Theo đánh giá chung của Trung tâm, trong số các bể bơi được kiểm tra vẫn còn nhiều điểm chưa đáp ứng các yêu cầu vệ sinh, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người bơi.
Bể bơi mất vệ sinh là nơi ủ nhiều mầm bệnh
Bỏ ngỏ chất lượng?
Một số bể bơi bị "chỉ mặt đặt tên" như Tăng Bạt Hổ, Công viên Cầu Đôi, bể bơi Nhà Văn hóa Hoàn Kiếm, Bách khoa, Xí nghiệp Cung ứng Hàng không... ở những điểm này, khu phụ trợ như nhà tắm, nhà vệ sinh chưa sạch sẽ, tồn đọng rác, rêu bám.
Tại các bể bơi như Công viên Cầu Đôi, Xí nghiệp Cung ứng Hàng không, Trung tâm Thể dục thể thao Quân đội... công tác khử trùng chưa đều, nồng độ clo dư trong nước không có hoặc quá cao, ảnh hưởng không tốt đến da và mắt của người bơi.
Cũng theo Trung tâm Y tế dự phòng, vào những ngày nắng nóng, nhiều bể bơi với diện tích chỉ 200m2 nhưng luôn có tới 200 - 300 người cùng tắm. Nếu đối chiếu với quy chuẩn diện tích tối thiểu cho một khách phải đạt 3m2 thì gần như hầu hết các bể bơi ở Hà Nội không đáp ứng được.
Anh Nguyễn Minh Tuân, Giám đốc Công ty Quà tặng cao cấp UVIP Việt cho biết: "Nhà mình có 2 cháu nhỏ, mấy hôm nay mất điện, trời nóng nên mình hay đưa các cháu đi bơi tại bể bơi Nguyễn Quý Đức. Nước trông thì trong xanh nhưng sặc mùi clo, thỉnh thoảng lại thấy bọ gậy ngoe nguẩy trông mà hãi. Ngâm mình một lúc dưới nước thấy các cháu kêu ngứa, người mẩn đỏ chẳng biết có ảnh hưởng gì không?
Nhưng bơi dần cũng thành quen, bể bơi nào chẳng thế, nắng nóng không xuống tắm nhanh còn chẳng có chỗ mà chen. Muốn bể bơi đảm bảo vệ sinh chắc chỉ đến những khách sạn cao cấp nơi có giá "cắt cổ".
Ông Kiều Văn Hải, Giám đốc Công ty Tư vấn Đầu tư Công nghệ Bách khoa nói: "Tôi là người có con nhỏ, thường xuyên đưa cháu và gia đình đi bơi. Theo đánh giá của tôi, các hồ bơi hiện nay còn tồn tại nhiều bất cập về chất lượng dịch vụ trong đó quan trọng nhất là chất lượng nước trong hồ. Hiện nay vẫn sử dụng chất khử trùng clo trong các bể bơi vì lý do kinh tế. Nếu nước trong bể bơi không được xử lý đạt chuẩn trước khi khử trùng clo sẽ là nguyên nhân tạo ra các chất độc hại đến sức khỏe của người bơi, đặc biệt là trẻ nhỏ...".
Tiềm ẩn bệnh tật
Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học đã chỉ ra: Bể bơi công cộng là nơi rất dễ chứa những mầm bệnh. Ngoài các chất hữu cơ và chất khử trùng, nước trong bể bơi còn chứa thêm mồ hôi, tóc, tế bào chết, nước tiểu (theo kết quả cuộc khảo sát này thì cứ 5 người lớn thì có 1 người thừa nhận đi tiểu trong bể bơi), các loại mỹ phẩm trang điểm và kem chống nắng.
Các chất hữu cơ này thường giàu nitơ, do đó khi kết hợp với các chất khử trùng sẽ tạo ra sự biến đổi về mặt hóa học và chuyển thành các chất độc hại đối với cơ thể. Các chất độc hại này khi tiếp xúc với cơ thể con người trong thời gian dài có thể gây đột biến gen, dị tật, thúc đẩy quá trình lão hóa, gây ra các bệnh về hô hấp...
Ông Lê Hữu Kiển, chuyên gia về công nghệ hóa học cho biết: "Clo kết hợp với chất hữu cơ và nước tiểu trong nước tạo thành Nitrit, nitrogen tricholoride... có nguy cơ ảnh hưởng đến da, gây ung thư da, hen suyễn trẻ nhỏ... Để giảm thiểu nguy cơ đó phải kết hợp nhiều biện pháp: Duy trì nồng độ clo thích hợp, nguồn nước đạt chuẩn trước khi cấp vào bể, thay nước bể hợp vệ sinh theo chu kỳ...".
Trao đổi với PV, Bác sĩ Nguyễn Thị Thắm thuộc Viện Da liễu Hà Nội cho biết: "Những hóa chất sử dụng trong hồ bơi có thể gây ảnh hưởng đến người tắm, tuy nhiên không phải ai cũng bị ảnh hưởng, vì mỗi người thích ứng với môi trường khác nhau. Cùng môi trường nước, có người bị dị ứng, mẩn ngứa nhưng cũng có những người không bị sao.
Tuy nhiên, trong nước tồn tại nhiều vi khuẩn, mầm bệnh chủ yếu là nấm. Chúng có thể sống được trong môi trường nước clo một thời gian dài. Nếu vệ sinh không đúng cách sẽ tạo điều kiện cho một số bệnh lây lan qua đường nước có cơ hội phát triển. Cụ thể như các bệnh đường tiêu hóa do vô tình uống phải nước bẩn tại bể bơi, đường hô hấp (viêm phổi, viêm họng) và nhất là các bệnh ngoài da".
Theo bà Thắm, bản thân Bệnh viện Da liễu Hà Nội cũng tiếp nhận không ít bệnh nhân mắc bệnh sau khi đi bơi, chủ yếu là ghẻ, viêm da, mẩn ngứa... Ngoài ra, cũng nhiều người mắc bệnh về tai, đặc biệt là chứng viêm tai ngoài, một số người còn có nguy cơ bị viêm tai giữa do vi khuẩn xâm nhập vào.
Bác sĩ Thắm cũng khuyến cáo: "Tuy vậy, mọi người cũng không nên sợ đi bơi, hãy chọn cho mình những bể bơi sạch sẽ, hợp vệ sinh. Trước khi xuống bể, mọi người nên tắm sạch giúp loại bỏ bớt mồ hôi, mỹ phẩm. Các bể bơi cũng nên sử dụng hóa chất, phương pháp tẩy uế thích hợp đảm bảo môi trường nước và sức khỏe cho khách hàng".
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương cho biết: "Mới đầu mùa hè nhưng bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ em bị mắc bệnh do đi bơi, chủ yếu là bệnh viêm tai, bệnh đường hô hấp. Theo thống kê, hàng năm có khoảng 30 - 40% trẻ em bị tái phát bệnh tai, mũi, họng do đi bơi tại bể không đảm bảo vệ sinh".
Anh Đức