Vì sao Vimedimex coi thường quy định của pháp luật?

Vì sao Vimedimex coi thường quy định của pháp luật?

Duong Quang Sơn

Duong Quang Sơn

Thứ 4, 16/11/2016 10:55

Trong nhiều dự án mà Tập đoàn Dược phẩm Vimedimex (Vimedimex Group) triển khai như dự án B4 Nam Trung Yên (Yên Hòa, Cầu Giấy), CT8 Mỹ Đình- Mễ Trì (Nam Từ Liêm) đã thể hiện rõ sự coi nhẹ pháp luật…

Tại dự án B4 Nam Trung Yên (Yên Hòa, Cầu Giấy), chủ đầu tư đã triển khai xây dựng công trình trong khi chưa được các cấp chính quyền cấp phép xây dựng, thể hiện rõ trong bài viết: “Cuộc ‘trốn chạy’ giấy phép kỳ lạ ở hai ‘đại’ dự án bất động sản” và bài viết: “Vimedimex lợi dụng 'giấy phép con' để qua mặt cơ quan chức năng”.

Đi sâu tìm hiểu, PV còn thu thập được nhiều thông tin liên quan đến những dấu hiệu bất thường trong hàng loạt dự án của Vimedimex Group.

Hồ sơ điều tra - Vì sao Vimedimex coi thường quy định của pháp luật?

 Dự án B4 Nam Trung Yên

Tại dự án B4 Nam Trung Yên được công ty Công ty CP đầu tư xây dựng phát triển nhà số 7 Hà Nội (Handico 7) và Công ty CP phát triển nhà ở Bắc Từ Liêm (Công ty Bắc Từ Liêm – PV) là công ty “con” của Vimedimex Group đã cho triển khai dự án với tên gọi đầy mỹ miều: “Nhà phố thương mại Belleville Hà Nội”, trong khi TP. Hà Nội đang yêu cầu chủ đầu tư phải liên hệ với các cơ quan chức năng thực hiện đủ nghĩa vụ pháp lý.

Không những thế, các căn hộ ở đây đang được rao bán với giá từ 150 - 200 triệu đồng/m2. Mặc dù dự án chưa hoàn thiện các nghĩa vụ pháp lý về đất đai (vấn đề này sẽ được chúng tôi đề cập cụ thể trong bài viết sau) và đặc biệt chưa được cấp phép xây dựng, nhưng đơn vị phân phối chính thức sản phẩm dự án là Công ty Đất xanh miền Bắc đã khẳng định chắc như đinh: Dự án đã được khởi công một tháng trước sẽ bàn giao nhà cho khách hàng vào quý II/2017.

Đối chiếu các quy định pháp luật cho thấy, dự án phát triển nhà ở có quy mô dưới 7 tầng và tổng diện tích sàn dưới 500m2 có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì được miễn phép xây dựng. Tuy nhiên, theo bản phê duyệt 1/500 của chủ đầu tư giới thiệu thì dự án có diện tích căn hộ từ 114m2 - 310m2 xây dựng. Với quy mô 7 tầng thì tổng diện tích các căn biệt thự đó đều có tổng diện tích xây dựng trên 500m2. Vì vậy, dự án trên phải xin giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, chủ đầu tư là Công ty Bắc Từ Liêm đã không cần quan tâm đến quy định của pháp luật, mà “tự ý” khởi công công trình.

Theo giấy phép xây dựng số 758/GPXD ngày 7/10/2016 của UBND quận Cầu Giấy cấp cho Công ty Bắc Từ Liêm (có địa chỉ tại tầng 6, tòa nhà Vimedimex Group số 46-48 Bà triệu, phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) thì giấy phép trên chỉ được phép xây dựng hạ tầng kỹ thuật như đường nội bộ, hệ thống thoát nước mưa...

Tuy nhiên, cùng ngày 7/10/2016, Công ty Bắc Từ Liêm đã thông báo khởi công xây dựng công trình với đầy đủ các nội dung như có tên dự án, có địa điểm xây dựng, nguồn vốn đầu tư, có diện tích xây dựng, tổng diện tích sàn và số tầng.

Hồ sơ điều tra - Vì sao Vimedimex coi thường quy định của pháp luật? (Hình 2).

Ngày 10/10 TP. Hà Nội mới yêu cầu chủ đầu tư liên hệ với sở Xây dựng để cấp phép xây dựng, nhưng trước đó ngày 7/10 dự án đã có thông báo khởi công bằng "giấy phép con" của cấp quận.

Theo thông báo khởi công xây dựng công trình do bà Đào Thị Hải Yến, Tổng GĐ Công ty Bắc Từ Liêm ký, đề ngày 7/10. Căn cứ để đơn vị này “phát lệnh” khởi công là bản giấy phép xây dựng số 758 của UBND quận Cầu Giấy, cũng ký ngày 7/10.

Xin được khẳng định thêm một lần nữa, đây là thông báo “khởi công công trình” chứ không phải thông báo khởi công “hạ tầng kỹ thuật của công trình” như bản giấy phép xây dựng đã được UBND quận Cầu Giấy cấp.

