Nếu đã đọc qua Tây du ký, thì ai cũng biết Tôn Ngộ Không là con khỉ được sinh ra từ một viên đá thiêng hấp thụ linh khí trời đất hàng ngàn năm mà tạo thành. Nhưng ít ai biết rằng viên đá này còn ẩn giấu huyền cơ, theo tích Nữ Oa dùng đá vá trời viên đá trên đỉnh Hoa Quả Sơn không phải viên đá thiêng bình thường mà nó là mảnh còn sót lại của đá ngũ sắc được cho là chứa một phần tinh phách của Nữ Oa.
Trong một truyền thuyết Trung Hoa cổ đại, sau khi Bàn Cổ khai thiên lập địa, trần gian đã có sông nước, cây cỏ và muông thú, mưa nắng thuận hòa. Nữ Oa nhìn cảnh vật, núi non vắng lặng liền quyết định phỏng theo hình dáng của mình để tạo nên một giống loài mới. Với bàn tay khéo léo của mình, Nữ Oa đã dùng bùn đất để nặn ra hình hài con người, lại thổi khí âm dương, phân chia ra hai giới để duy trì nòi giống.
Sau này, bà vẫn tiếp tục theo dõi và ra tay bảo vệ cho cuộc sống ấm no của họ. Khi hai vị thần Chúc Dung và Cộng Công giao chiến, Cộng Công thua đau liền húc đầu vào cột chống trời, khiến một góc trời đổ sụp, gây ra tai họa cho con người. Thương dân chúng lầm than, Nữ Oa phải tìm kiếm khắp nhân gian, luyện ra được 36.501 viên đá ngũ sắc để vá lại bầu trời. Và viên đá trên đỉnh Hoa Quả Sơn được cho là mảnh còn sót lại của đá ngũ sắc. Yêu kính vị nữ thần này, dân chúng khắp nơi liền lập đền thờ bà, hàng năm nhang khói để tỏ lòng biết ơn.
Nhiều phân tích cho rằng mối quan hệ giữa Nữ Oa và Tôn Ngộ Không là quan hệ nhân quả. Nữ Oa luyện ra đá ngũ sắc vá trời để bảo vệ tam giới là nhân, sau đó tinh phách còn lại của bà trong vụn đá ngũ sắc lại hấp thụ khí thiêng đất trời để tạo ra Thạch Hầu (khỉ đá) là quả. Mối quan hệ nhân quả này cả Thiên đình và Tây Thiên đều không thể xem nhẹ vì có liên quan đến vị nữ thần thượng cổ vĩ đại bậc nhất này.
Có thể nói Nữ Oa được xem như là “mẹ” của Tôn Ngộ Không và ngay từ đầu Thiên đình cũng biết được gốc gác này. Vì thế sau này khi Tôn Ngộ Không trộm gậy Như Ý – đại náo Long cung, sửa sổ sinh tử - đại náo Địa phủ và đỉnh điểm là đại náo Thiên cung – muốn thay thế Ngọc Hoàng làm chủ tam giới… nhưng Ngọc Hoàng và Như Lai cũng không thẳng tay diệt trừ mà chỉ trừng phạt.
Bởi trong Tôn Ngộ Không có hình bóng của Nữ Oa, dù vị nữ thần này đã tiêu biến nhưng truyền thuyết và tiếng tăm của bà vẫn luôn tồn tại và được tôn thờ trịnh trọng.
Bài viết theo quan điểm của tác giả