Tỉnh dậy sau cơn ác mộng, mồ hôi túa ra như tắm. Những hình ảnh lạ lùng một lần nữa xẹt qua não tôi, hệt như một bộ phim hành động đầy kịch tính.
"Tôi" trong giấc mơ dậy từ 3h50 sáng, ấy thế mà vẫn cuống cuồng tìm xe đạp phóng như bay đến bến xe buýt cách làng 2 cây số, rồi nhảy tiếp khoảng 3, 4 tuyến buýt nữa để đi làm. Trên đường thi thoảng lại trông thấy một vài người vừa cưỡi bò, ngựa vừa lấm lét nhìn quanh.
Đến cơ quan trước giờ làm việc nhưng tôi không dám ăn sáng vì quán bánh mì lại tăng giá lên 500 ngàn/ổ. Đứng trong toa-lét soi gương mới thấy quần áo đã sờn màu, tóc tai bờm xờm chắc phải vài tháng chưa cắt. Ra ngoài thấy các chị đang lên kế hoạch tăng gia, nuôi cá, thả tôm trên sân thượng để cải thiện bữa ăn.
Vừa tan làm mẹ đã gọi điện khoe: “Mẹ vừa bị cướp. May quá thằng ấy cưỡi lừa nên bị túm gọn, đưa lên phường luôn” rồi cúp máy ngay, có lẽ do sợ tốn tiền cước. Tôi cười, đang tính đi bộ ra bến thì đột nhiên mắt nổ đom đóm, trời đất quay cuồng.
Trước lúc lịm đi, còn nghe thấy tiếng hô hoán: “Cứu với! Ai có xe máy chở người đi cấp cứu!”. Ai đó thì thào: “Gọi 115 mau. Xăng lại vừa tăng mấy trăm ngàn, tôi bán xe hôm qua rồi!”.
Hú hồn, tất cả những điều đó chỉ xảy ra trong một giấc mơ kỳ quái.
Bởi hiện tại, dù thuế xăng dầu được đề nghị tăng kịch khung cũng “chỉ” lên vài ngàn đồng/lít. Và theo tính toán của bộ Tài chính, nếu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng được tăng kịch khung từ mức 3.000 đồng/lít lên 4.000 đồng/lít, các mặt hàng dầu tăng kịch khung lên 2.000 đồng/lít thì ngân sách cũng được thêm "những" mấy chục nghìn tỷ.
Còn nhớ bộ Tài chính từng đưa ra dự thảo về đề xuất này thời điểm đầu năm 2018 và nhận được nhiều phản ứng của dư luận.
Khi đó Bộ cho rằng giá xăng Việt Nam hiện rẻ hơn nhiều nước và đề xuất đã nhận được đồng thuận của nhiều Bộ, ngành khi đưa ra lấy ý kiến. Mới đây, bộ Tài chính đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thuế bảo vệ môi trường với quan điểm bảo lưu đề xuất cũ (với nội dung như trên).
Hiển nhiên, những người đang sở hữu phương tiện sử dụng hai loại nhiên liệu phổ biến này sẽ cảm thấy không vui; các chủ doanh nghiệp sẽ lo lắng về hoạt động sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng thì không thể đứng ngoài chu trình thắt lưng buộc bụng. Xăng, dầu là đầu vào của nền kinh tế, vì thế nên chẳng ai mong nó phải “cõng” thêm mức thuế nào, bản thân tôi cũng vậy. Nhưng có lẽ đã đến lúc chúng ta cần di chuyển góc nhìn ra xa ví tiền của chính mình và nghĩ tới quyền lợi của những người cùng hít thở chung bầu không khí.
Bởi dựa trên cơ sở dữ liệu của WHO, trung tâm Phát triển và Sáng tạo Xanh (GreenID) phân tích và chỉ ra rằng người dân Hà Nội đang phải tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm xếp thứ hai trong số 23 thành phố được khảo sát ở một số quốc gia Đông Nam Á (gồm Việt Nam, Thái Lan, Myanmar và Indonesia). Bình quân 91% số ngày trong ba tháng đầu năm, mức độ ô nhiễm không khí của Hà Nội vượt tiêu chuẩn cho phép của WHO.
Do đó, dù đề xuất tăng kịch khung thuế môi trường với xăng dầu có được thông qua hay không, ta vẫn phải tự khắt khe với chính bản thân mình mỗi khi sử dụng các sản phẩm gây hại đến môi trường.
Trương Chi