Trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh là một trong những nhân tố có vai trò quyết định đưa cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta đến thắng lợi hoàn toàn. Đường Hồ Chí Minh – đường Trường Sơn đã trở thành kì tích của lịch sử dân tộc trong thế kỷ XX, được bạn bè khắp năm châu ngưỡng mộ. Trước những thắng lợi to lớn của đường Trường Sơn không thể không kể đến vai trò của vị Tư lệnh - Trung tướng Ðồng Sĩ Nguyên khi ông xây dựng con đường ấy trở thành “trận đồ bát quái xuyên rừng rậm” đối với đế quốc Mĩ.
Với những công lao của Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên cống hiến cho cách mạng và con đường Trường Sơn huyền thoại, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng đánh giá: “Đồng chí đã có công lao to lớn trong Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ. Đặc biệt, đồng chí có công lao lớn đối với con đường chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh”.
Sinh thời, khi nói về mối quan hệ với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên đã từng nói: “Tôi có rất nhiều kỷ niệm với Đại tướng trong cuộc đời binh nghiệp của mình cũng như trong cuộc sống thường ngày”. Những kỷ niệm được Tướng Đồng Sĩ Nguyên nhắc đến đã gắn liền với suốt chiều dài của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mĩ của dân tộc, những tháng ngày “nếm mật nằm gai” ở chiến trường.
Bên cạnh tình đồng hương, đó là tình đồng đội, đồng chí, quan hệ “chủ soái” và một vị tướng quân. Qua đó mới thấy được mối quan hệ gắn bó giữa hai vị “tư lệnh”, hai người con của quê hương Quảng Bình.
Sau khi hòa bình lập lại, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nhận xét rằng: “Đồng chí Đồng Sĩ Nguyên là một trong những vị tướng tiêu biểu của quân đội ta. Tướng Đồng Sĩ Nguyên là một trong những người đồng chí, người bạn chiến đấu thân thiết gần gũi suốt cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc mà tôi rất tin và quý mến”.
Những kỷ niệm của hai vị tướng vùng “cát trắng gió Lào”, là tình đồng đội, đồng chí trong mối thâm tình “trên dưới một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”, của những năm tháng hào hùng cùng cả nước ra trận diệt thù. Sự tin tưởng tuyệt đối giữa “chủ soái” và vị tướng quân tài ba. Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên được Đại tướng rất tin tưởng và luôn có mặt trong những “bài binh pháp” của Đại tướng.
Khi chiến dịch Trung Hạ Lào mở ra năm 1953, Đại tướng phái Đồng Sĩ Nguyên đi làm Đặc phái viên của chiến dịch. Mới giải phóng xong đường 12 thì chiến dịch Điện Biên Phủ đã bắt đầu, Đại tướng lại yêu cầu ông lập tức trở về. Đồng Sĩ Nguyên lại vinh dự được Đại tướng giao nhiệm vụ trong chiến dịch Điện Biên Phủ, một trận đánh có tính chất quyết chiến chiến lược cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn Đồng Sĩ Nguyên trong lần đến thăm bộ đội Trường Sơn.
Trong thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mĩ, vai trò của đường Trường Sơn là vô cùng lớn. Chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người đã tán thành phương án vận tải cơ giới và cũng chính ông trực tiếp giao nhiệm vụ cho Đồng Sĩ Nguyên vào Trường Sơn thực hiện ý đồ của Đại tướng.
Trên tuyến đường “huyền thoại” ấy, Đồng Sĩ Nguyên cùng các cán bộ, chiến sĩ bộ đội Trường Sơn có những kỷ niệm thấm đượm tình người cùng Đại tướng, đặc biệt là khi Đại tướng trực tiếp có mặt để chỉ đạo công tác vận chuyển trên tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói: “Toàn bộ cuộc đời của đồng chí Đồng Sĩ Nguyên gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và của Quân đội… một trong những vị tướng tiêu biểu của Quân đội ta. Đối với tôi, Tướng Đồng Sĩ Nguyên là một trong những người đồng chí, người bạn chiến đấu thân thiết gần gũi suốt cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc mà tôi rất tin và quý mến!”.
Khi hay tin Đại tướng mất, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên là một trong những người đầu tiên và thường xuyên có mặt tại căn nhà số 30 Hoàng Diệu. Với ông, đó là một tổn thất vô cùng to lớn cho toàn thể dân tộc. Trong những ngày diễn ra Quốc tang Đại tướng, chúng ta dễ nhận ra trên các phương tiện thông tin đại chúng hình ảnh cao lớn của Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên bên linh cữu người anh kính mến, người chỉ huy tài ba, người đồng hương thân yêu của mình.
Qua đó cho thấy sự mật thiết, gắn bó của tình “anh em”, của hai con người hai thế hệ nhưng chung thời đại, chung lý tưởng. Giờ đây họ đã cùng nhau về với thế giới của người hiền nhưng nhân dân Việt Nam mãi mãi không quên ơn những công lao to lớn của họ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Tất Thắng – Thế Hà