Vị trưởng thôn bước qua bóng tối 20 năm lầm lỡ

Vị trưởng thôn bước qua bóng tối 20 năm lầm lỡ

Thứ 5, 27/12/2012 23:50

Từ một người từng vào tù ra tội, ông được bà con tin tưởng bầu làm trưởng thôn

Câu chuyện về ông Nguyễn Thành Hưng (làng Phù Khê Thượng, xã Phù Khê, Từ Sơn, Bắc Ninh) bước qua lầm lỗi hơn 20 năm trong tù để được dân tin yêu bầu làm trưởng thôn khiến không ít người ngạc nhiên.

Pháp luật - Vị trưởng thôn bước qua bóng tối 20 năm lầm lỡ

Ông Nguyễn Thành Hưng hiện nay

Tướng cướp lừng danh một thuở

Tiếp chuyện với tôi, ông lật lại trang đầu cuốn tiểu thuyết đời mình từ những tháng ngày đen tối. Ông sinh năm 1953 tại làng Phù Khê Thượng, xã Phù Khê. Gia đình nghèo khó nhưng bố mẹ vẫn chắt chiu nuôi nấng ăn học đàng hoàng. Hết lớp 9, Hưng lên thị xã Từ Sơn học trung cấp sư phạm. Thế nhưng, cũng từ đây, cuộc đời giông tố của Hưng bắt đầu, với những mảng u tối.

Hồi đó, bạn học cùng lớp của Nguyễn Thành Hưng đa số là có điều kiện, còn Hưng lại là cậu bé thôn quê nên trong đầu chàng thanh niên luôn thường trực ý nghĩ là làm sao có tiền, để được sung sướng, thoát nghèo, được ăn ngon mặc đẹp. Thế nhưng, do không được định hướng, Nguyễn Thành Hưng nhanh chóng tụ tập anh em cả trong và ngoài tỉnh thành lập nhóm ăn chơi. Và đương nhiên Hưng bỏ học, để chỉ đạo đàn em tiến hành những vụ trộm cắp. Chẳng mấy chốc, tiếng tăm của Hưng đã nổi danh trong giới giang hồ khắp vùng Kinh Bắc, thậm chí đã vượt ra khỏi địa bàn.

Thế nhưng, lưới trời lồng lộng. Năm 1973, Nguyễn Thành Hưng bị TAND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) xử 18 tháng tù vì tội trộm cắp tài sản. Và cũng ngay sau khi mãn hạn tù, Hưng lại ngựa quen đường cũ, tập hợp những thanh niên bất hảo, lập nhóm cướp ngày càng táo tợn hơn. Và kết quả tất yếu, hai năm sau, Hưng lại bị TAND tỉnh Hà Bắc (cũ) kết án 10 năm tù vì tội trộm cắp tài sản. Con đường vào tù ra tội của Hưng cứ thế, khiến cuộc đời Hưng tưởng như bỏ đi...

Năm 1984, ông hết án. Những ngày đầu trở về, ông đã tự hứa rằng mọi tội tình với mình như vậy là đã quá đủ. Thế nhưng, ông lại sa chân vào vũng lầy tội lỗi lúc nào không hay. Chỉ chừng 1 năm sau, ông bị bắt ở Thái Nguyên. Như lần trước, ông lĩnh án kịch khung về tội trộm cắp tài sản, với 10 năm bóc lịch trong tù.

Sự hoàn lương kỳ lạ

Trở về quê hương, bao nhiêu ánh mắt dồn về phía ông, với sự cảnh giác cao độ và niềm tin đã gần như đánh mất. Thế nhưng, những người thân thích, anh em, bạn bè, làng xóm cũng dần dần hiểu được mong muốn cháy bỏng được phục thiện của ông. Và họ đã dang tay đón ông với sự yêu thương, đùm bọc. Cũng từ đó, Nguyễn Thành Hưng chú tâm làm ăn và với sự thông minh vốn có, ông nhanh chóng có của ăn của để. Ông quay lại giúp đỡ làng xóm, láng giềng; giúp đỡ anh em một thời lầm lỡ để trở về cuộc sống lương thiện.

