Đài Loan vẫn được công nhận như một nền kinh tế (Economic Entity). Hoặc trong WTO Đài Loan là Custom Entity...
Vì vậy, Đài Loan có thể tham gia đàm phán về Biển Đông trong đàm phán 6 bên với tư cách "South China Sea Entity".
Và tất cả các bên hãy tham gia những lần đầu tiên theo kiểu "cocktail party", cho tự nhiên. Như hồi cuối năm 1980 ở Jakarta (Indonesia) để hòa giải hòa giải giữa các bên Căm-pu-chia, và gián tiếp hòa giải các quốc gia Đông Nam Á.
Những cuộc cocktail như vậy sẽ giúp ích rất nhiều trong việc tìm ra một giải pháp hữu ích, và không khí rõ ràng là tự nhiên và thoải mái hơn đàm phán chính thức.
Ông nghĩ ra cách này từ bao giờ?
Năm 2010, ở Kuala-Lumpur (Malaysia). Sau đó, tôi mang đi các hội nghị quốc tế ở Singapore, Manila (Philippines), hay Đài Bắc (Đài Loan), để thăm dò ý kiến đồng nghiệp.
Ý kiến này được đón nhận thế nào?
Vẫn đang trong quá trình tìm kiếm sự ủng hộ, mặc dù đã có thêm nhiều chia sẻ.
Trung Quốc chống sự can dự của Mỹ vì muốn thao túng Biển Đông?
Thế còn vai trò của Mỹ thì sao? Nhất là trong câu chuyện xoay trục sang châu Á?
Tôi nghĩ là tốt, bởi vì Mỹ có quan điểm trung lập trong vấn đề tranh chấp chủ quyền. Họ chỉ cần đảm bảo tự do hàng hải và không sử dụng vũ lực trong giải quyết tranh chấp biển đảo.
Thế nhưng, hình như Trung Quốc đang cố đánh lạc hướng dư luận, bằng cách làm ầm ĩ việc Mỹ can dự vào Biển Đông có thể làm phức tạp thêm mối quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc.
Hơn nữa, Mỹ hoàn toàn có thể giúp đỡ về mặt kỹ thuật để nâng cao năng lực của ASEAN trong nghiên cứu, hay những việc khác.
Sau 20 năm làm việc với phía Trung Quốc, ông có nhận xét gì về họ?
Để tôi kể một số ví dụ tiêu biểu để miêu tả cách ứng xử của họ.
Trong cuộc hội thảo năm 1996, tôi hỏi có những nơi nào có thể là địa điểm dành cho khai thác chung. Tôi đã xem xét và nhận thấy có một địa điểm ở Biển Đông có thể là nơi mà các nước có thể chấp nhận làm nơi khác thác chung, và các nước ASEAN có tranh chấp Biển Đông tỏ ra rất hào hứng.
Thế nhưng, Trung Quốc đã trả lời rằng địa điểm đó thuộc về chủ quyền của họ, không phải địa điểm khai thác chung.
Sau đó, 2 năm sau tôi đã thu gọn địa điểm đó lại, nhưng Trung Quốc vẫn giữ nguyên quan điểm.
Tôi còn nhớ, vào năm 1994, Bộ Ngoại giao Indonesia có gửi công hàm cho Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đề nghị họ xác nhận lãnh hải kéo dài đến đâu và giải thích lý do vì sao lại như vậy.
Họ đã không trả lời trực tiếp, mà qua con đường gián tiếp trả lời rằng vấn đề đó không quan trọng giữa 2 nước, bởi Indonesia là nước không có tranh chấp trên Biển Đông.
Bây giờ, khi họ đã chính thức công nhận đường lưỡi bò, sau khi dùng nó làm công cụ phản bác công nhận thềm lục địa mở rộng của Việt Nam và Malaysia, họ bắt đầu chứng minh chủ quyền theo quan điểm lịch sử từ xa xưa và mơ hồ, chứ không theo Công ước Quốc tế về Luật Biển.
Ông đánh giá thế nào về quan điểm của Trung Quốc đối với chủ quyền trên Biển Đông? Liệu có thể hy vọng tìm thấy sự thỏa hiệp, hay nhượng bộ, từ phía họ để có những bước tiến tiếp theo, ví dụ như COC?
Chúng tôi đã nhiều lần, tại các diễn đàn khác nhau, yêu cầu Trung Quốc giải thích về "đường lưỡi bò" có ý nghĩa gì, liệu Trung Quốc yêu sách toàn bộ khu vực bên trong đường lưỡi bò, kể cả đáy biển, vùng nước và các quần đảo, hay chỉ các quần đảo thôi... Họ đều phớt lờ, hoặc giải thích theo quan điểm mù mờ về vùng nội thủy.
Cảm giác của tôi là Trung Quốc không muốn tự nói ra họ muốn gì, và họ muốn người khác phải tự suy đoán xem họ muốn gì. Và, cuối cùng, họ sẽ chọn một cách suy đoán có lợi nhất cho họ. Bên cạnh đó là các hoạt động nhằm mua chuộc, hay đe dọa các nước ASEAN khác.
Đối lại, các nước ASEAN phải hành động ra sao?
ASEAN chắc chắn sẽ không có được lập trường chung chủ quyền và về tranh chấp lãnh thổ. Nhưng ASEAN phải có lập trường chung về DOC, và COC. Tức là về COC, các nước ASEAN phải thống nhất trong nội bộ với nhau, trước khi đưa ra bàn với phía Trung Quốc.
Nói chung, họ đã đạt được điều này, còn phải ứng của Trung Quốc ra sao thì chúng ta phải chờ thời gian tới. Tôi không lạc quan, nhưng vẫn còn hy vọng. Mặc dù, năm nay tôi đã 80 tuổi rồi.
Xin cám ơn ông.
Theo Huỳnh Phan (Tuần Vietnamnet)