Bán dần vốn để trả nợ
Công ty Cổ phần Văn hóa Phương Nam (PNC) vừa công bố nghị quyết đại hội cổ đông (ĐHCĐ) về phương án chuyển nhượng 7,5% vốn góp còn lại của PNC tại công ty TNHH CJ CGV Việt Nam (CGV Việt Nam).
Theo đó, PNC đã gửi 1.276 thư đảm bảo cho cổ đông, những người đang sở hữu và đại diện sở hữu 10.799.351 cổ phần.
Kết quả kiểm phiếu cho thấy, PNC nhận được 23 ý kiến của 23 cổ đông gửi về hợp lệ. Tuy nhiên, 23 cổ đông này sở hữu hoặc đại diện phần lớn cổ phần, hơn 10 triệu cổ phiếu, tương ứng 92,76% vốn điều lệ công ty. Không có phiếu gửi về không hợp lệ.
Trong 23 phiếu nhận được thì có 22 phiếu tán thành, 1 phiếu không có ý kiến.
Giá vốn khoản đầu tư hơn 11 tỷ đồng. Giá trị chuyển nhượng dự kiến là 101 tỷ đồng. HĐQT PNC giao Tổng giám đốc tìm kiếm, lựa chọn đối tác nhận chuyển nhượng, triển khai đàm phán với các bên liên quan và hoàn tất việc chuyển nhượng theo thời hạn dự kiến là trong năm 2018.
Mục đích của việc chuyển nhượng là ưu tiên trả nợ cho các đối tác, nhà cung cấp theo đúng thời hạn cam kết, bổ sung vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh và chi tạm ứng cổ tức năm 2018.
Trước đó, như báo Người Đưa Tin đã phản ánh, hồi tháng 6/2018, PNC cũng tính chuyển nhượng 12,5% vốn điều lệ CGV Việt Nam với giá 160 tỷ đồng để trả nợ.
Đối tác nhận chuyển nhượng là công ty Cổ phần Đầu tư Kim Cương Đen hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.
Nguyên nhân được PNC trình là do tình hình kinh doanh khó khăn tích luỹ trong nhiều năm qua đến nay tài chính công ty đang hết sức khó khăn. Tổng nợ phải trả nhà cung cấp đến ngày 18/5/2018 là 321 tỷ đồng.
Trong đó khoản nợ với đối tác CJI gồm nợ gốc 7 triệu USD tương đương 159,6 tỷ đồng và lãi vay khoảng 18,5 tỷ đồng được công ty thế chấp bằng toàn bộ phần vốn góp của PNC vào công ty TNHH CJ CGV đến hạn thanh toán là 30/6/2018 không được tiếp tục gia hạn.
Không rõ phương án bán 12,5% vốn nói trên có suôn sẻ hay không, tuy nhiên tại báo cáo tài chính quý II/2018 mà PNC công bố, trong danh mục công ty liên kết thì PNC vẫn ghi nhận đang sở hữu 20% vốn tại CGV.
CGV Việt Nam hiện do tập đoàn CJ (Hàn Quốc) sở hữu 80%. Chuỗi rạp chiếu phim CGV ở Việt Nam tính đến cuối năm 2017 có 53 cụm rạp với 324 phòng chiếu.
Năm 2017, doanh thu CGV Việt Nam đạt gần 2.900 tỷ đồng, trong đó doanh thu chiếu phim khoảng 1.460 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng doanh thu của thị trường phim Việt năm 2017 khoảng 3.220 tỷ đồng
CGV hiện nắm hơn 45% thị phần chiếu phim, cao hơn cả 4 chuỗi Lotte, Galaxy, BHD và Trung tâm chiếu phim Quốc gia Việt Nam cộng lại.
Ngoài ra, thị phần phát hành phim của CGV lên tới hơn 60%.
Vì sao bán vốn?
Công ty CP Văn hóa Phương Nam là một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực xuất bản phẩm và văn hóa phẩm tại Việt Nam.
Năm 2017, doanh thu bán hàng của PNC đạt 606 tỷ đồng, tăng nhẹ so với con số 542 tỷ đồng của năm 2016.
Tuy nhiên, chỉ riêng hai chỉ tiêu giá vốn hàng bán (hơn 420 tỷ đồng) và chi phí bán hàng (hơn 200 tỳ đồng) đã ăn mòn con số doanh thu, cộng với các chi phí khác đã khiến cho lợi nhuận 2017 ghi âm 66,5 tỷ đồng, là mức lỗ cao nhất kể từ khi công ty thành lập đến nay.