Việc làm này của Vimedimex được đánh giá là hết sức liều lĩnh, nhưng bất ngờ là nó đã “qua mặt” dễ dàng các cơ quan quản lý quận Cầu Giấy và các cấp hữu quan của TP. Hà Nội.

Điều khiến PV khó hiểu hơn, là đến 3 ngày sau khi công trình được chủ đầu tư phát đi thông báo khởi công, thì ngày 10/10, UBND TP. Hà Nội mới ban hành Quyết định 5642 về việc điều chỉnh dự án.

Tại Quyết định 5642 này, UBND TP. Hà Nội đã yêu cầu chủ đầu tư phải: “Liên hệ với Sở Xây dựng để hướng dẫn thủ tục cấp phép xây dựng theo quy định”. Nhưng có vẻ không cần đến chức năng của Sở Xây dựng, chủ đầu tư đã vô tư thực hiện vì đã có “tấm thẻ xanh” ở cấp quận.

Liệu có phải UBND quận Cầu Giấy và Công ty Bắc Từ Liêm biết trước được kế hoạch của TP. Hà Nội để “chạy trước đón đầu”, hay tại UBND TP. Hà Nội ra quyết định… “nhầm ngày”? Và liệu bản “giấy phép xây dựng” của UBND quận Cầu Giấy có phải cũng “nhầm” luôn cho dự án? Có lẽ câu hỏi này chỉ có những người trong cuộc mới có thể trả lời cho ngọn ngành.

Hồ sơ điều tra - Vì sao Vimedimex coi thường quy định của pháp luật? (Hình 3).

Chủ đầu tư "phớt lờ" quyết định của UBND TP. Hà Nội về việc phải xin giấy phép xây dựng

Ngoài ra, khu đất B4 được quy hoạch xây dựng công trình cao tầng. Nhưng đến nay, khu đất này được chuyển đổi dự án xây dựng nhà thấp tầng. Theo quy định, dự án chuyển đổi thấp tầng còn phải được liên ngành tính tiền sử dụng đất với cách tính của nhà thấp tầng là giá tiền sử dụng đất tương đương giá thị trường. Chỉ cần đối chiếu nhanh, thì dự án này phải nộp lên đến con số gần 1.000 tỷ đồng tiền sử dụng đất. Giả sử nếu dự án đã được các nhà đầu tư chọn lựa và “xuống tiền”, đương nhiên chủ đầu tư nghiễm nhiên đút túi cả 1.000 tỷ đồng, còn tiền thuế của Nhà nước thì… vẫn nợ.

Trong khi chủ trương ban đầu của UBND TP. Hà Nội là chấp thuận cho công ty Handico 7 khai thác quỹ đất tại B4 Nam Trung Yên để tạo nguồn thu hỗ trợ thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Nguyễn Công Trứ (Hai Bà Trưng, Hà Nội), nhưng thực tế cho thấy, dự án cải tạo, xây mới khu tập thể Nguyễn Công Trứ vẫn chưa được như mong đợi thì Dự án B4 Nam Trung Yên đang nhằm đến mục đích thương mại rõ rệt mang thương hiệu: “Vimedimex Group”.

Vậy ai sẽ đảm bảo cho khoản tiền “khổng lồ” hàng nghìn tỷ đồng không bị mất, trong khi các cơ quan chức năng đã bị “qua mặt” nhẹ nhàng? Câu hỏi này đang rất cần UBND TP. Hà Nội vào cuộc để trả lời dư luận.

Còn nữa…

Cần làm rõ khoản vay hàng nghìn tỷ ở ngân hàng

Theo quy định, để đủ điều kiện cấu thành một dự án có thể mang đi thế chấp ngân hàng phải đáp ứng các điều kiện sau: Dự án phải được UBND TP. Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đầu tư hoặc quyết định đầu tư (theo Luật đầu tư năm 2014); Dự án phải được phê duyệt 1/500, có thẩm tra thiết kế cơ sở và thẩm định thiết kế kỹ thuật; Dự án phải có quyết định giao đất; Dự án phải có quyết định giá đất; Nộp thuế toàn bộ hoặc một phần; Phải có giấy phép xây dựng.

Thế nhưng, theo những gì mà PV thu thập được, nhiều dự án của Vimedimex Pharma, dù không đủ điều kiện như trên, nhưng vẫn được các ngân hàng “xuống tay” cho vay những khoản tiền “khủng”.

Theo một con số chưa chính thức, số tiền các ngân hàng cho Vimedimex Pharma vay tiền bằng việc thế chấp các dự án không đủ điều kiện cũng đã lên đến con số hàng nghìn tỷ đồng.

Vậy vì sao các ngân hàng lại bất chấp các quy định để “xé rào” chi những khoản tiền không hề nhỏ. Đương nhiên, có một kịch bản được nhắc đến với những cái “bắt tay” hưởng lợi.

Nhóm Phóng viên

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.