Sau 2 tháng đồng loạt ra quân dẹp loạn vỉa hè, lập lại trật tự đô thị trên địa bàn TP.Hà Nội, theo ghi nhận của PV báo Người Đưa Tin, hiện tình trạng lấn chiếm đã ồ ạt tái xuất tại nhiều tuyến phố.
Việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường này chủ yếu diễn ra với các hành vi như: Bán hàng trà đá trên vỉa hè, dừng đỗ xe sai quy định, họp chợ dưới vỉa hè, lòng đường, bày bán hàng quán tràn ra lòng đường, mái che mái vẩy đua ra vỉa hè...
Có thể kể đến các trường hợp điển hình như đoạn chợ Cầu Đá, trước ngõ 448 Trần Cung (Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm). Đây là khu vực có điểm dừng đỗ của tuyến buýt số 28. Tại đây, vào các buổi sáng và chiều tối hàng ngày, người dân lại ngang nhiên họp chợ, bày bán đồ đạc lấn cả ra điểm dừng xe buýt. Thậm chí, các hàng rau còn bày la liệt chiếm luôn cả điểm đứng chờ xe buýt, đẩy hành khách xuống lòng đường. Không những vậy, việc họp chợ ở khu vực này còn khiến giao thông trở nên hỗn loạn mỗi khi người dân dừng đỗ, tập trung mua hàng ở chợ tự phát này.
Cũng trên tuyến đường này, đoạn trước cổng bệnh viện E, số 87 Trần Cung, hàng loạt các hàng trà đá bày bán trên vỉa hè. Ngoài ra, theo quan sát của PV, đoạn đường này hiện bị biến thành điểm dừng đỗ bắt khách của một hãng xe taxi hoạt động thường xuyên tại đây. Vào các giờ cao điểm, xe taxi xếp đỗ thành hàng dài để chờ bắt khách, cùng với việc xe buýt lưu thông trên khung đường nhỏ khiến tình hình giao thông trở nên rất căng thẳng.
Một trường hợp tái lấn chiếm vỉa hè điển hình khác là tại khu vực phố Nguyễn Hoàng giáp phía sau bến xe Mỹ Đình. Đây từng là điểm nóng được lực lượng phường Mỹ Đình 2 cùng lực lượng của quận Nam Từ Liêm ra quân dẹp loạn hôm 10/3. Tuy nhiên, quan sát của PV cho thấy, việc các phương tiện taxi, xe ôm dừng đỗ trên vỉa hè và dưới lòng đường để bắt khách vẫn ngang nhiên diễn ra. Nhiều điểm trông xe tràn ra vạch kẻ phân định ranh giới giành cho người đi bộ.
Tương tự, các trường hợp tái diễn lấn chiếm vỉa hè cũng xuất hiện ở một số tuyến phố như: Phủ Doãn, Hàng Ngang, Hàng Đào... (quận Hoàn Kiếm); phố Nguyễn Chí Thanh, Kim Mã… (quận Ba Đình), phố Thụy Khuê, Võng Thị… (quận Tây Hồ), một số tuyến phố tại địa bàn phường Yên Hòa, Trung Hòa (quận Cầu Giấy).
Trao đổi vơi PV báo Người Đưa Tin về những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường trên tuyến đường Trần Cung, bà Nguyễn Thị Thanh Thảo – Bí thư phường Cổ Nhuế 1 cho hay, con đường này vốn nhỏ hẹp, lại không có vỉa hè, hơn nữa trên địa bàn phường không có chợ dân sinh, do vậy, vẫn có việc người dân tái diễn họp chợ tại đây.
Bà Thảo khẳng định, việc lập lại trật tự đô thị trên tuyến đường thời gian qua đã có những tiến triển, đạt được những thành quả ban đầu. “Nếu trước đây mười phần thì nay chỉ còn ba”, bà Bí thư phường Cổ Nhuế 1 nhấn mạnh.
Để minh chứng cho việc quyết tâm xử lý, bà Thảo cho PV xem một kế hoạch ra quân xử lý, lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè trên địa bàn phường suốt 2 tháng qua. Cũng theo bà Thảo, việc lập lại vỉa hè lòng đường cần làm lâu dài, tuyên truyền sâu rộng vào ý thức người dân chứ không phải chuyện làm được ngay.
“Chúng tôi vẫn tuyên truyền sâu rộng, vận động người dân ký cam kết 3 lần, đối với những hộ cố tình lấn chiếm, chúng tôi mới xử lý. Chúng tôi cũng thường xuyên ra quân, thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo của Chủ tịch TP, làm từng bước để người dân thay đổi ý thức”, bà Thảo khẳng định.
Chia sẻ về kết quả lập lại trật tự vỉa hè trên địa bàn với PV, ông Phạm Tuấn Long – Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho rằng, sau 2 tháng thì kết quả đạt được đã rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, bên cạnh đó, còn một số tuyến phố vẫn có tình trạng tái chiếm như phố Phủ Doãn.
“Quận đã làm việc trực tiếp với các phường và có chỉ đạo hàng ngày. Trong khi đó, nhiều tuyến phố như Phủ Doãn.. là nơi có bệnh viện, hơn nữa các hàng rong từ nơi khác đến nên việc vận động, xử lý còn khó khăn”, ông Long chia sẻ.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, việc lập lại trật tự đô thị lòng đường, vỉa hè được quận xác định là việc làm lâu dài, do đó thời gian tới sẽ khắc phục dần.
Trao đổi với PV về việc tái lấn chiếm lòng đường, vỉa hè ở khu vực bến xe Mỹ Đình, lãnh đạo phòng Quản lý đô thị quận Nam Từ Liêm cho hay: “Khu vực này đã được quận giao cho công an, thanh tra giao thông thường xuyên tuần tra, xử lý và xác định làm lâu dài, từng bước”.
Như vậy, có thể thấy công cuộc “dẹp loạn” vỉa hè, lòng đường trên địa bàn Thủ đô đã được các địa phương xác định là việc làm lâu dài, cần thời gian.
Nhất Nam