Sau nhiều lần qua lại tôi mới được người trong dòng họ kể thêm cho nghe một câu chuyện mà có thể đó là nguyên nhân khiến cụ Xuất bỗng dưng biệt tích. Chỉ có điều đó là câu chuyện buồn của dòng họ này.
Nhà thờ họ Nguyễn Đình do cụ Đốc (bố cụ Tú Xuất) dựng nên
Người cháu ruột ngang tàng
Theo những người trong dòng họ Nguyễn Đình thì cụ Tú Xuất có một người cháu ruột gọi ông bằng bác tên là Nguyễn Đình Đoàn (con cụ Nguyễn Đình Trọng, em ruột Nguyễn Đình Xuất, tức Tú Xuất). Về độ "ngông" thì Tú Xuất còn kém cháu mình một bậc. Nguyễn Đình Đoàn sau đó bị chính quyền đương thời xử chém đầu. Và có thể vì vậy mà Tú Xuất không dám quay về quê hương và biệt tích từ đó.
Nguyễn Đình Đoàn cũng là người thông minh và được sinh ra trong một gia đình nho học lại có địa vị xã hội nên cũng chút ít chữ nghĩa. Tuy nhiên, sở thích của ông Đoàn là võ nghệ, chẳng theo con đường khoa cử. Với võ nghệ cao siêu, Nguyễn Đình Đoàn sau đó đã thành lập hẳn một đạo quân chuyên đi cướp của người giàu chia cho dân nghèo. Chính quyền lúc đó rất căm giận nhưng chẳng làm gì được ông và mặc cho ông xưng vương xưng bá cả phủ Thanh Uy, nay là xã Thanh Oai, Hà Nội.
Nguyễn Đình Đoàn có biệt danh là Quản Đoàn. Theo ông Nguyễn Đình Là, đời thứ 7 của dòng họ Nguyễn Đình (Tú Xuất đời thứ 4) kể lại: Với người dân ở Phủ Thanh Oai xưa và các vùng lân cận, cụ Quản Đoàn còn nổi tiếng hơn cả Tú Xuất. Chẳng đem chữ nghĩa ra để trừng trị bọn quan tham như bác Tú Xuất nhà mình mà sẵn có nắm đấm làm vũ khí. Chẳng giữ chức vụ gì trong bộ máy chính quyền đương thời nhưng trong nhà Quản Đoàn vẫn người hầu kẻ hạ, tiền bạc chẳng thiếu.
Công việc chính của Quản Đoàn là... đi cướp, tất nhiên ông chỉ cướp nhà quan và nhà giàu để chia cho dân nghèo. Cái cách đi cướp của ông cũng chẳng giống ai. Trước lúc đi cướp ông thông báo rộng rãi cho mọi người biết, kể cả đối tượng sắp sửa bị ông cướp. Cứ trống dong cờ mở như trước khi ra trận, hô hoán dân nghèo chuẩn bị mọi thứ đựng thóc gạo hay bất cứ cái gì cướp được. Đến ngày là xuất quân, cướp được bao nhiêu chia cho dân bằng hết. Lúc bấy giờ gần phủ Thanh Uy còn có Tư So, hai con người ngỗ ngược này bắt tay lại với nhau và làm nên đội quân nổi tiếng khắp vùng.
Ngông hết chỗ nói
Một câu chuyện khác kể rằng, nhà Quản Đoàn nằm ngay gần đường, một trưa đang ngủ ngon ông bỗng giật mình bởi tiếng rao của cô bán hàng xáo. Ông cho quân gọi vào rồi cho cô này đi bộ từ trưa đến chiều tối quanh sân nhà mình. Đến khi cô này mệt rã chân ông mới cho gọi vào rồi hỏi: "Một ngày đi như vậy cô kiếm được bao nhiêu tiền"?. Sau khi nghe cô gái trả lời ông cho quân mang tiền ra và trả cho cô gái đúng bằng ngày công đó. Trước lúc cô gái về ông bảo: "Từ nay không được quấy rầy giấc ngủ trưa của ông, muốn rao bán tìm chỗ khác". Cô gái ra về và không bao giờ dám bén mảng đến gần nhà Quản Đoàn nữa.
Bàn thờ cụ Đốc và cụ Tú Xuất
Câu chuyện về anh đánh dậm cũng tương tự. Trước nhà Quản Đoàn vốn có con kênh rất nhiều cá. Một lần có một anh đánh dậm không biết nhà "đại ca" Quản Đoàn ở đó và mang dậm đến bì bõm trước cửa. Thấy "mất trật tự", Quản Đoàn cho gọi vào và bắt đánh dậm ngay giữa...sân gạch nhà mình. Suốt một ngày trời khi anh này kiệt sức ông gọi vào lại cho tiền và căn dặn. Từ đó chẳng những anh này mà tất cả những tay đánh dậm chẳng ai dám mò đến trước nhà Quản Đoàn.
