Trong lời mở đầu, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, thành tích nổi bật trong năm 2020 là phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Với sự kiên quyết, đoàn kết và sáng tạo, TP.HCM đã hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của dịch bệnh đến sức khỏe nhân dân.
Nhiệm vụ quan trọng khác là phát triển kinh tế, địa phương đang nỗ lực để hỗ trợ doanh nghiệp, đảm bảo các chỉ tiêu thu ngân sách.
Hầu hết các ý kiến chất vấn đều xoay quanh việc phòng chống dịch bệnh Covid-19 và khôi phục phát triển kinh tế xã hội. Đặc biệt, đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm đặt câu hỏi về vấn đề vỉa hè bị lấn chiếm.
“Đây là nội dung được HĐND TP.HCM chất vấn lãnh đạo UBND TP.HCM từ đầu nhiệm kỳ nhưng không thấy chuyển biến. Các tuyến đường như Phạm Văn Đồng (quận Gò Vấp), Phạm Ngũ Lão (quận 1),…vẫn bị tái chiếm sau những đợt ra quân của chính quyền”, bà Trâm nói.
Vì thế, nữ đại biểu nhắc lại lời nói của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong trước đây để hỏi rằng, đã có người đứng đầu Sở ngành hay quận huyện nào bị xử lý khi để vỉa hè bị lấn chiếm hay chưa?
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, vấn đề lấn chiếm vỉa hè đã được Thành ủy TP này ban hành Chỉ thị số 11 nhằm đảm bảo an toàn trật tự giao thông. Từ đó, chính quyền TP.HCM đã triển khai, bước đầu có kết quả nhất định.
“Không phải chúng tôi không có hành động cụ thể. Mỗi 6 tháng đều có báo cáo sơ kết, tăng cường nhắc nhở phường xã, quận huyện. Trong đó, lãnh đạo TP.HCM giao nhiệm vụ cho lãnh đạo quận, huyện xây dựng tuyến đường mẫu trong cam kết thi đua”, ông Phong giải trình.
Còn về kết quả, ông Phong cho rằng, cần dựa vào thực tế để xác định từng yêu cầu, cuộc vận động cần có thời gian chứ không thể khắc phục hoàn toàn ngay lập tức.
Đồng thời, để giải quyết vấn đề vỉa hè đạt hiệu quả, cần cả hệ thống chính trị vào cuộc chứ không riêng chính quyền địa phương, nhất là phát huy vai trò cấp ủy cơ sở.
Đối với việc kiểm điểm người đứng đầu, ông Phong khẳng định ban An toàn giao thông TP.HCM trong mỗi kỳ họp “đều xem xét” nhưng không đưa ra được nội dung cụ thể.
Nhóm câu hỏi về phát triển kinh tế, ông Nguyễn Thành Phong báo cáo, TP.HCM có 40.000 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới, 6.086 doanh nghiệp giải thể và 14.095 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động trong năm 2020. Đầu tư nước ngoài (cả hình thức góp vốn mua cổ phần) đạt 4 tỷ USD, giảm 51,98% so với cùng kỳ.
Tổng sản phẩm trên địa bàn TP.HCM (GRDP) tăng 1,39 % so với cùng kỳ 2019. Thu ngân sách đạt 352.000 tỷ đồng, đạt 86,74 dự toán, giảm 14,18 % so với năm 2019. Trong đó, thu nội địa ước đạt 238.000 tỷ đồng, đạt 85,42% dự toán và giảm 11,37% so cùng kỳ.
Việc chi ngân sách đảm bảo, ước đạt 91.713 tỷ đồng, đạt 89,87% dự toán giao đầu năm và tăng 35,85% so với cùng kỳ. Chi đầu tư phát triển ước 36.966 tỷ đồng, đạt 102,47% dự toán, tăng 68,15% so với cùng kỳ.
Qua năm 2021, TP.HCM đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP đạt từ 6% trở lên; GRDP bình quân đầu người đạt 6.500 USD/người; tạo việc làm mới cho 140.000 lao động, tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 4%.
Từ đó, lãnh đạo địa phương đề ra các giải pháp như: Cải thiện chỉ số PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), tính năng động của chính quyền, khả năng tiếp cận đất đai, hiệu quả thực thi của các thiết chế pháp lý.
Ngoài ra, TP.HCM sẽ triển khai đề án quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất hiệu quả; rà soát xử lý các dự án chậm triển khai, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người sử dụng đất; thực hiện chương trình cải cách hành chính và nâng cao chỉ số cải cách hành chính.
Công tác triển khai gói hỗ trợ doanh nghiệp lần 2 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 vẫn là việc cần làm.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách quy định các chương trình tín dụng để hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp với mức tăng trưởng tín dụng khoảng 14%; tăng trưởng huy động vốn khoảng 13 - 14%.