Kết thúc 2017, PNC vẫn ghi nhận lỗ lũy kế 106 tỷ đồng, gần xấp xỉ bằng vốn góp chủ sở hữu (hơn 110,4 tỷ đồng). Các khoản nợ ngắn hạn của PNC lên tới 477 tỷ đồng trong khi giá trị tài sản ngắn hạn chỉ còn 297 tỷ đồng.
Cổ phiếu của PNC đã rơi vào diện kiểm soát kể từ ngày 27/2/2018. Nếu tiếp tục thua lỗ, cổ phiếu PNC có khả năng huỷ niêm yết do lỗ luỹ kế vượt vốn chủ sở hữu.
Tình hình ngày càng khó khăn hơn do các phương án khác để Văn hóa Phương Nam có thể xoay xở vốn đều thất bại. Đề xuất tăng vốn điều lệ không được đại hội đồng cổ đông thông qua; không vay được ngân hàng do không có tài sản đảm bảo; không có tài sản cố định có giá trị để bán được.
Trong khi đó, hàng tồn kho PNC tăng cao, tồn đọng từ nhiều năm qua nhưng tỷ trọng hàng không luân chuyển, chậm luân chuyển rất lớn, không có khả năng bán thu hồi vốn.
"Nếu không giải quyết kịp thời thì nguy cơ mất khả năng chi trả là không thể tránh khỏi dẫn đến rủi ro lớn cho PNC. Nếu PNC không trả được khoản vay nợ đến hạn, chủ nợ có thể áp dụng các biện pháp mạnh để thu hồi khoản nợ", Chủ tịch HĐQT Văn hóa Phương Nam – ông Đặng Bá Tùng khẳng định.
Tại báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2018, PNC có một số chỉ số tăng nhẹ, tuy nhiên nguyên nhân chỉ xuất phát từ các biện pháp xử lý tài chính nội bộ chứ không phải hoạt động kinh doanh bên ngoài tăng trưởng.
Tính đến 30/6/2018, tổng tài sản của PNC là 585 tỷ đồng, nhưng nợ phải trả đã là 548 tỷ đồng.
Hé lộ bất thường vụ PNC bán vốn tại CGV
Theo tờ VnEconomy, hiệp hội Phát hành và Phổ biến phim Việt Nam vừa có báo cáo gửi bộ Tài chính, phản ánh việc ngành điện ảnh Việt Nam đang gặp khó khăn lớn bởi sự chiếm lĩnh, chèn ép từ doanh nghiệp nước ngoài.
Theo Hiệp hội này, công ty TNHH CJ CGV (CGV), một doanh nghiệp liên doanh có nguồn gốc công ty mẹ tại British Virgin Islands (thiên đường thuế BVI) đang có nhiều động thái khó hiểu.
Hiện CGV nắm 60% thị phần phát hành phim và hơn 40% thị phần rạp chiếu phim tại Việt Nam, những năm qua mặc dù liên tục mở rộng hệ thống nhưng lợi nhuận lại ngày càng giảm dần.
Cụ thể, năm 2012 sau khi đổi chủ, CGV lãi 137 tỷ đồng nhưng các năm sau đó, lợi nhuận giảm dần xuống 118 tỷ đồng năm 2013, rồi 70 tỷ đồng năm 2014 và đến năm 2015 chỉ còn 31,5 tỷ đồng.
Tới năm 2016, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này có sự xoay chiều đáng kể. Lợi nhuận cả năm 2016 đạt 93,36 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với năm 2015, và năm 2017 ghi nhận lợi nhuận khoảng 140 tỷ đồng.
"Việc tăng lợi nhuận trong 2 năm này khá trùng hợp với kế hoạch của CGV về việc niêm yết cổ phiếu của mình trên sàn chứng khoán vào năm 2018", báo cáo cho hay.
Đối với thương vụ PNC bán vốn tại CGV, hiệp hội chỉ ra điều khó hiểu rằng, 7 năm qua, quy mô của hệ thống CGV đã tăng lên gấp 3 lần trong khi Văn hóa Phương Nam lại dự định thoái vốn với mức giá chưa đến 60% mức định giá cách đây 7 năm là một phương án có phần khó hiểu.