Cháu làm liên lụy đến chú
Có người nói Tú Xuất vì tham gia trong đội quân Tam Đường chống Pháp nhưng thất bại nên cụ lánh nạn và mất tích luôn. Thế nhưng, con cháu cụ Tú Xuất ngày nay lại khẳng định, nguyên nhân chính khiến cụ Tú biệt tăm mất dạng, các tài liệu cũng không có vì chính cháu mình là ông Quản Đoàn đã làm liên lụy.
Nếu như trong dòng tộc Nguyễn Đình ai ai cũng ngưỡng mộ cụ Nguyễn Đình Lập (bố Tú Xuất) và Tú Xuất thì ông Quản Đoàn lại không dành được sự ái mộ đó. Vẫn biết, Quản Đoàn là người ngang ngược và ở thời điểm đó có người vẫn xem là anh hùng nhưng người trong họ tộc thì không bởi dù sao ông cũng mang tiếng là tướng cướp. Quản Đoàn lúc đó căm giận chính quyền đương đại nhưng những việc làm của ông nhiều khi cũng để lại hậu quả và khiếp đảm cho không ít người.
Bác họ cũng không tha
Nhà Quản Đoàn ngày đó có người bác họ làm chánh Tổng. Với những việc làm có phần quá quắt của ông cháu nên bác chánh Tổng khuyên can Quản Đoàn không nên làm thế. Chẳng những Quản Đoàn không nghe mà ngay sau đó còn cho quân đến thiêu rụi nhà bác. Ngọn lửa cháy ròng mấy ngày và người dân tổng Phương Trung lúc đó (xã Phương Trung ngày nay) bị một phen khiếp sợ. Đó mãi mãi là một vết nhơ trong dòng họ Nguyễn Đình mà chẳng ai muốn nhắc đến. Ngôi nhà bị đốt chính là nhà ông Nguyễn Đình Là, cháu cụ Quản Đoàn ngày nay đang sinh sống (Thôn Tân Tiến, xã Phương Trung). Nhắc đến vết thương lòng đó, ông Là, ông Hảo đều không giấu được nỗi buồn.
Một câu chuyện kể rằng, xưa Quản Đoàn thường ngồi trên lưng ngựa thăm thú quanh làng. Ngựa ông đi đến đâu mà đuôi vẫy vướng phải cổng hay tường rào nhà nào thì bất kể chủ nhân nhà đó là ai ông cũng cho quân san phẳng. Thế nhưng, Quản Đoàn cũng chỉ quậy được một thời gian, sau đó ông bị chính quyền lúc đó bắt và bị xử chém bêu đầu. May mắn, một người dân trong làng đã ăn cắp được chiếc đầu mang về cho họ Nguyễn Đình để chôn ở đó.
Sau vụ Quản Đoàn bị chém đầu, người trong họ tộc rất sợ hãi. Tú Xuất, đã bị căm ghét nay đến Quản Đoàn bị bêu đầu. Người trong họ sợ đến mức không ai còn dám nhắc đến tên hai người này vì sợ bị liên lụy. Ông Hảo phỏng đoán rằng: Tú Xuất lúc đó đang ở Hà Nội nhưng với việc cháu mình bị chém đầu nên không dám về làng và mất tin tức từ đó. Vì sợ liên lụy nên trong một thời gian dài chẳng ai còn dám nhắc đến tên Tú Xuất.
Các tài liệu, gia phả ghi chép về con người tài ba này lại càng không có. Ông Quản Đoàn có vợ và hai con, hai con của ông sau này đều là những ông đồ. Thế nhưng những tư liệu về bố mình cả hai con ông cũng chẳng dám chép lại. Ngày đó tội chém đầu, chết không toàn thây là chuyện quá lớn và không hề bình thường.
Chính vì thế, trong gia phả dòng tộc Nguyễn Đình, cụ Đốc được ghi chép rất rõ còn cụ Tú Xuất lại chỉ sơ qua có vài dòng. Hiện nay, anh Nguyễn Đình Dũng đã dành hẳn tầng hai nhà mình làm chỗ thờ cụ Đốc và cụ Tú Xuất, một sự kính trọng rất lớn. Thế nhưng, điều anh Dũng cũng như những người trong họ day dứt là không tìm thấy mộ Tú Xuất ở đâu để được nhang khói như người bố của Tú Xuất, cụ Đốc.
Nguyễn Tiến Dũng