Ngày Tết không được nói to
Khi nhắc đến ngày Tết cổ truyền, ông Minh bảo, người Dao có nhiều phong tục đón Tết độc đáo. Với tâm niệm Tết là dịp để cả gia đình nghỉ ngơi, sum họp sau một năm lao động vất vả nên bắt đầu từ 20 tháng Chạp khắp làng trên xóm dưới đều gác lại công việc làm ăn để chuẩn bị đón Tết. Đặc biệt ở chỗ, khi một nhà tổ chức thì gần nửa làng tập trung đến nấu nướng, mổ lợn, làm giò chả... sau đó cùng ăn uống, chúc nhau mạnh khỏe, nhiều điều tốt lành.
Ông Minh cho biết: "Năm nào cũng vậy, dân làng chúng tôi tập trung nhau lại góp cỗ làm Tết, nhà ai có gì góp nấy, quan trọng nhất là trưởng họ phải chuẩn bị gạo nếp, nuôi gà, lợn để khao cả họ. Trong Tết, có 3 món ăn không thể thiếu trong mâm cơm là thịt lợn, gà và bánh giầy".
Trong 3 món đó thì bánh giầy là món phải làm kỳ công nhất, đây cũng là đặc sản của người Dao. Để làm được bánh, từ sáng sớm những thanh niên khỏe mạnh, nhiệt tình nhất trong dòng họ, trong xóm được trưởng họ huy động đến để tham gia vào việc làm bánh.
Bánh giầy được làm từ gạo nếp đồ thành xôi chín, sau đó những chàng trai sẽ dùng chày làm từ cây nứa, cây giang cho vào cối đá giã thật nhuyễn. Trong khi giã những câu hát chúc mừng năm mới, đón mùa xuân được mọi người cùng hát. Kết thúc bài hát thì xôi cũng đã giã xong, họ sẽ tự tay nặn thành chiếc bánh dày tròn.
Khi đã chuẩn bị đủ 3 món chính thì người Dao sẽ bắt đầu cúng Tất niên, chủ trì lễ cúng phải là thầy cúng hay người có tuổi uy tín trong cộng đồng. Lễ cúng này diễn ra với mục đích giúp giải hạn, xua đi những điều không may mắn trong năm cũ, cầu sức khỏe, may mắn và bình an cho tất cả mọi người.
Không những thế, trong những ngày Tết người Dao còn nhắc nhau một điều vô cùng quan trọng, đó là không được nói tục, nói to. Đây là điều kiêng kỵ nhất vì người Dao cho rằng, nếu nói to trong ngày Tết sẽ không mang lại may mắn.
"Các thành viên trong gia đình phải nhắc nhở nhau không được nói to, nói tục, vì từ xưa các cụ đã cấm kỵ điều này. Khi đến nhà nhau chúc Tết, chúng tôi cũng nói với nhau rất nhẹ nhàng. Ngày Tết có người vì chén rượu xuân mà nhỡ nói to, nói tục là bị nhắc ngay và lập tức phải về nhà, không được đi chơi nữa. Chúng tôi chỉ dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất", ông Minh kể.
Báu vật của người Dao Quần Chẹt
Ông Minh cho biết, đối với người Dao Quần Chẹt tại Thanh Sơn, từ 20 tháng Chạp họ không chỉ tập trung ăn uống, chúc Tết nhau mà còn "say" cùng điệu múa Rùa, múa kiếm, múa chuông. Những điệu múa này rất đa dạng, phong phú và mang đậm bản sắc truyền thống của dân tộc Dao đã tụ cư và sinh sống hàng ngàn đời nay trên đất Tổ. Đây là hình thức diễn xướng dân gian tiêu biểu nhất trong các diễn xướng dân gian được trình diễn trong dịp tổ chức Lễ Tết nhảy và Lễ Lập tĩnh ở các bản của người Dao.
Với người Dao Quần Chẹt, múa Rùa được giữ và xem như một báu vật nên họ chuẩn bị khá công phu. Ông Minh giải thích, múa chạy Rùa hay múa Rùa tiếng Dao là "Tam nguyên an ham". Đây là điệu múa diễn tả các động tác bắt ba ba, vì thế còn gọi là múa bắt ba ba.
Chỉ có trong nghi lễ Tết Nhảy của người Dao Quần Chẹt mới múa Rùa. Múa Rùa thường chọn từ 9 đến 12 người, do một ông thầy cúng chọn. Những người này được xếp đội hình lượn vòng tròn nối đuôi nhau như múa chuông. Ông thầy đi đầu và khi múa người hơi cúi lom khom.
