Theo phản ánh của bạn đọc, hiện có một số nhà xe không có lốt vào bến nhưng đã tìm cách “lách luật” để được hoạt động một cách công khai. Qua tìm hiểu, PV đã ghi nhận được có tình trạng trên xảy ra ở một số bến xe. Về vấn đề này, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Nguyễn Đức Vui – Giám đốc Bến xe Gia Lâm cho biết: “Đầu tiên chúng tôi xin ghi nhận những thông tin mà phóng viên và cơ quan báo chí cung cấp. Đối với những phản ánh về việc xe không có lốt mà được vào bến hoạt động, chúng tôi sẽ cho tiến hành kiểm tra lại để quản lý chặt chẽ hơn”.
Vị Giám đốc Bến xe Gia Lâm cũng thông tin: “Theo quy định, để đảm bảo an toàn giao thông, tránh gây ách tắc đối với việc bắt khách, trả khách ở ngoài đường nên công ty có quy định cho xe vào bến trả đồ, trả khách. Đối với những xe vào bến theo quy định này sẽ phải mua vé giá 50 nghìn đồng/ lượt. Họ vào bến trả đồ, trả khách xong là phải ra khỏi bến ngay”.
Vị này khẳng định, vì không có trong danh sách đăng ký hoạt động tại bến nên những xe này sẽ hoàn toàn không được đón khách, xếp khách tại bến.
Cũng theo ông Vui, đối với loại xe 16 chỗ chạy tuyến Quảng Ninh – Hà Nội chỉ có một xe đăng ký hoạt động ở bến. Còn BKS xe mà PV cung cấp thì không đăng ký hoạt động theo tuyến cố định. Do đó, để có thể vào bến thì xe này chỉ thông qua việc mua vé theo quy định.
Ông Vui khẳng định, qua thông tin PV cung cấp, ban quản lý sẽ thắt chặt đối với những xe lợi dụng việc vào bến trả khách để bắt khách.
Liên quan đến hiện tượng trên, ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Bến xe Mỹ Đình cho biết, quy định của bến Mỹ Đình, xe không có hợp đồng sẽ không được vào bến hoạt động. Trừ trường hợp một số xe tăng cường vào dịp lễ tết thì được vào bến hoạt động, nhưng những xe này cũng phải có phù hiệu riêng biệt.
“Ở khu phía sau bến Mỹ Đình có một số xe dưới 9 chỗ hay xe khách được phép vào để trả hàng, trả khách. Những xe vào trả hàng phải mua vé theo quy định là 50 nghìn đồng/ lượt. Tuy nhiên, xe này không được đón, xếp khách tại đây. Trừ một số xe có lốt hoạt động, được chờ xếp khách khi đủ số lượng thì rời bến”, ông Tuấn cho hay.
PV đặt câu hỏi: “Có một số xe 16 chỗ hoạt động trả hàng và sau đó bắt khách. Khách ra đến cổng C sẽ đi xuống, xe qua cổng thì hành khách lại tiếp tục lên xe. Ban quản lý bến xe Mỹ Đình có nắm được vấn đề này?”
Lý giải cho nội dung này, ông Tuấn nói: “Cũng có trường hợp một số xe mua vé vào bến trả hàng, trả khách để lưu lại bến. Đây là các trường hợp xe của họ bị gặp sự cố bất ngờ. Có những nhà xe họ lợi dụng để đón khách nhưng đây không phải là nhiều.
Bên cạnh đó, cũng có một số nhà xe lợi dụng vào trả hàng nhưng vì có một số khách quen nên họ liên hệ với nhau bằng điện thoại để bắt khách. Đây cũng là kẽ hở trong quản lý bị các xe lợi dụng. Tới đây chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại”.
Thời gian qua, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng đã góp phần giảm tình trạng bến cóc, xe dù, xe dừng đón trả khách sai quy định. Thế nhưng, nếu công tác này không được làm thường xuyên, tích cực, thì trật tự an toàn giao thông cuối năm khó được đảm bảo. Để kiểm soát chặt với xe khách liên tỉnh trá hình, bến xe núp bóng, lực lượng Thanh tra GTVT và CSGT các trạm, chốt cần tăng cường xử phạt với những xe khách chạy vào nội thành căn cứ vào phù hiệu dán trên xe.
Trong một diễn biến khác, trao đổi với PV về hiện tượng nêu trên, đại diện sở GTVT Hà Nội khẳng định, xe khách không có phù hiệu, không có trong danh sách lốt ở bến xe quản lý là xe không được hai đầu sở GTVT cấp phép.
Đây là những xe lợi dụng kẽ hở quản lý để hoạt động trái phép. Lãnh đạo sở GTVT khẳng định sẽ kiểm tra xem loại xe này hoạt động dưới hình thức như thế nào. Nếu xe hoạt động theo dạng hợp đồng thì cần phải kiểm tra hợp đồng và danh sách hành khách trên xe. Sở sẽ cho kiểm tra, nếu có sẽ xử lý nghiêm theo quy định.
Nguyên Mạnh - Thế Anh