Vị thẩm phán với ngón đờn ca tài tử

Vị thẩm phán với ngón đờn ca tài tử

Thứ 5, 27/12/2012 23:43

Lê Hoàng Tấn được biết đến với chức danh nghề nghiệp là thẩm phán Tòa án Nhân dân TP.HCM. Nhưng những người yêu thích âm nhạc truyền thống lại biết đến ông là một nghệ nhân, với những ngón đờn ca tài tử say đắm lòng người.

Đến với âm nhạc như duyên nợ

Lê Hoàng Tấn sinh ra trong một gia đình không có một ai theo nghiệp đờn ca, hay làm nghệ thuật. Ngay bản thân ông lúc nhỏ cũng không hề mơ đến một ngày mình sẽ trở thành nghệ nhân, mang tiếng đàn lời ca đến cho mọi người.

Lạ & Cười - Vị thẩm phán với ngón đờn ca tài tử

Nghệ nhân dân gian Lê Hoàng Tấn.

Vị thẩm phán tài hoa kể lại: Thời thanh niên, ở độ tuổi đôi mươi, một lần, tình cờ ông theo những người bạn đi học ở một lớp dạy đờn ca tài tử. Lúc mới đầu, ông học chỉ suy nghĩ là học cho vui. Thế nhưng càng về sau, tiếp xúc nhiều với những thầy cô dạy đờn ca tài tử, quen biết một vài nghệ sĩ, ông lại càng thêm đam mê môn nghệ thuật này.

Lúc này, ông học đờn ca tài tử không còn chỉ để cho vui nữa mà tìm hiểu về nó một cách có ý thức và bài bản hơn. Kết quả cho những tháng ngày miệt mài đó là năm 1989, ông giành huy chương ở giải Bông lúa vàng đờn ca tài tử trên đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM. Sau đó, Lê Hoàng Tấn được TT Văn hóa TP.HCM mời về tham gia Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ đờn ca tài tử cùng nhiều nghệ nhân khác. Lúc này ông cũng đã trở thành một thẩm phán, công tác tại Tòa án Nhân dân TP.HCM.

Mỗi ngày, ngoài công việc của một thẩm phán, giảng viên thỉnh giảng tại Học viện Tư Pháp, trưởng Ban Tuyên truyền Pháp luật Hội Luật gia TP.HCM, ông còn tham gia giảng dạy, đàn hát, sáng tác và cả biên soạn dàn dựng những bản đờn ca tài tử. Ông say mê rèn luyện, tìm tòi phương thức xử lý làn hơi, chất giọng. Đồng thời, ông học thêm cách sử dụng nhiều loại nhạc cụ như đàn kìm, đàn sến, guitar phím lõm, v.v...

Tuy không hoạt động trên sân khấu chuyên nghiệp, nhưng nhiều bài do ông soạn lời mới và ca diễn đã đoạt huy chương vàng trong các kỳ liên hoan nghệ thuật như bài vọng cổ nhịp 16 Ngày đại thắng, thể điệu xàng xê hay bản Nỗi lòng người mẹ... Ngoài ra, ông còn được nhiều giải thưởng sáng tác hay nhất tại các kỳ liên hoan. Không chỉ tham gia giảng dạy tại CLB đờn ca tài tử TP.HCM, ông còn cất công về một số tỉnh, truyền dạy đờn ca tài tử cho các CLB. Ngoài ra, ông còn tham gia vào những buổi biểu diễn, liên hoan nghệ thuật đờn ca tại TP.HCM. Công việc này với ông là một niềm vui, một món quà đầy bất ngờ của cuộc sống.

Người giữ lửa cho nghệ thuật đờn ca tài tử

Nghệ nhân Lê Hoàng Tấn cho biết hiện có nhiều nơi tổ chức CLB đờn ca tài tử, nhưng đều bị tan rã nhanh chóng. "Từ khi tham gia CLB đờn ca tài tử của TT Văn hóa TP.HCM, tôi đã mở lớp dạy, lập kế hoạch nội dung ngay từ đầu. Vì vậy hoạt động không bị động. Ngoài việc đờn ca giao lưu chơi, chúng tôi còn tổ chức học tập, nghiên cứu sưu tầm, đánh giá đúng sai trong đờn ca tài tử. Từ đó có hướng phát triển sinh động hơn", ông tâm sự.

Mỗi năm CLB này chỉ mở một khóa trong vòng 6 tháng. Học viên theo học tại CLB là đủ các lứa tuổi, trình độ, giới tính. Lê Hoàng Tấn cho biết: "Không chỉ những người già, người lao động bình dân mới yêu thích đờn ca tài tử mà cả những người có địa vị và giàu có cũng đam mê, cất công theo học".

Từ đó ông nhận ra rằng, trong bản thân mỗi người đều có tình yêu dành cho âm nhạc truyền thống chỉ là chưa được khơi gợi đúng mức. Vì thế khi trở thành chủ nhiệm CLB đờn ca tài tử, ông mở lớp dạy đờn ca dạy miễn phí 6 tháng cho nhiều người. Sau khóa học, người học có thể am hiểu những vấn đề cơ bản nhất của đờn ca. Ngoài học, học viên còn tham gia góp ý, cải tiến bài bản. Đến nay, CLB đã tổ chức được 4 khóa học trong vòng 4 năm, đào tạo nhiều người trở thành nghệ sĩ, đoạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi đờn ca tài tử.

Nghệ nhân Lê Hoàng Tấn còn cho ra mắt bộ đĩa DVD gồm hơn 20 đĩa về những bài bản cổ của đờn ca tài tử. Đây là tài liệu cơ bản nhất về đờn ca tài tử. Đĩa minh họa một bên là hình ảnh giảng viên đang dạy và một bên là chữ nhạc hoặc lời ca, có nhịp. Nhờ những đĩa nhạc này mà học viên có thể tự học và hát theo. Không chỉ có thế, ông còn giúp đỡ miễn phí cho các địa phương có nhu cầu mở lớp đờn ca tài tử, và tìm nhiều nghệ sĩ kinh nghiệm, có tâm huyết xuống chỉ dạy cho học viên.

Bằng tâm huyết của mình, ông đã truyền ngọn lửa say mê nghệ thuật đờn ca tài tử đến nhiều người, thuộc nhiều lứa tuổi, thành phần xã hội khác nhau. Như ông từng nói, đờn ca tài tử là vốn văn hóa tinh thần truyền thống của dân tộc, cần được gìn giữ và phát huy. Trong khi một bộ phận đông đảo giới trẻ quay cuồng, chạy theo thể loại nhạc trẻ thị trường, quay lưng lại với âm nhạc dân tộc, thì đâu đó vẫn có những người như ông - một tiến sĩ luật, một thẩm phán nhưng vẫn cố gắng tìm tòi, bỏ công sức để gieo những hạt mầm tình yêu âm nhạc đến với nhiều người khác. Ông mong muốn đờn ca tài tử sẽ không bị mai một mà đi vào đời sống của người dân như món ăn tinh thần không thể thiếu.

Ngày 14/9 mới đây, Lê Hoàng Tấn được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao bằng công nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian và kỷ niệm chương Vì sự nghiệp văn nghệ dân gian Việt Nam lĩnh vực thực hành và truyền dạy đờn ca tài tử. Tính đến nay, Nghệ nhân dân gian Lê Hoàng Tấn đã truyền dạy cho hơn 400 học viên, chủ biên và phát hành hơn 1.000 giáo trình và bộ đĩa DVD dạy đờn ca các bản tài tử.

Hương Lam


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.