Trước khi múa, người Dao phải chuẩn bị rất kỹ các dụng cụ như: Dao, kiếm, chuông, khèn, sập xèng và trống. Người ta đem tất cả dao, kiếm đã chuẩn bị để trên bàn cúng cắm xuống nền nhà theo hình chữ chi. Khi bắt đầu, người múa tay cầm chuông, lúc đi lúc chạy lom khom theo hình lượn vòng tròn quanh đàn cúng, lúc đi ngược, lúc chạy xuôi, theo sự chỉ huy của thầy cúng.
Họ cùng diễn tả động tác tìm bắt ba ba đem về mổ, băm, xào, nấu dâng lên Bàn Vương, thần thánh và tổ tiên. Theo nhịp trống, thanh la của một số người đứng ở vòng ngoài. Trong mỗi đám Tết nhảy phải múa điệu này 15 lượt. Người Dao Quần Chẹt quan niệm rằng, đây là một trong những nghi lễ đội ơn thần linh, trời, đất đã cứu giúp người Dao thoát chết và có cơ hội được mưu sinh, lạc nghiệp trên mảnh đất mới.
Ông Minh cho biết: "Trong khi múa, không ai được đi sai theo lối ông thầy đã đi, nếu có lỡ đánh đổ kiếm hoặc đao, hoặc đi sai thì ông thầy sẽ bắt đi lại... Người múa vừa đi, vừa chạy nhanh dần, chậm dần, tay vừa lắc chuông xen lẫn tiếng bước chân của người nhảy múa chạy rầm rập, tiếng cười nói rôm rả của người xem. Múa Rùa phải kết hợp với múa kiếm, múa chuông nên các động tác phải thực hiện liên hoàn.
Và một điều đặc biệt không thể thiếu, khi múa Rùa, những lời hát do chính ông thầy cúng- người chỉ huy trưởng thể hiện. Lời bài hát cũng chính là ý nghĩa mà ai cũng mong muốn có được, chúng tôi muốn cầu mong những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với anh, em, họ hàng, bà con, dân bản, cầu mong mùa màng bội thu, đời sống đủ đầy, no ấm... Điệu hát cùng tiếng chuông lắc hòa vào nhau khiến cho không khí càng trở nên tươi vui, ấm áp hơn rất nhiều".
Ngoài những điều trên thì trang phục của người Dao trong điệu múa Rùa cũng đặc sắc, bắt mắt. Khi được chọn vào đội múa thì mỗi thành viên phải tự trang bị cho mình một bộ trang phục truyền thống, in hình họa tiết những con vật như: Hổ, sư tử, rồng...
Mỗi người một màu sắc khác nhau, kết hợp với mũ có hình tượng trưng của 3 anh em đấng thánh vương, tạo nên vẻ đẹp rực rỡ trong những ngày lễ hội, hay Tết Nhảy của dân tộc Dao. Kết thúc điệu múa, các thành viên trong đội cùng lượn theo vòng tròn, nhảy và giương cao kiếm, dao để nói lên sức mạnh đoàn kết để bảo vệ lẫn nhau, giúp nhau có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Đã nhiều năm nay, ông Minh là thành viên trong đội múa Rùa, hơn ai hết ông hiểu được ý nghĩa của điệu múa này. Nhưng trước dòng chảy của cuộc sống hiện đại, khi mà lớp trẻ không còn mặn mà với điệu múa cổ xưa, ông Lý Văn Minh cũng có nhiều trăn trở. Hiện ông đang ngày đêm cùng các nghệ nhân khác trong thôn truyền dạy lại điệu múa Rùa cho học sinh, lớp trẻ trong thôn.
Chúng tôi chia tay ông Minh khi tiếng chuông đen xen theo những câu hát, điệu nhảy bí ẩn bắt đầu vang lên, thúc giục, rộn rã báo hiệu Xuân về.
Trao đổi với PV, anh Dương Quang Hải (cán bộ văn hóa xã Cự Thắng cho biết: “Múa Rùa là một nét văn hóa độc đáo của người Dao Quần Chẹt, vì thế, chúng tôi đã và đang thực hiện việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể cũng như phi vật thể mà địa phương đang có. Chúng tôi cũng khuyến khích nhân dân giữ gìn và phát huy các phong tục, tập quán tốt đẹp”.