Vì yêu, Nhã Lang vô tình dâng mũ đâu mâu cho 'giặc'

Vì yêu, Nhã Lang vô tình dâng mũ đâu mâu cho 'giặc'

Thứ 7, 25/05/2013 14:20

Triệu Việt Vương tên thật là Triệu Quang Phục, làm vua cai trị từ năm 548 đến năm 571. Năm 555, Đào Lang Vương Lý Thiên Bảo qua đời, không có con nối dõi, một vị tướng khác, người cùng họ với Lý Bí là Lý Phật Tử được đưa lên nối nghiệp.

Bấy giờ, Triệu Quang Phục đã đánh đuổi được quân nhà Lương và xưng là Triệu Việt Vương, đóng trong thành Long Biên.  

Năm 557, Lý Phật Tử (Hậu Lý Nam Đế (trị vì: 571-602) là vua nhà Tiền Lý trong lịch sử Việt Nam liền đem quân đánh Triệu Việt Vương. Sự kiện đau xót này được sách Đại Việt sử kí toàn thư (ngoại kỉ, quyển 4, từ tờ 19-b đến tờ 21-b) chép lại như sau: "Lý Phật Tử đem quân xuống vùng Đông Bắc, đánh nhau với Nhà vua (chỉ Triệu Việt Vương) tại Thái Bình, năm trận liền vẫn chưa phân thắng bại.

Quân của Lý Phật Tử hơi nao núng, là Nhà vua có phép thuật lạ, bèn xin giảng hòa, thề thân thiện với nhau. Nhà vua nghĩ rằng, Lý Phật Tử là người cùng họ với Lý Nam Đế, cho nên, không nỡ cự tuyệt, bàn lấy bãi Quân Thần ở hai xã Thượng Cát và Hạ Cát của huyện Từ Liêm (ngoại thành Hà Nội) làm địa giới.

Từ đó trở về phía Tây thì nhường cho Lý Phật Tử. Lý Phật Tử dời về đóng tại thành Ô Diên (xã Hạ Mỗ, Từ Liêm có đền thờ Bát Lang, tức là đền thờ Nhã Lang vậy).

Sau, Lý Phật Tử có con trai là Nhã Lang. Nhã Lang xin cưới con gái của Nhà vua là Cảo Nương làm vợ. Nhà vua bằng lòng. Từ đó, hai bên thành thông gia. Nhà vua rất yêu quý Cảo Nương, bèn cho Nhã Lang được ở rể''. Nhã Lang ở rể vừa được ba năm thì biến cố lớn đã xảy ra, mà với biến cố này, Nhã Lang vừa là thủ phạm, lại cũng vừa là nạn nhân.

Sách trên (tờ 20-a) khi chép chuyện năm Canh Dần (570) cho biết như sau: "Nhã Lang nói với vợ rằng: Trước kia, cả hai vua cha cùng thù oán nhau, vậy mà nay lại kết nghĩa thông gia, sự thể quả là rất hay. Nhưng, vua cha của nàng có thuật gì hay mà đẩy lùi được quân của vua cha ta?".

Cảo Nương không hề hay biết ẩn ý của chồng, bèn bí mật lấy mũ đâu mâu có gắn móng rồng cho chồng xem. Nhã Lang nhân đó, tráo cái móng rồng ấy, rồi nói với Cảo Nương rằng: Ta nghĩ, ơn sâu của cha mẹ lớn kể như trời đất. Nay, vợ chồng yêu quý nhau, không nỡ xa cách, nhưng ta cũng quyết phải tạm dứt tình để về thăm cha mẹ. Nhã Lang trở về, cùng với cha, bàn mưu đánh chiếm nước của Triệu Việt Vương''.

..."Nhà vua (chỉ Lý Phật Tử) phụ lời thề ước, đem quân đánh úp Triệu Việt Vương. Lúc đầu, Triệu Việt Vương chưa rõ cơ sự, vội đem quân và đội mũ đâu mâu đứng chờ. Quân của Nhà vua ào ạt tiến đến, Triệu Việt Vương tự biết yếu thế không sao chống cự nổi, bèn đem con gái chạy về phía Nam, tính tìm đất hiểm để có thể ẩn náu mà mưu sự lâu dài.

Nhưng, chạy tới đâu cũng bị quân của Nhà vua đuổi theo sát gót. Triệu Việt Vương phi ngựa về cửa biển Đại Nha (nay là cửa Liêu, thuộc huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định).

Khi thấy biển chắn trước mặt, Triệu Việt Vương than rằng: "Ta hết đường chạy rồi!". Nói xong ông đã nhảy xuống biển tự tử. Họ Triệu đến đó thì mất nước.

Pháp luật - Vì yêu, Nhã Lang vô tình dâng mũ đâu mâu cho 'giặc'

Luật nay: Cảo Nương phạm tội vô ý làm lộ bí mật quân sự

Kế cũ của Triệu Đà, đến đây được Lý Phật Tử lặp lại, lạ lùng chăng thì cũng chỉ là ở chỗ, bậc đa mưu túc trí như Triệu Việt Vương vẫn cứ bị trúng kế một cách thảm hại đó thôi. Hẳn nhiên là Triệu Việt Vương cũng có chỗ khiếm khuyết của mình, nhưng trách ông thì quả là chẳng thể.

Một đời ông canh cánh nỗi lo cảnh giác với kẻ thù, thế là đã quá đủ, lẽ đâu bắt ông còn phải thường xuyên cảnh giác với thông gia, với con rể của mình?

Từng nhân vật trong câu chuyện như: Lý Phật Tử, Triệu Việt Vương, Cảo Nương, Nhã Lang thì ai mới là người đáng phải bị trừng phạt theo pháp luật, ai sẽ được sự cảm thông... Rõ ràng, việc Triệu Việt Vương đã lơ là trong việc bảo quản vũ khí bí mật quốc gia là cái sai của ông. Nhưng ai lại đi đề phòng thông gia và con rể của mình chứ.

Còn Cảo Nương vì tin chồng, nàng đã đưa mũ đâu mâu có gắn móng rồng cho chồng xem. Đối với cha con nhà Nhã Lang thì khi đạt được mục đích rồi thì cao chạy xa bay cũng là lẽ thường tình và sau này thì bị người đời quả báng, chê trách...

Chiếu theo các quy định pháp luật hiện hành và đặc biệt là trong quy định tại Bộ luật Hình sự thời nay thì trong bốn người đó, thì chỉ có Cảo Nương mới là người phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc để mũ đâu mâu lọt vào tay kẻ thù.

Theo quy định tại Điều 328 BLHS có quy định về "Tội vô ý làm lộ bí mật công tác quân sự; tội làm mất tài liệu bí mật công tác quân sự". Điều luật có quy định như sau: Người nào vô ý làm lộ bí mật công tác quân sự hoặc làm mất tài liệu bí mật công tác quân sự, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 264 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm;  Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

Như vậy, rõ ràng là Cảo Nương đã vô ý làm lộ bí mật quân sự cho kẻ thù thì nàng phải chịu trách nhiệm trước việc làm đó.

Ngoài ra, nếu có đủ chứng cứ thì có thể buộc tội cha con Nhã Lang vào tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược theo Điều 341 BLHS.     

Tường Linh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.