Cuối năm 2004, ông trúng cử làm trưởng thôn với hơn 70% phiếu bầu. Khi ấy, ông không khỏi e ngại vì với "quá khứ đen" ngày nào, liệu rồi người dân có thực sự tin tưởng vào ông? Thế nhưng, với quyết tâm phục thiện làm lại cuộc đời, ông đã vượt qua mọi rào cản và hoàn thành tốt mọi công việc được nhân dân giao phó. Ông ngày càng được bà con nhân dân trong thôn tin yêu, nể trọng.

Công trình lớn nhất mà ông dành toàn bộ tâm huyết kể từ khi lên làm trưởng thôn là phục dựng thành công chùa Hồng Ân. Theo văn bia còn ghi lại, chùa Hồng Ân có từ thời Lê sơ. Trong kháng chiến chống Pháp, chùa từng là trụ sở của Ủy ban kháng chiến - hành chính huyện Từ Sơn. Ba năm sau Cách mạng tháng Tám, theo chủ trương của Đảng, thực hiện lệnh tiêu thổ kháng chiến, nhân dân Phù Khê Thượng đã tự nguyện phá dỡ chùa để phục vụ sứ mệnh giải phóng dân tộc. Sáu mươi năm không có chùa, trong lòng mỗi người dân Phù Khê Thượng luôn mong mỏi có một ngôi chùa để cầu an, để có chỗ dựa về mặt tâm linh. Sau nhiều ý kiến trái ngược nhau, qua 5 cuộc họp, ông đã được giao trọng trách là trưởng ban kiến thiết xây dựng chùa Hồng Ân, với 24 thành viên. Tháng 5/2005, chùa được khởi công. Ông đứng ra thuê thợ mộc, thợ nề từ nhiều vùng quê về làm, riêng phần thiết kế ông tự đảm nhận. Suốt gần hai năm trời, hầu như ngày nào ông cũng ăn ngủ ngoài công trình cùng thợ. Người ông gầy rộc đi. Đến tháng 11/2006, chùa Hồng Ân bề thế được khánh thành, với tổng kinh phí tới 30 tỷ đồng. Khỏi phải nói hết niềm vui sướng, hạnh phúc của bà con thôn Thượng, họ đã ghi nhận tấm lòng của ông, tỏ lòng nể phục người trưởng thôn giàu tâm huyết.

Đã hơn 8 năm làm trưởng thôn, ông Hưng đã được nhận nhiều giấy khen của UBND thị xã Từ Sơn vì dân vận khéo, bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng chống tội phạm xuất sắc. Nhưng trên hết, phần thưởng lớn nhất chính là ông có được niềm yêu của anh em, bạn bè, bà con lối xóm. Khi gặp ông, sự nỗ lực chân thành của ông đã khiến tôi thêm phần nể trọng. Và quan trọng hơn, chính ông đã cho tôi xúc cảm đặc biệt về sự đổi thay kỳ lạ của một con người với quá khứ lầm lỡ đen tối đến cùng cực.

Đau đáu với quê hương

Điều mà ông Hưng luôn đau đáu là phải làm sao để bà con tin tưởng, từ đó tạo sự đoàn kết trong dân. Ông có thể tự hào là bà con luôn tin tưởng, lắng nghe người trưởng thôn công tâm, hết mình vì làng xóm. Ông cũng là người khởi xướng việc xây dựng nhà văn hóa cho thôn, tổ chức giãn dân cho 70 hộ thành công, tổ chức đổ bê tông đường làng ngõ xóm đến 95%. Phù Khê Thượng có hơn 2.100 nhân khẩu, với 90% số hộ dân sản xuất thủ công mỹ nghệ.

Minh Nguyệt


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.